Vừa qua, tại Trường ĐH Cần Thơ đã diễn ra Ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp năm 2019, thu hút hơn 30.000 học sinh THPT khu vực đồng bằng sông Cửu Long tham dự.
Một học sinh nam đặt câu hỏi với ban tư vấn
Tại ngày hội, khi TS. Nguyễn Thị Kim Phụng (Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT) thông báo những điểm mới của kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH năm 2019, nhiều học sinh rất đồng tình với quy định: Tỷ lệ điểm xét tốt nghiệp với điểm thi THPT quốc gia chiếm 70%, điểm xét học bạ 30%. Một học sinh của Trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu (An Giang) thẳng thắn cho biết: “Em nghĩ quy định này sẽ góp phần đem lại công bằng hơn cho kỳ thi, vì việc cho điểm học bạ có sự khác nhau, thậm chí khác rất nhiều giữa các trường để học sinh dễ đậu tốt nghiệp và có học bạ đẹp vào những trường ĐH xét tuyển bằng học bạ. Em cho rằng những ngành như sư phạm, sức khỏe, Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế nên quy định: Không được xét tuyển bằng học bạ, để đảm bảo chất lượng đầu vào”. Nhiều học sinh cũng an tâm với quy định các trường sẽ xét tuyển công bằng, lấy điểm từ trên cao xuống cho tới khi đủ chỉ tiêu, không phân biệt nguyện vọng 1, 2, 3…
Cũng như mọi năm, lĩnh vực được rất nhiều học sinh mong ước trúng tuyển là khối trường công an, quân sự và ngành y. Dự thảo của Trường ĐH Y dược TP.HCM dành 25% chỉ tiêu cho học sinh có bằng cấp, chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, được quy đổi thành điểm xét tuyển khiến nhiều học sinh phấn khởi. Nhiều em đặt câu hỏi xung quanh quy định này, thậm chí em Phạm Thu Huyền (học sinh Trường THPT Tịnh Biên, An Giang) lo lắng: “Năm nay em học lớp 11, sang năm thi THPT quốc gia. Liệu khi ấy trường còn giữ quy định này không?”. PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi (Phòng Quản lý Đào tạo, Trường ĐH Y dược TP.HCM) trả lời: “Quy định này để trường thực hiện Đề án đào tạo chương trình tiên tiến, sinh viên sẽ học với các giáo sư trong và ngoài nước, nên các em yên tâm tiếp tục đầu tư học tiếng Anh. Tuy nhiên, các em cũng cần học thật tốt những môn thuộc các ngành mà trường xét tuyển, đặc biệt với khối B là khối chính gồm các môn toán, hóa, sinh”. Em Nguyễn Mai Ngọc Yến (học sinh Trường THPT Thực hành, ĐH Cần Thơ) băn khoăn về quy định “học bạ lớp 12 đạt loại giỏi” mới được đăng ký xét tuyển ngành sức khỏe. Với băn khoăn này, TS. Nguyễn Thị Kim Phụng trấn an: “Quy định này chỉ dành cho những trường ĐH dùng phương thức xét tuyển bằng học bạ. Còn xét bằng học bạ hay điểm thi THPT quốc gia là tùy thuộc mỗi trường. Theo khảo sát của chúng tôi, các trường đào tạo khối ngành sức khỏe trên cả nước sử dụng khoảng 80% chỉ tiêu từ điểm thi THPT quốc gia, đặc biệt các trường top đầu đều không xét tuyển bằng học bạ. Vì vậy, các em học lệch, không đạt học lực giỏi, không nên lo lắng, chỉ cần cố gắng học để thi đạt kết quả thật tốt”.
Đối với các trường quân sự, băn khoăn của nhiều học sinh là vấn đề điểm chuẩn và lý lịch. Về điều này, Đại tá Vũ Xuân Tiến (Trưởng ban Thư ký – Ban Tuyển sinh quân sự, Bộ Quốc phòng) thông tin: “Điểm trúng tuyển mỗi năm mỗi khác, tùy thuộc kỳ thi và đề thi. Về lý lịch, các em phải có lịch sử chính trị gia đình rõ ràng, là đoàn viên, đủ điều kiện kết nạp Đảng… Các em nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển ở ban chỉ huy quân sự quận/huyện. Nếu nơi này xét thấy các em có đủ điều kiện sẽ thông báo để tham dự sơ tuyển trước khi tham gia xét tuyển”.
Theo các chuyên gia tư vấn, đã có những thay đổi trong việc chọn ngành nghề của học sinh trong khu vực. Cụ thể, ở khối ngành kỹ thuật: nếu các năm trước đa số học sinh quan tâm ngành kỹ thuật ô tô thì năm nay, bên cạnh lĩnh vực ô tô, khá nhiều học sinh tỏ ra yêu thích ngành phi công, công nghệ sinh học, môi trường. Đối với nhóm ngành xã hội, nhiều học sinh quan tâm ngành du lịch, sư phạm toán, ngôn ngữ Anh. Đặc biệt, chuyên ngành tham vấn – trị liệu tâm lý của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM cũng được khá nhiều học sinh quan tâm.
Đan Phượng
Bình luận (0)