Rác thải từ ly, chai nhựa là một hiểm họa cho môi trường
Quán bún riêu cạnh nhà tôi dù chỉ là quán lề đường nhưng rất đông khách. Mỗi ngày có rất nhiều người ghé mua mang về nhà dùng. Điểm đặc biệt ở chỗ, họ đều mang tô sứ hoặc cà mèn nhôm đến cho cô chủ quán múc nước lèo vào. Tôi cũng là mối ruột của chị, thường xuyên thấy chuyện này nên mới thắc mắc hỏi. Chị tâm sự, nguyên do khách sợ đựng hộp nhựa nóng gây nguy hiểm đến sức khỏe nên mang dụng cụ ở nhà đến đựng. Thậm chí có một khách “khó tính”, ngày nào đến ngồi ăn tại chỗ cũng mang cái tô inox theo. Lúc đầu chị tự ái lắm, vì chị cho rằng ông ta nghĩ chị nấu ăn và tô kém vệ sinh. Nhưng rồi sau đó chị mới hiểu ra là đường ruột ông yếu, rất nhạy cảm với ẩm thực đường phố, sợ đồ dùng từ nhựa, nên buộc phải mang tô đến để dùng (do ghiền món bún riêu của chị nấu). Để khỏi phải làm chị khó xử, mỗi lần đến ăn, người khách này thường lui vào một góc vắng người ngồi ăn. Bởi nếu nhìn thấy ông ta dùng tô khác loại, lại cứ mang đến ăn, chắc chắn sẽ có vài người nghĩ quán này rửa không sạch. Những người ăn ở đây đều là “mối ruột” nên rất quen với hình ảnh này. Cũng từ đấy, có vài người “hưởng ứng phong trào” của ông khách kia, cứ mang tô nhà đến dùng. Lại có một chú, kỹ đến mức mang theo một bình giữ nhiệt nóng hổi, đến ăn là đổ vào tô của chị chủ quán để “tiệt trùng”. Thật ra chị rửa sạch sẽ so với những quán ăn lề đường khác. 3 xô nước để rửa 3 lần là tạm ổn, nhưng do khách kỹ tính nên chị chiều lòng. Không sao, ai ăn uống cũng vui vẻ. Nhờ vậy mà quán chị rất đông khách, bán chỉ 2 giờ là hết sạch.
Có lẽ một số người khách hoặc chủ quán sẽ cảm thấy khó chịu khách hàng đến ăn uống mà mang theo tô, chén, ly nhà. Trong lòng chủ sẽ nghĩ: “Chắc dụng cụ bán quán của mình rửa không sạch nên họ mới làm thế”. Vì thế không ít quán đã từ chối phục vụ khách hàng. Đó là một hành động sai lầm khi người chủ thể hiện bản ngã của mình quá lớn. Cần phải hiểu nguyên nhân sâu xa để từ đó điều chỉnh cung cách phục vụ. Tại sao họ không chọn quán ăn khác mà lại tìm đến quán của mình, trong khi quán mình kém vệ sinh (theo cách nghĩ của chủ khi mà khách mang dụng cụ ăn uống tới quán). Tất nhiên quán của mình ngon cho nên dù thế nào người ta cũng cất công tìm đến.
Như chúng ta biết, con người luôn cầu toàn về sức khỏe nên rất nhiều người kỹ quá mức. Như người cô tôi, mỗi lần rửa chén đĩa, ít nhất phải 5 nước cô mới cho là sạch. Vì vậy, đừng vội trách lầm họ mà mất đi một người khách quen. Với lại, trong thời buổi an toàn vệ sinh kém như hiện nay, cộng thêm quán ăn vỉa hè thường rửa qua loa vì khan nước sạch, nên khách kỹ tính cũng là lẽ tất nhiên. Việc mang dụng cụ ăn uống tới cửa hàng đựng không còn là chuyện lạ mà vài tháng gần đây, nó trở thành trào lưu. Điểm đặc biệt không phải người già mà chính ở người trẻ. Lẽ ra những bạn ở lứa tuổi này ít quan tâm về sức khỏe, lại hay sĩ diện, nhưng giờ họ đã ý thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ sức khỏe cho mình, cho cộng đồng. Sử dụng ly thủy tinh, ly sứ, ly nhôm… đến quán đựng trà sữa như là cách bảo vệ sức khỏe bản thân, bảo vệ môi trường sống. Từ đấy hạn chế được rác thải nhựa – do những ly nhựa mà chúng ta quen dùng thường ngày. Hàng động này thật hay, ý nghĩa, cần được nhiều bạn trẻ quan tâm, nhân rộng. Các phương tiện truyền thông đại chúng nên ra sức đưa tin và tuyên truyền về vấn đề này để cả nhân loại chung tay bảo vệ môi trường sống trên trái đất.
Nguyễn Thanh Vũ
Bình luận (0)