Kết thúc năm học 2018-2019, TP.HCM sẽ có khoảng hơn 100.000 HS lớp 9 thi lên lớp 10. Theo kế hoạch phân luồng thì chỉ khoảng 70% HS trong số này được vào học tiếp tại các trường THPT công lập. Nhìn từ bức tranh tổng thể này, có thể nói khâu hướng nghiệp, phân luồng cho HS lớp 9 của các trường THCS đang đóng vai trò rất quan trọng.
HS lớp 9 Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3). Ảnh: L.Đ
Tuy nhiên, để đạt kết quả cao, các nhà quản lý GD cho rằng, công tác này không thể làm một cách ồ ạt, làm cho có mà cần có sự “đào sâu”, có lộ trình, căn cứ theo đối tượng HS, phụ huynh (PH) và cả địa bàn từng trường.
Thử làm… HS THPT
“Hai giờ làm HS THPT” là cách mà Trường THCS Minh Đức (Q.1) đang thực hiện cho HS khối 9 trong mùa tuyển sinh 10 năm nay. Theo đó, HS được trải nghiệm trực tiếp tại ngôi trường THPT theo nguyện vọng (NV) của mình.
“Từ trước Tết, toàn thể HS lớp 9 đã đăng ký theo 3 NV. Giáo viên chủ nhiệm (GVCN) sẽ căn cứ vào bảng NV đó của các em để thẩm định và định hướng lại cho phù hợp với sức học và điều kiện gia đình. Từ kết quả cuối cùng, nhà trường tập hợp lại theo các NV 1, 2 và 3, “gom” HS lại để đưa các em đến ngôi trường THPT mà các em mơ ước như Lương Thế Vinh (Q.1), Nguyễn Hữu Thọ (Q.4), Nguyễn Trãi (Q.4), Tenlơman (Q.1)…”, cô Trần Thúy An – Hiệu trưởng Trường THCS Minh Đức – chia sẻ.
Theo cô An, ngay thời điểm HS đăng ký các NV (trước Tết) dù thông tin và hình dung về kỳ thi tuyển sinh 10 chưa thật sự đầy đủ nhưng cũng là một “động thái” để tác động đến HS, PH. Các em và gia đình sẽ có những hình dung cơ bản về kỳ thi, về cách lựa chọn NV, về môi trường học tập và về sức học của mình. Những thông tin về tỷ lệ chọi mà phía trường THPT cung cấp cũng tác động mạnh đến PH, HS. Khi được đặt chân đến một ngôi trường THPT, những em có sức học chưa tốt sẽ coi đó như một động lực để cố gắng, phấn đấu hoặc sẽ tự động điều chỉnh lại NV…
Ở hoạt động này, cô An cho hay, nhà trường luôn khuyến khích PH tham gia cùng để có cái nhìn cụ thể nhất về lựa chọn của con em mình. “Không phải tất cả NV của các em, nhà trường đều đáp ứng được mà trải nghiệm này chỉ thực hiện với những NV số đông, những NV xung quanh địa bàn của các em. Chỉ 2 tiếng đồng hồ được trải nghiệm trực tiếp, được “đóng vai” những tân HS lớp 10 nhưng sau đó, nhiều PH đã gặp trực tiếp nhà trường để xin tư vấn thêm…”, cô An hồ hởi.
Ngoài việc trải nghiệm NV, để phân luồng HS “rẽ theo hướng học nghề”, bảng thông tin của nhà trường đã được tận dụng trở thành “kênh tư vấn hướng nghiệp” bằng nhiều tờ giấy màu khác nhau. “Trong tổng số 450 HS lớp 9 năm nay, có khoảng 50 em có nhu cầu vào trường nghề. Đó là những HS có sức học trung bình, yếu. Ở đối tượng này, nhà trường sẽ đẩy mạnh tư vấn cho PH, đồng thời sắp tới sẽ đưa các em đi tham quan, trải nghiệm tại những trường nghề mà các em mong muốn”, cô An thông tin thêm.
Hướng nghiệp cho PH
“Tư vấn phân luồng sau THCS, chủ yếu là tư vấn tác động đến PHHS. Ở lứa tuổi lớp 9, các em chưa đủ trưởng thành để đưa ra những quyết định cho riêng mình mà phụ thuộc vào cha mẹ rất nhiều. Có nhiều em, dù không muốn học tiếp, muốn chuyển sang học nghề nhưng cha mẹ bắt thi, bắt học tiếp cũng vẫn phải theo. Hoặc có nhiều em, chỉ muốn vào những trường THPT công lập bình thường nhưng ba mẹ bắt vào các trường danh tiếng cũng vẫn phải theo…”, thầy Bùi Thành Đức – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lữ Gia, Q.11 – nhận định.
Thầy Đức thừa nhận, công tác định hướng tư vấn cho PH gặp rất nhiều khó khăn. Không ít PH “ảo tưởng” sức mạnh của con em mình. Họ không bao giờ nghĩ con mình yếu đến mức… trượt cấp III, phải vào trường nghề, trung tâm GDTX.
Để “gỡ rối” khó khăn này trong khâu phân luồng, năm 2019, Trường THCS Lữ Gia đã áp dụng biện pháp mới – “thi thử” vào đầu tháng 3 và giữa tháng 4.
“Cả hai kỳ thi thử này đều được áp dụng y như kỳ thi tuyển sinh 10 với 3 môn thi văn, toán, Anh; thời gian như thi bằng thời gian thi tuyển sinh 10; đề khó tương đương đề thi vào lớp 10 của TP. Và có 2 giám thị coi rất nghiêm túc”, thầy Đức nói.
Trước khi thi thử, thầy Đức cho hay, nhà trường đã cho HS đăng ký NV dựa vào kết quả thi học kỳ và điểm kiểm tra trên lớp. Nếu chỉ dựa vào kết quả này, phần nhiều HS lựa chọn các NV rất cao. Tuy nhiên, theo kết quả thi thử lần 1, gần hết 377 HS lớp 9 của trường trượt NV 1. Có tới 284 em nằm trong hướng học GDTX hoặc học nghề. Với kết quả này, nhiều PH bị “sốc”, còn HS cũng “choáng váng”.
“Đưa HS xuống các trường nghề, nhìn các máy móc có từ thời… Bảo Đại, thời thế chiến, thử hỏi nếu là em, em có mong muốn con em mình học tập tại đây không”?, là câu hỏi được hiệu trưởng một trường THCS đặt ra cho phóng viên khi được hỏi về khâu phân luồng, hướng nghiệp cho HS sau THCS. Theo vị hiệu trưởng này, để phân luồng, hướng nghiệp sau THCS thật sự có hiệu quả, cần phải có sự thay đổi và “chuyển mình” đồng bộ. “Thống kê tại trường cho thấy, cứ 10 HS vào trường nghề thì cuối năm chỉ còn 4 em theo học, 6 em… rơi rụng. Nguyên nhân là do chương trình học không thu hút, hấp dẫn. Do vậy, phân luồng hướng nghiệp, nếu chỉ riêng các trường THCS cố gắng thì chưa đủ. Các trường nghề cần phải tự làm mới mình để lôi kéo, thu hút được người học. Không chỉ về cơ sở vật chất mà còn phải hấp dẫn về chương trình học…”, hiệu trưởng này nhấn mạnh. |
“Đây là một lời cảnh tỉnh đến HS, PH. Cùng với kỳ thi thử lần 2 vào giữa tháng 4 này, nhà trường không chỉ mong muốn các em cố gắng học tập mà trên hết là hướng đến định hướng cho các em đăng ký NV đúng năng lực của mình, PH cũng có cái nhìn chân thực nhất về sức học của con em và có hướng rẽ phù hợp”, thầy Đức nói thêm.
Là một trong những trường đi đầu trong công tác phân luồng sau THCS khi mỗi năm con số HS rẽ hướng sang học nghề, TCCN lên đến hơn 20%, Trường THCS Nguyễn Huệ (Q.4) đặc biệt quan tâm đến khâu tư vấn cho PH.
“Ngay từ đầu năm học, GVCN đã lọc ra danh sách những HS có sức học yếu, kém, trung bình, dựa vào điều kiện gia đình của từng em để theo dõi, đưa ra những lộ trình tư vấn cho PH. Để hướng được đối tượng HS này sang học nghề, TCCN thì ròng rã cả một năm học, GVCN phải làm việc cùng PH chứ không phải đợi đến gần kỳ tuyển sinh 10 mới bắt đầu tư vấn”, thầy Tân Trung Nghĩa – Hiệu trưởng nhà trường – cho biết.
Lan Đỗ
Bình luận (0)