Dù sức khỏe yếu, không thể tự đi xe máy nhưng suốt 8 năm nay bà Nguyễn Thị Hứa (65 tuổi), Chủ tịch Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh quận Liên Chiểu vẫn miệt mài với công tác từ thiện của mình. Nơi đâu người nghèo cần, nơi đó bà Hứa có mặt!
Bà Nguyễn Thị Hứa trao quà hỗ trợ người nghèo
Bà Hứa không nói nhiều về mình, mỗi câu chuyện bà nhắc tới đều là sự cảm thông dành cho những mảnh đời bất hạnh. Hơn 65 tuổi, bà vẫn giữ cốt cách của người lính trên chiến trường bằng sự bộc trực, chân thành và hết mình vì công việc thiện nguyện.
Sinh ra và lớn lên ở quận Liên Chiểu – một vùng đất ven biển thuộc phía Bắc Đà Nẵng. Năm 1971, tròn 16 tuổi, cô thanh nữ Nguyễn Thị Hứa thoát ly, làm y tá ở chiến trường Khu 1 thuộc cánh Bắc Hòa Vang. Năm 1975, đất nước thống nhất, bà về làm công tác cán bộ thuộc huyện Hòa Vang, đến năm 1997, bà tiếp tục tham gia làm công tác dân số gia đình và trẻ em quận Liên Chiểu mãi cho đến năm 2010 thì nghỉ hưu.
Nghỉ hưu, bà về sinh sống với chồng con tận quận Cẩm Lệ – cách quận Liên Chiểu ngót hai chục cây số nhưng bà vẫn đảm nhận công việc Chủ tịch Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh quận Liên Chiểu. Cứ thế mỗi ngày bà lại vượt một chặng đường xa đến Liên Chiểu rồi từ đó tản đi khắp hang cùng ngõ hẻm để khảo sát những hoàn cảnh bất hạnh và đi vận động mạnh thường quân. Bà Hứa kể: “Thời gian đầu tôi đi xe máy nhưng ít lâu sau sức khỏe yếu nên để đến được Liên Chiểu làm việc cũng như đi vận động quỹ, tôi thường phải thuê xe thồ để đi. Suốt 8 năm nay như thế”. Thấy tôi ngạc nhiên về quãng đường đi lại, bà cười: “Kinh phí đó tôi tích cóp từ đồng lương hưu của mình, rồi các con biếu thêm”.
Suốt 8 năm làm việc thiện, mỗi lần tiếp xúc với một hoàn cảnh khó khăn đối với bà là một niềm xúc động. Bà kể, mình đã gặp rất nhiều những hoàn cảnh thương tâm. Thương nhất là trường hợp gia đình trẻ có hai đứa con thơ tên Bảo Tâm và Bảo Trân: một cháu bại não, một cháu còn lại bị bệnh tim. Hôm đến thăm Tâm và Trân trở về bà không tài nào chợp mắt được. Hình ảnh căn nhà nghèo khó và giọt nước mắt bất lực của đôi vợ chồng trẻ cứ khiến bà thao thức. Sau hôm ấy bà lại tất bật đi vận động quỹ, xin hỗ trợ mổ tim cho cháu. “Hai lần mổ, sức khỏe cháu đã được cải thiện hơn. Nhìn cháu chạy nhảy vui cười mình cũng hạnh phúc thay cho cha mẹ cháu”, bà nói.
Đó chỉ là một trong hơn 100 trường hợp được bà làm cầu nối mổ tim miễn phí trong 8 năm qua. Ngoài ra, bà cùng hội còn phối hợp với Phòng GD-ĐT quận cùng các cơ quan chức năng khám sàng lọc tim bẩm sinh cho trẻ em. Qua các đợt khám, có 7.445 em được khám tầm soát tim miễn phí với tổng kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng. Toàn quận có 26 em phát hiện mắc các bệnh về tim được chỉ định điều trị và phẫu thuật. Tính đến nay, 24/26 em đã được phẫu thuật thành công với tổng kinh phí 890 triệu đồng.
Bên cạnh việc hỗ trợ phẫu thuật tim, bà Hứa cùng hội của mình đã làm cầu nối cho nhiều hoạt động thiện nguyện khác như tầm soát bệnh ung thư cho phụ nữ nghèo, hỗ trợ khám chữa bệnh cho các hoàn cảnh khó khăn, neo đơn. Vận động tặng quà Tết, quà trung thu và đồng phục học sinh, học bổng cho phụ nữ và học sinh nghèo…
Bài, ảnh: Vĩnh Yên
Bình luận (0)