Ở môn văn, với yêu cầu gắn với thực tế cuộc sống, lời khuyên được các giáo viên bộ môn đưa ra là ngoài nắm kiến thức văn học, học sinh nên có sự quan sát, nắm bắt các vấn đề xã hội.
Học sinh lớp 9/5 Trường THCS Nguyễn Du (Q.1) trong giờ học môn văn
+ Thầy Võ Kim Bảo (giáo viên ngữ văn khối 9 Trường THCS Nguyễn Du, Q.1): “Nhuyễn” kỹ năng làm bài cơ bản
Nhìn chung, đề thi tuyển sinh lớp 10 môn văn năm nay tại TP.HCM có cấu trúc tương tự như năm trước, gồm 3 phần: Đọc hiểu (3 điểm), Nghị luận xã hội (3 điểm) và Nghị luận văn học (4 điểm).
Phần đọc hiểu, đề không yêu cầu học sinh học thuộc lòng mà theo hướng làm bài tập thực tiễn. Phạm vi kiến thức chủ yếu sẽ là chương trình lớp 9 với các kiến thức về liên kết câu, liên kết đoạn… Tuy nhiên, học sinh vẫn phải lưu ý thêm kiến thức các lớp dưới như biện pháp tu từ, phương thức biểu đạt… Để làm tốt phần đọc hiểu, học sinh nên đọc câu hỏi trước, nắm yêu cầu câu hỏi, sau đó mới nắm các dữ liệu. Nên lấy bút gạch chân những điều cần lưu ý trong bài đọc hiểu. Một điểm cần lưu ý khi làm phần đọc hiểu là dạng bài tập này hình thành cho học sinh kỹ năng đặt câu. Do vậy, khi trả lời, các em cần phải trả lời câu cú hoàn chỉnh, có đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ. Không nên trả lời cụt ngủn, lược bớt. Cũng trong phần này, đề sẽ yêu cầu học sinh viết một đoạn văn trình bày quan điểm/suy nghĩ của mình, có giới hạn số dòng/số câu. Với yêu cầu này, học sinh cần phải lưu ý: nắm vững cấu trúc đoạn để viết, có câu chủ đề, câu triển khai. Đồng thời khi viết cần phải bám sát yêu cầu số dòng/số câu của đề. Nếu viết lố yêu cầu/viết nhầm yêu cầu (nhầm dòng với câu), học sinh cũng sẽ vẫn bị trừ điểm.
Ở câu Nghị luận xã hội: Sẽ có 2 dạng ra đề, một là đề cập trực tiếp đến vấn đề; hai là theo kiểu “đường vòng”, cho hình ảnh/văn bản và yêu cầu học sinh rút ra vấn đề. Ví dụ, vấn đề lối sống ích kỷ, tham lam, đề có thể hỏi trực tiếp học sinh quan điểm về lối sống này/đưa ra một văn bản kể lại một câu chuyện nào đó có nội dung này và yêu cầu học sinh nêu suy nghĩ của mình về lối sống đó. Tuy nhiên, học sinh thường hay bỡ ngỡ ở cách ra đề “đường vòng” vì đề này yêu cầu các em phải có tư duy cao hơn. Để tránh bỡ ngỡ, học sinh cần nắm những kỹ năng sau: nếu đề cho văn bản, cần phải xác định được nội dung chính của văn bản, các từ khóa, câu quan trọng để rút ra được vấn đề, rồi mới triển khai; nếu đề cho hình ảnh, ngay trong phần mở bài, học sinh cần phải có thao tác tả lại hình ảnh đó vào, chỉ cần ngắn gọn 1-2 câu nhằm giới thiệu vấn đề. Tuyệt đối không sử dụng những cụm từ như hình ảnh trên cho thấy vì trong bài làm không hề có hình ảnh nào.
Phần thân bài, cần chia thành nhiều đoạn, mỗi đoạn là một ý chính với những luận điểm, luận cứ có sức thuyết phục bằng nhiều dẫn chứng. Lưu ý, dẫn chứng trong phần Nghị luận xã hội cần phải cụ thể, không chung chung, là người thật việc thật. Học sinh có thể tham khảo các bài văn mẫu để học cách sử dụng dẫn chứng, cách lập luận. Bên cạnh đó, cũng nên cập nhật (có chọn lọc) các thông tin về đời sống trên báo đài để làm phong phú thêm cho dẫn chứng. Kết bài, học sinh cần tuân thủ theo 3 bước: khẳng định lại vấn đề; tổng hợp lại vấn đề; rút ra bài học cho bản thân.
Với phần Nghị luận văn học: Trước tiên, để làm tốt dạng bài này, học sinh cần rèn cho mình kỹ năng đọc đề và phân tích đề. Đề phần này thường yêu cầu trong những phạm vi nhất định nhưng nếu thiếu sự phân tích và kỹ năng đọc đề, học sinh sẽ rất dễ triển khai hết những gì mình biết vào bài làm, dẫn đến lạc đề.
Cách ra đề trong phần Nghị luận văn học thường có 2 dạng để học sinh chọn lựa: liên hệ giữa các tác phẩm với nhau và liên hệ giữa tác phẩm với cuộc sống. Trong đó, ở dạng liên hệ giữa các tác phẩm, học sinh cần nêu ra được điểm giống và khác nhau giữa các tác phẩm, lý giải rõ tại sao lại có sự giống và khác nhau đó. Còn liên hệ giữa tác phẩm với cuộc sống, học sinh cần phải rút ra được bài học cuộc sống cho mình, đưa vào các dẫn chứng thực tế để minh họa. Trong cả hai dạng này, thì học sinh cần nắm các yêu cầu chung như sau:
Mở bài: Nêu được vấn đề, phạm vi vấn đề, nhận định được vấn đề. Ở phần mở bài, chỉ cần đúng, đủ ý. Các em không nên mất nhiều thời gian cho phần này. Thân bài: Với đề là phân tích A, liên hệ B, học sinh cần làm rõ các bước giới thiệu chung A; phân tích A; liên hệ B/liên hệ cuộc sống. Kết bài: Cần khẳng định lại vấn đề, tổng hợp lại vấn đề, cảm nhận suy nghĩ của bản thân về vấn đề.
Một lưu ý là dẫn chứng trong Nghị luận xã hội, nếu đưa thơ/lời thoại của nhân vật vào thì phải chính xác sẽ giúp học sinh ghi điểm. Trong trường hợp nếu không thuộc nguyên văn thì có thể dùng lời dẫn gián tiếp để đưa vào bài, vẫn được điểm. Đối với văn Nghị luận xã hội, để đạt được điểm cao, học sinh nên có sự mở rộng liên hệ, so sánh với các tác phẩm có cùng chủ đề.
Để tránh mất điểm trong môn văn, học sinh nhất định không được viết tắt, không sử dụng ngôn ngữ mạng trong bài, nếu có đưa dẫn chứng là tiếng Anh vào trong bài thì cần mở ngoặc đơn chú thích bằng tiếng Việt. Khi trích lại văn bản/đoạn văn/câu văn, phải có sử dụng dấu ngoặc kép. Đồng thời, trước khi làm bài, các em nên lập dàn ý với những ý chính ngắn gọn ra giấy nháp để tránh tình trạng sót ý khi làm.
+ Cô Phạm Thị Cẩm Tú (Tổ phó Tổ văn Trường THCS An Phú, Q.2): Biết liên hệ thực tế
Năm nay đề thi môn văn vẫn theo hướng thực tế, với mức độ tư duy từ dễ đến khó, từ nhận biết, thông hiểu đến vận dụng. Cấu trúc gồm 3 phần: Đọc hiểu, Nghị luận xã hội và Nghị luận văn học.
Ở phần Đọc hiểu: Đề sẽ đưa những văn bản theo hướng thực tế nhật dụng hoặc báo chí. Để làm phần đọc hiểu, học sinh phải nắm được nội dung của văn bản, kết hợp với kiến thức tiếng Việt để xác định thành phần biệt lập, phép liên kết, biện pháp tu từ… Với yêu cầu viết một đoạn văn ngắn nêu suy nghĩ của bản thân trong giới hạn số câu/số dòng, học sinh lưu ý trình bày theo đúng yêu cầu đoạn văn, đảm bảo đúng số câu/số dòng, trả lời trực tiếp vào vấn đề, nêu bật được suy nghĩ của bản thân, không nêu chung chung, không đưa ra các vấn đề to lớn. Ngoài văn bản, phần Đọc hiểu cũng có thể cho dưới dạng hình ảnh/biểu đồ. Học sinh cần chú ý quan sát để đưa ra nhận xét.
“Để tránh mất điểm trong môn văn, học sinh nhất định không được viết tắt, không sử dụng ngôn ngữ mạng trong bài, nếu có đưa dẫn chứng là tiếng Anh vào trong bài thì cần mở ngoặc đơn chú thích bằng tiếng Việt”, thầy Võ Kim Bảo nói. |
Sang phần Nghị luận xã hội: Đi theo hướng thực tế, đề có thể ra theo 2 dạng là nghị luận về tư tưởng, đạo lý; nghị luận về sự việc, hiện tượng. Ở cả hai dạng này, học sinh cần phải triển khai thành bài văn hoàn chỉnh. Trong đó, mở bài nêu được vấn đề nghị luận. Nên dẫn dắt, chuyển ý để có sự liên kết với phần thân bài. Phần thân bài: đối với dạng nghị luận về tư tưởng, đạo lý, cần phải tóm lược được nội dung văn bản (bản tin hoặc câu chuyện)/khái quát được hình ảnh (nếu đề cho hình ảnh) và rút ra vấn đề nghị luận, giải thích vấn đề nghị luận. Trong dạng này, học sinh nên có sự bàn luận đúng sai/tốt xấu, mở rộng nâng cao, liên hệ với bản thân. Đối với dạng nghị luận về sự việc, hiện tượng vẫn rút ra vấn đề nghị luận và giải thích khái quát (nếu cần), nêu lên được thực trạng hoặc biểu hiện của vấn đề trong thực tế, nêu ra nguyên nhân, tác hại/tác dụng cùng các giải pháp (bao gồm giải pháp với bản thân, gia đình, xã hội). Sau cùng là bài học nhận thức, hành động. Phần kết bài cần đúc kết lại vấn đề theo hướng khẳng định/phủ định và đưa ra lời khuyên/phương hướng hành động.
Cuối cùng, trong phần Nghị luận văn học sẽ có 2 lựa chọn cho học sinh với đề 1 là dạng truyền thống có sáng tạo nâng cao: so sánh 2 tác phẩm/phân tích 1 tác phẩm và liên hệ 1 tác phẩm cùng đề tài; đề 2 là đổi mới, kết hợp nghị luận xã hội, lý luận văn học, thuyết minh, tự sự… Trong phần này, học sinh chỉ chọn 1 trong 2 đề. Với đề nào cũng cần nắm vững kỹ năng làm bài, tập thói quen liên hệ, xâu chuỗi các tác phẩm có cùng đề tài, cùng giai đoạn. Đặc biệt, phải nắm được giai đoạn của tác phẩm để chọn đúng hướng, đúng dữ liệu khi làm bài.
Lưu ý, với dạng đề 1: khi so sánh không phải để dè bỉu chê bai mà cần tìm ra điểm gặp gỡ và đa dạng trong 2 phong cách/khi phân tích và liên hệ thì tác phẩm phân tích là chính còn liên hệ là phụ. Ở dạng đề 2: theo bố cục của Nghị luận xã hội nhưng học sinh cần sử dụng dẫn chứng của Nghị luận văn học, tác phẩm văn học để triển khai vấn đề.
Một vài bí quyết để đạt kết quả cao môn văn là: Trong mỗi luận điểm của bài văn phải có sự chốt ý. Sử dụng các quan hệ từ, câu văn khi chuyển ý mỗi đoạn để câu văn có sự liên kết. Kết bài nên kết theo kiểu gợi mở để tạo được dư âm cho bài viết.
Đ.Yến (ghi)
Bình luận (0)