Góp phần cho công tác phân luồng đạt hiệu quả, không chỉ tập trung hướng nghiệp cho học sinh mà giáo viên các trường THCS-THPT cũng cần được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về hướng nghiệp.
Học viên Trung tâm GDNN-GDTX Q.Tân Phú tìm hiểu ngành nghề tại một ngày hội hướng nghiệp tổ chức mới đây
Trang bị kỹ năng hướng nghiệp cho giáo viên
Cuối tuần qua, 160 giáo viên làm công tác hướng nghiệp ở các trường THCS trên địa bàn Q.Bình Tân, Q.6 và huyện Bình Chánh đã được tham gia hội thảo và tham quan thực tế tại Công ty cổ phần Điện lạnh Hưng Trí và Công ty cổ phần Ba Huân. Đây là hoạt động thường niên do Trường TC Thủy sản phối hợp với Phòng GD-ĐT Q.Bình Tân, Q.6 và huyện Bình Chánh tổ chức nhằm trang bị cho giáo viên kiến thức liên quan đến công tác hướng nghiệp.
Bà Ngô Huỳnh Diệu Anh (đại diện Trường TC Thủy sản) cho biết hàng năm trường đều đưa giáo viên làm công tác hướng nghiệp tại các trường THCS đến đơn vị có liên kết đào tạo với trường để tham quan, tìm hiểu ngành nghề. Mục đích của hoạt động này là giúp giáo viên hiểu thêm về cơ hội việc làm, ngành nghề nào cần nhân lực, từ đó có cơ sở định hướng nghề nghiệp cho các em học sinh.
Ông Nguyễn Bá Trí (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Điện lạnh Hưng Trí) cho biết hiện doanh nghiệp có khoảng 700 lao động và với định hướng phát triển trong thời gian tới, số lao động sẽ tăng lên. Tuy nhiên, khó khăn của công ty là đang thiếu nguồn nhân lực được đào tạo. Để đảm bảo lực lượng lao động đủ về lượng và chất, công ty đã chủ động phối hợp với Trường TC Thủy sản tổ chức hoạt động hướng nghiệp cho giáo viên, liên kết với nhà trường trong đào tạo nghề.
“Trong hợp tác đào tạo với trường, doanh nghiệp hỗ trợ kiến thức thực tế từ doanh nghiệp bởi kiến thức ở trường chỉ là lý thuyết. Trong thời gian học tại doanh nghiệp, người học tiếp thu nhanh, phát huy năng lực và hầu hết sau khi ra trường được công ty tiếp tục đào tạo đáp ứng tốt yêu cầu công việc. Người làm công tác hướng nghiệp hiệu quả không ai ngoài giáo viên ở trường phổ thông. Kiến thức của họ là cơ sở tin cậy đối với học sinh, vì vậy họ rất cần được trang bị, bồi dưỡng kỹ năng”, ông Trí cho biết.
Bà Phạm Thị Huân (Giám đốc Công ty cổ phần Ba Huân) đánh giá cao các chương trình hướng nghiệp cho học sinh hiện nay. “Để công tác này đạt hiệu quả cao hơn nữa, giáo viên phải nắm vững kiến thức hướng nghiệp. Vì vậy, chúng tôi luôn tạo mọi điều kiện để giáo viên được tiếp cận với dây chuyền sản xuất, được trải nghiệm công việc, từ đó có định hướng đúng về ngành nghề cho các em học sinh trong tương lai”, bà Huân nói.
Đang học nghề cũng được hướng nghiệp
Đại diện nhiều trường TC-CĐ nghề cho rằng nhận thức về giáo dục nghề nghiệp của xã hội còn hạn chế là do thiếu thông tin, đặc biệt là thông tin về miễn giảm học phí, cơ hội việc làm sau này. Do đó, để người học nắm bắt những thông tin trên cần tuyên truyền sâu rộng qua nhiều kênh. |
Vừa qua, Trung tâm Đào tạo nguồn nhân lực và Hợp tác doanh nghiệp thuộc Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức đã tổ chức cho học sinh, sinh viên trong trường tham quan thực tế tại Công ty Ajinomoto (Đồng Nai). Đây là dịp để người học được trải nghiệm, được “mắt thấy, tai nghe” về quy trình sản xuất, về nhu cầu tuyển dụng lao động…; qua đó người học hình dung về công việc mình phải làm trong vài năm tới.
Bà Phạm Quang Trang Thủy (Hiệu trưởng Trường TC nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương) khẳng định, hiện nay trong bối cảnh tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp ở một số trường rất khó khăn, việc hướng nghiệp cho học sinh; tổ chức tập huấn, tham quan cho giáo viên THCS là hoạt động mang lại hiệu quả nhất. Bởi thực tế, hiện không ít giáo viên THCS vẫn còn mơ hồ về công tác hướng nghiệp, cung cấp thông tin chưa rõ ràng cho học sinh; vì vậy học sinh chịu thiệt thòi, thiếu thông tin về nghề nghiệp. “Tuyển sinh được là một chuyện, các em có theo học nghề mình đã chọn đến khi ra trường hay không lại là chuyện khác. Vì vậy, trong thời gian học, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn luôn theo sát các em để kịp thời phát hiện những trường hợp chán nản với nghề đang học, từ đó tìm hiểu hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng của các em và định hướng cho các em học một nghề khác tại trường phù hợp hơn. Đây là cách để giúp các em lựa chọn ngành nghề đúng đắn nhất, không phải lãng phí thời gian và tiền bạc mà nhà trường còn giữ được học sinh”, bà Thủy chia sẻ.
Trong khi đó, ông Trần Ngọc Cường (Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Thủ Đức) cho biết hàng năm trường cũng trực tiếp đến với các trường THCS để hướng nghiệp cho học sinh. Song song với hoạt động này, trường cũng tạo điều kiện để giáo viên làm công tác hướng nghiệp có nhiều thông tin, kiến thức hơn về nghiệp vụ hướng nghiệp. “Để phân luồng đạt hiệu quả cao thì giáo viên THCS phải có kiến thức, kỹ năng về hướng nghiệp”, ông Cường nói.
T.Tri
Bình luận (0)