Chuyên gia tư vấn trao đổi thông tin với các em học sinh Trường Trung học Thực hành
Băn khoăn về con đường sau THPT giữa việc học tiếp lên hay dừng lại để khởi nghiệp là câu chuyện của rất nhiều học sinh ở thời điểm hiện nay. Giải đáp vấn đề này, có rất nhiều quan điểm, đồng tình có, phản đối có. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia giáo dục, giống như học bất kỳ một ngành nghề nào, khởi nghiệp cũng cần phải có đam mê, hiểu biết và lường trước được những rủi ro có thể gặp phải để… tránh bỏ cuộc giữa chừng. Đây là một trong những chia sẻ đáng chú ý trong chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần thứ 11 năm 2019 vừa tổ chức tại Trường Trung học Thực hành (ĐH Sư phạm TP.HCM).
Nói về vấn đề khởi nghiệp, ThS. Trần Duy Can (đại diện Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) cho rằng học sinh hiện nay đa phần có một nhầm lẫn là chưa phân biệt được khởi nghiệp và kinh doanh buôn bán. Trong khi khởi nghiệp thì cần phải có ý tưởng kinh doanh, có sự sáng tạo; còn kinh doanh buôn bán hay nhượng quyền kinh doanh đơn giản là có một số vốn và bước ra ngoài làm ăn buôn bán. Để khởi nghiệp không chỉ đòi hỏi có vốn mà còn cần phải trang bị đầy đủ về hệ sinh thái khởi nghiệp bao gồm ý tưởng, mô hình kinh doanh, thị trường… “Đôi khi các em có ý tưởng kinh doanh nhưng chưa chắc đã thành sản phẩm. Vì vậy, muốn khởi nghiệp các em phải có sự trải nghiệm, phải trang bị kiến thức để tránh những rủi ro. Đặc biệt, khởi nghiệp hiện nay thường gắn liền với CNTT, phải hiểu thế nào là hệ sinh thái khởi nghiệp để hình thành và lường trước những rủi ro. Muốn vậy, các em phải học”, ThS. Trần Duy Can nhấn mạnh.
Theo ThS. Trần Duy Can, tại các trường ĐH hiện nay đều có vườn ươm khởi nghiệp. Đây chính là môi trường lý tưởng để hỗ trợ, bồi dưỡng và “ươm” lên những mầm khởi nghiệp cho những em có ý tưởng và tham vọng về khởi nghiệp. Tuy nhiên, ThS. Trần Duy Can cho rằng không nhất thiết phải học ĐH mới khởi nghiệp được mà bất kỳ môi trường học tập nào, miễn là có định hướng cụ thể, trang bị thêm kiến thức, có thêm những trải nghiệm và thời gian để tích lũy. “Nhất là thời gian. Không phải chỉ để tích lũy kiến thức mà còn để thử thách bản thân xem mình có phù hợp với hướng theo đuổi đó hay không”, ThS. Trần Duy Can nói.
Q.Long
Bình luận (0)