Mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau THCS, nhưng đến nay tỷ lệ phân luồng vẫn ở mức thấp. Điều này cho thấy mục tiêu đến 2020, có 30% học sinh sau THCS vào học nghề khó hoàn thành.
Học sinh một trường nghề tại TP.HCM trong giờ học thực hành
Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”. Theo đó, đến năm 2020, phấn đấu có ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trình độ sơ cấp và TC; đạt ít nhất 25% đối với địa phương có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
Học sinh chỉ thích… vào ĐH
Sau 1 năm triển khai đề án, tỷ lệ phân luồng gần như giậm chân tại chỗ. Theo số liệu của Tổng cục GDNN (Bộ LĐ-TB&XH), tỷ lệ phân luồng chung hiện nay chỉ vào khoảng 10%. Từ thực tế của đơn vị, đại diện các cơ sở GDNN cũng khẳng định, tỷ lệ phân luồng đến 2020 đạt 30% là chuyện trong mơ.
Ông Trần Ngọc Cường (Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Thủ Đức) khẳng định, mỗi năm chỉ có khoảng 10-12% học sinh vào TC-CĐ nghề. “Con số này nói lên việc phân luồng chưa hiệu quả, không nhất quán, học sinh thì bằng mọi giá vào ĐH trong khi cửa vào ĐH ngày càng rộng”, ông Cường nói. Trong khi đó, TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng ban Công tác sinh viên, ĐH Quốc gia TP.HCM) thông tin năm 2018, cả nước có khoảng 74% học sinh có nguyện vọng vào ĐH, số còn lại vào CĐ-TC, du học hoặc tham gia vào thị trường lao động.
Ông Đặng Minh Sự (Trưởng phòng GDNN, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) thừa nhận công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học trên địa bàn TP chưa thực hiện hiệu quả. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiệu quả phân luồng chưa như mong muốn, trong đó có nguyên nhân từ một số cơ sở GDNN cơ sở vật chất còn lạc hậu so với yêu cầu, chưa đầu tư phát triển phương tiện kỹ thuật dạy học, chưa tạo uy tín đào tạo với đơn vị sử dụng lao động, phần nào ảnh hưởng đến tâm lý xã hội. “Hiện nay chúng tôi đang cố gắng kết nối với ngành giáo dục để làm tốt công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học”, ông Sự cho biết.
Chật vật với phân luồng
Ghi nhận tại một số cơ sở GDNN cho thấy, việc thực hiện phân luồng khá chật vật. Cứ đến mùa tuyển sinh, các trường TC-CĐ lại phải đau đầu với việc tìm người học. Hiệu trưởng một trường TC trên địa bàn TP.HCM lắc đầu ngao ngán khi đề cập đến vấn đề này: “Khoảng 3 năm trở lại đây, năm nào cao lắm trường chúng tôi cũng tuyển được xấp xỉ 50% chỉ tiêu. Chúng tôi đã nhiều lần chủ động liên hệ với các trường THCS-THPT để tổ chức phân luồng, hướng nghiệp, đưa học sinh đến tham quan cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo nhưng không phải trường nào cũng đồng ý”, vị hiệu trưởng này nói.
“Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiệu quả phân luồng chưa như mong muốn, trong đó có nguyên nhân từ một số cơ sở GDNN cơ sở vật chất còn lạc hậu so với yêu cầu, chưa đầu tư phát triển phương tiện kỹ thuật dạy học, chưa tạo uy tín đào tạo với đơn vị sử dụng lao động…”, ông Đặng Minh Sự (Trưởng phòng GDNN, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) thừa nhận. |
Tại Hội nghị tổng kết công tác GDNN năm 2018 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2019 do Sở LĐ-TB&XH TP.HCM tổ chức mới đây, ông Phạm Hữu Lộc (Hiệu trưởng Trường CĐ Lý Tự Trọng) thẳng thắn thừa nhận: Hoạt động hướng nghiệp, phân luồng ở trường THPT vẫn còn tập trung vào các trường ĐH, hạn chế trong việc định hướng học nghề, coi học nghề là lựa chọn cuối cùng khi không thể vào đâu được.
ThS. Nguyễn Văn Tiến (Trung tâm GDNN-GDTX Q.Tân Bình, TP.HCM) cho biết nhằm đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, phân luồng sau THCS, ngoài việc tập trung đào tạo nghề ngắn hạn, trung tâm còn triển khai các lớp học nghề, liên kết với các trường TC, CĐ đào tạo trình độ TC cho học viên sau khi học sơ cấp nghề. Theo đó, trung tâm ký kết với các trường về chương trình học nằm trong khung chương trình đào tạo được liên thông lên TC nghề. Từ đó giúp người học có động lực học tập và tạo điều kiện để được học lên cao hơn.
Cũng theo ông Tiến, trung tâm đã và đang liên kết hợp tác đào tạo nghề với các đơn vị cung ứng lao động qua thị trường Nhật Bản với trung bình mỗi năm 150 thợ hàn và 100 công nhân may.
Trong khi đó, ông Huỳnh Quốc Tuấn (Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Bình Chánh, TP.HCM) cho biết hàng năm trung tâm phối hợp với Trường TC Thủy sản, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM… tổ chức định hướng nghề nghiệp và phân luồng cho học sinh. Việc phân luồng ở địa phương cũng gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên những năm gần đây có chuyển biến tích cực, nhận thức của người dân cũng thay đổi. Kết quả là vậy nhưng so với số lượng học sinh trên địa bàn thì tỷ lệ học sinh sau THCS vào học nghề chẳng đáng là bao.
TS. Nguyễn Phan Hòa (Hiệu trưởng Trường TC Nhân Đạo) chia sẻ sau tốt nghiệp THCS có 4 luồng chính đã định hướng, song luồng vào trường nghề, trung tâm GDNN-GDTX rất thấp và chỉ là giải pháp cuối cùng.
T.Anh
Bình luận (0)