Những gốc tre khô xù xì những tưởng chỉ làm thứ củi đốt đâu đó trong gian bếp nhà quê, thế nhưng qua bàn tay của anh Huỳnh Phương Đỏ ở phường Minh An, thành phố Hội An (Quảng Nam) đã trở nên những tác phẩm nghệ thuật tinh tế.
Anh Huỳnh Phương Đỏ bên tuyệt tác làm từ gốc tre
1.Bên góc phố đi bộ số 26 Bạch Đằng, thành phố Hội An luôn thu hút du khách bởi tiếng búa đục lách cách vang vọng. Ngồi lọt thỏm giữa không gian bố trí đầy gốc tre được tạo hình nghệ thuật bắt mắt là ông chủ nhỏ với nụ cười hiền và sẵn sàng giải thích những thắc mắc của du khách về muôn hình nghệ thuật vừa được anh tạo ra, dù trong số ấy, có khách mua về, cũng có du khách chỉ hỏi để thỏa mãn sự tò mò hiểu biết của mình về loại hình nghệ thuật tạo nên từ những kí ức ấu thơ sau lũy tre làng của họ. Bao năm qua, Huỳnh Phương Đỏ vẫn ngồi đó mỗi ngày dù con tạo xoay vần dời đổi.
Anh Đỏ bắt đầu câu chuyện về nghiệp duyên gắn bó đời mình với những gốc tre bằng chất giọng trầm trầm của người con phố Hội. Huỳnh Phương Đỏ sinh ra trong gia đình có truyền thống nghề giáo nhưng lớn lên anh lại mê nghề mộc. Năm 16 tuổi, vì quá đam mê nghề, anh được gia đình gửi đi học nghề ở làng mộc Kinh Bồng, cách nhà một con sông. Vững tay nghề, anh đi làm thợ thuê cho các xưởng mộc. Cuộc đời làm thợ thuê nhanh chóng khiến anh nản lòng. Hai năm sau đó anh ra Đà Nẵng, trải qua nhiều nghề khác nhau để làm kế sinh nhai như bốc vác, sửa xe, bán bánh chưng… Ít lâu sau anh lập gia đình rồi đưa vợ về lại Hội An tiếp tục nghề mộc. Chính thời gian này, cơ duyên đưa anh đến với nghề chế tác tre.
2.“Hồi năm 1999, khi Hội An hứng chịu trận đại hồng thủy lịch sử, nước ngập cả nóc nhà. Khi nước rút dần, tôi đang ngồi trên gác nhìn xuống, tôi thấy gốc tre mắc vào cột nhà dập dềnh trong trước, nhìn những chùm rễ tôi liên tưởng đến ba ông thần tài: Phúc-Lộc-Thọ. Ý tưởng không giống ai đó cứ neo lấy trong trí nhớ của tôi”, anh Đỏ kể. Hôm đó, anh Đỏ vội vàng nhảy xuống nền nhà còn đầy nước để vớt gốc tre lên. Ít hôm sau, anh bắt đầu ngắm nghía và soạn bộ đồ nghề điêu khắc gỗ sẵn có, loay hoay hết đục đẽo, rồi dùng dao cắt tỉa mớ rễ tre. Vốn làm nghề chạm khắc gỗ từ năm 16 tuổi và đã từng tự tay chạm khắc những tác phẩm thần tài nên anh Đỏ không mấy khó khăn khi tạo hình các thần tài đó trên gốc tre. Tuy vậy, anh vẫn mất đến 3 ngày trời để đẽo nên 3 tượng ông Phúc-Lộc-Thọ. Ngắm tác phẩm của chính mình, anh hài lòng nhiều lần cười một mình. Sau cơ duyên đó, anh bắt đầu đến với nghề điêu khắc nghệ thuật từ gốc tre bằng niềm đam mê và tình yêu trọn vẹn dành cho nó.
Để có đủ gốc tre phục vụ cho đam mê nghệ thuật, ngày ngày anh đi khắp các làng quê để “săn” gốc tre. Làng quê nào còn trồng tre thì nơi đó có dấu chân anh Đỏ. Nhiều người qua đường lạ lẫm trước hình ảnh một anh trung niên nước da rám nắng, thân hình nhỏ bé hì hụi bên những bụi tre khô để gỡ từng gốc một cách cẩn thận. Nhiều người bảo anh hâm, số khác nghĩ đời sống anh hẳn dư dả nên đua đòi xu thế chơi ngông. Anh vẫn miệt mài với công việc của mình và đáp trả bằng nụ cười chân chất. Mua xong, anh thuê xe chở về nhà và chuyển dần ra góc phố Bạch Đằng – nơi anh có một cái quán nhỏ và bắt đầu đục đẽo, trưng bày tác phẩm của mình.
Anh Huỳnh Phương Đỏ giới thiệu tác phẩm của mình với du khách nước ngoài Anh Huỳnh Phương Đỏ bảo, anh đến với tre bằng sự tình cờ trong cơn lũ dữ nhưng lại gắn bó với nghề này như cơ duyên khó rời bỏ. Tre không chỉ là tác phẩm nghệ thuật, tre còn nhắc nhớ kí ức bao người lớn lên từ những làng quê hiền hậu của nông thôn Việt Nam. Đó cũng là cách nhắc nhớ về nguồn cội! |
3.Anh Đỏ bảo, để tạo ra một tác phẩm nghệ thuật tre không hề dễ dàng. Ngày trước, giá một gốc tre hình ông Phúc-Lộc-Thọ hay Phật tổ, Bồ tát được anh chế tác ra có giá đôi ba chục ngàn. Ngày đó, sau khi chế tác ra sản phẩm, anh đem phân phối ở các quầy lưu niệm trong phố cổ để chào hàng rộng rãi với du khách. Tuy nhiên thời gian vài năm trở lại đây, tre ngày một khan hiếm cộng với nhu cầu thẩm thấu nghệ thuật cao nên giá cả một tác phẩm có khi lên đến hàng triệu đồng. Theo anh Đỏ, cái đặc biệt của gốc tre là nếu không chế tác thì ít người nhìn ra tính nghệ thuật tiềm ẩn trong nó. Chỉ khi người nghệ nhân chế tác ra bằng những đường nét tinh tế mới có thể nhìn thấy vẻ đẹp tuyệt mỹ của nó. Với mỗi gốc tre tùy hình dạng, kích thước, anh Đỏ lại chế tác ra những tác phẩm khác nhau để tạo nên sự đa dạng trong sản phẩm của mình. “Tôi từng đi rất nhiều làng quê để tìm gốc tre, nhưng nhớ nhất là lần đến vùng núi cao Tây Bắc, tôi đã tìm thấy một gốc tre rất lớn. Sau đó tôi đã chế tác ra bức tượng Đạt Ma sư tổ. Bức tượng này được một du khách quốc tế mê mẩn và đặt mua ngay. Tác phẩm của tui lâu ni đã được nhiều khách nước ngoài tìm mua nhưng tương lai tui vẫn ước mơ những tuyệt tác này được xuất ngoại nhiều hơn”.
Anh Huỳnh Phương Đỏ bảo, anh đến với tre bằng sự tình cờ trong cơn lũ dữ nhưng lại gắn bó với nghề này như cơ duyên khó rời bỏ. Tre không chỉ là tác phẩm nghệ thuật, tre còn nhắc nhớ kí ức bao người lớn lên từ những làng quê hiền hậu của nông thôn Việt Nam. Đó cũng là cách nhắc nhớ về nguồn cội.
Gần 20 năm theo nghề chế tác gốc tre, hiện Huỳnh Phương Đỏ đã kết nối phân phối tác phẩm của mình cho các đại lý quà lưu niệm thuộc 7 tỉnh, thành trong cả nước.
Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)