Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nỗi niềm nhà trọ tăng giá!

Tạp Chí Giáo Dục

Đến hẹn lại lên, cứ sau dịp Tết năm nào cũng vậy, rất nhiều chủ dịch vụ nhà trọ lại rục rịch tăng giá tiền phòng lên một mức cao hơn so với giá cũ. Có những chủ trọ “thông báo” lịch trình tăng giá phòng từ trong Tết để người thuê… chuẩn bị tinh thần! Đại đa số các chủ trọ ra Tết mới báo cho người đi thuê biết, khi ngay và luôn ở tháng kế tiếp người thuê phải thực thi áp mức giá mới…

Mt khu nhà tr cho sinh viên thuê ti TP.HCM

Đip khúc đến hn li tăng giá!

Năm rồi, khi từ ở quê ăn Tết vào lại thành phố được 2 hôm, bà chủ phòng trọ của tôi tới, nhân thu tiền phòng, tiền điện nước của tháng 2, mà trước khi về nghỉ Tết chúng tôi chưa kịp đóng. Bà bảo: “Trong Tết phòng của các cháu cô chưa kịp nói, khi từ tháng 3 là mỗi phòng cô lên thêm 100.000 đồng, còn tiền điện, tiền nước vẫn giữ nguyên…”. Tôi và một người bạn ở chung khi nhận “thông tin” tăng tiền phòng từ bà chủ nhà thì dẫu không vui, nhưng cũng phải chấp nhận vì nếu không chấp nhận, hay có ý phản đối gì thì chỉ còn nước là… chuyển phòng, đi kiếm chỗ khác mà thôi!

Chuyện tiền nhà trọ tăng giá ở khu trọ của tôi mỗi năm “lên” một lần đã là chuyện quá quen, quá thường nhật, bởi lẽ từ cách đây 4 năm tôi tìm đến thuê phòng trọ ở đây thì cũng tương ứng đủ 4 lần bà chủ tăng tiền phòng. Lúc đầu, căn phòng cấp 4 rộng 15 mét vuông, có gác gỗ, vệ sinh khép kín giá tôi và bạn thuê là 1,2 triệu đồng. Năm 2 lên thêm 100.000 đồng, rồi các năm kế tiếp cũng lên 100.000 đồng mỗi năm, để rồi giờ đây mức giá đang là 1,6 triệu đồng.

Không riêng gì khu trọ của tôi, mà theo như tôi thấy thì các chủ nhà trọ quanh khu vực quận 9, Thủ Đức… (TP.HCM); hay khu vực thị xã Dĩ An, Thuận An (tỉnh Bình Dương), rất nhiều chủ nhà trọ cũng  luôn có trong đầu suy nghĩ… tăng tiền phòng, và không ai bảo ai, thông thường cứ sau 1 năm họ lại đua nhau tăng giá. Với các căn phòng trọ cấp 4 xập xệ thì tùy theo chiều hướng mà chủ trọ họ có thể tăng giá từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng/phòng. Còn dạng phòng trọ tiêu chuẩn cao theo kiểu căn hộ chung cư mi ni sạch đẹp, lại nằm trong các khu vực đông đúc công nhân, sinh viên với nhu cầu thị trường cần phòng trọ cao, luôn ở trong tình trạng “sốt”, thì tuy các chủ trọ không tăng giá đều theo từng năm, nhưng cứ vài năm một lần họ sẽ tăng giá, và giá tăng luôn từ 200.000 đồng cho đến 300.000 đồng/phòng, chứ không tăng kiểu nhỏ giọt…

Một người bạn tôi, đang làm công nhân trong Khu Công nghệ cao (quận 9, TP.HCM), hiện đang thuê trọ tại quận Thủ Đức, kể: “Không giống như phòng của cậu mỗi lần tăng chỉ có 100.000 đồng, phòng của tôi dẫu 2 năm mới tăng một lần nhưng giá lên một phát cao luôn, khi từ 1,9 triệu đồng, tháng rồi ông chủ thông báo lên thêm 300.000 đồng, thành 2,2 triệu/tháng!”. Thực ra thì với 300.000 đồng tiền phòng lên mỗi tháng đó, mang chia ra cho 3 thành viên ở chung, mỗi người cũng chỉ phải “gánh” gần 70.000 đồng/tháng so với bình thường, nhưng tâm lý chung là khi phòng trọ tăng giá (kể cả điện, nước tăng giá) thì người thuê sẽ buồn, và chỉ có chủ nhà trọ mới vui, vì túi tiền của họ sẽ đầy hơn, nặng hơn…!

Việc chủ nhà tăng giá phòng cũng không theo một quy luật nào, mà cứ cảm thấy hứng là họ tăng, rồi giá cả cũng vậy, cũng theo… hứng, khi thì có chủ lên thêm 100.000 đồng/phòng/tháng, nhưng vẫn chủ nhà đó ở lần tăng giá năm sau họ lên luôn 200.000 đồng/phòng/tháng…!

Ni nim ngưi thuê tr

Khi nhà trọ tăng giá hẳn nhiên là người đi thuê thêm phần nặng gánh, và nó cũng đồng nghĩa với nỗi lo toan, sự vất vả, dẫu số tiền chia ra theo đầu người ở chung trong mỗi phòng là không quá lớn, nhưng như chúng ta đều thấy đại đa số người sống cảnh nhà trọ đều là sinh viên, công nhân nghèo ở quê lên thành phố mưu sinh, vì vậy dẫu chỉ mỗi tháng thêm mấy chục ngàn đồng cho tới vài trăm ngàn đồng cũng là một “gánh nặng”, khi mà thu nhập của họ đâu có cao.

Thu Thủy, năm nay 27 tuổi, quê Quảng Nam, hiện làm công nhân tại Công ty may Việt Thắng, và đang thuê trọ tại quận Thủ Đức, giãi bày tâm sự với tâm trạng đầy nỗi niềm. Thủy bảo: “Mình ở căn phòng trọ hiện tại đã 4 năm rồi, nói chung là ở đó an ninh tốt, cuộc sống thuận tiện khi gần chỗ làm, đi lại dễ dàng… Thế nhưng, ngán một nỗi là cứ năm nào bà chủ cũng lên giá phòng, dẫu mỗi lần tăng chỉ là 100.000 đồng, nhưng như vậy là không vui. Ngày mới ở giá chỉ 1,4 triệu đồng, qua 4 năm lên tới 1,8 triệu đồng, vì vậy bọn mình ở hai người nên mỗi tháng bây giờ phải phụ thêm 50.000 đồng, nghĩa là năm trước chưa tính điện, nước mỗi người chỉ 850.000 đồng, năm nay từ 1,7 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng thì mỗi người đóng 900.000 đồng!”.

Rồi Thủy cũng cho hay, nếu một vài năm tới mà chủ nhà vẫn cứ cái đà tăng giá như vậy thì cô và bạn sẽ tìm một căn phòng trọ xa xa hơn một chút cho rẻ, cho nhẹ gánh tiền phòng, bởi sẽ khó mà kham nổi trong khi tiền phòng thì cứ đến hẹn lại tăng, trong khi tiền lương lại luôn giậm chân tại chỗ…

Cùng tâm trạng không vui như Thủy, Tuấn Anh và 2 người bạn, hiện là sinh viên một trường ĐH ở quận 9, TP.HCM, đang thuê nhà gần đường Lê Văn Việt với giá 2 triệu đồng/tháng, qua Tết vừa rồi chủ nhà thông báo sẽ lên giá từ tháng 3-2019 là 2,2 triệu đồng/tháng. Tuấn Anh và các bạn đang tìm cách để đối phó với việc nhà trọ tăng giá, khi cả nhóm bàn bạc rằng: nếu ở lại phòng cũ thì chấp nhận mỗi người phải gánh thêm gần 70.000 đồng/tháng tiền nhà so với trước đó, bằng không sẽ tìm một phòng rẻ hơn ở xa trường cho nhẹ gánh. Tuấn Anh còn “vẽ” ra một hướng để giảm tiền phòng, đó là tuyển thêm một bạn nữa vào ở ghép thay vì 3 mà là 4 người, như vậy số tiền 2,2 triệu chia cho 4, mỗi người sẽ chỉ phải đóng có 550.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, khi tiền nhà giảm thì cũng đồng nghĩa với chật chội, sự phức tạp, mâu thuẫn sẽ phát sinh vì đông người là rất có thể…!

Nguyễn Thị Lan, năm nay 25 tuổi, làm công nhân trong Khu Công nghệ cao quận 9, hiện thuê trọ cùng người bạn đồng nghiệp tại khu vực gần Suối Tiên, đã phải cắt giảm nhiều thứ chi tiêu của mình để bù vào tiền phòng tăng giá. Lan kể: “Năm trước phòng trọ chỉ 1,2 triệu đồng nên hai đứa em còn tiêu pha xông xênh, chứ năm nay bà chủ tăng thêm 200.000 đồng, nên tụi em phải tằn tiện bằng phương cách bỏ thói quen buổi tối thi thoảng đi ăn chè, đi uống cà phê, bởi như vậy mỗi tháng mỗi đứa cũng tiết kiệm được một vài trăm ngàn để bù vào tiền phòng phụ trội…”.

Khi chủ trọ tăng giá phòng cũng đồng nghĩa với việc tăng thêm nỗi lo toan vất vả cho sinh viên, công nhân, người lao động nghèo. Vẫn biết rằng thời buổi kinh tế thị trường việc chủ kinh doanh dịch vụ tăng giá theo cung  cầu là điều khó tránh khỏi, nhưng sẽ là không có lương tâm nếu như các chủ trọ cứ đến hẹn lại tăng giá phòng theo cảm hứng, mặc dù mặt bằng giá cả các loại hàng hóa sinh hoạt tiêu dùng không tăng?

Thch Bích Ngc
(ĐH Quc gia TP.HCM)

 

Bình luận (0)