HĐND TP.HCM vừa tổ chức chương trình “Dân hỏi – Chính quyền trả lời” với chủ đề “Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc – Phát huy sức mạnh của nhân dân”.
Công an khu vực thị trấn Nhà Bè, huyện Nhà Bè, TP.HCM tuyên truyền phòng chống tội phạm, phòng chống cháy nổ tới người dân thông qua nhóm Zalo. Ảnh: H.Triều
Người dân trực tiếp bắt 6.800 đối tượng
Tại chương trình, các đại biểu đã khẳng định vai trò quan trọng của nhân dân trong “Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
Ông Phạm Minh Tuấn – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM – cho biết, sau 10 năm tổ chức thực hiện, phong trào đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân, các tổ chức, đơn vị, cá nhân. Các mô hình tự quản trong cộng đồng dân cư được phát huy mạnh mẽ và được người dân tích cực hưởng ứng… Người dân tố giác tội phạm với trên 120.000 tin có giá trị, đã giúp ngành chức năng làm rõ hơn 35.000 vụ việc. Người dân cũng trực tiếp bắt 6.800 đối tượng…
Thượng tá Lê Mạnh – Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an TP – thông tin thêm: “Trong năm 2023, qua công tác tuyên truyền, vận động, nhân dân cung cấp cho lực lượng công an 15.966 tin liên quan an ninh trật tự, trong đó có 5.685 tin có giá trị, giúp lực lượng công an xử lý 1.927 vụ việc…”.
Nhiều mô hình chưa thực chất
Bên cạnh những kết quả đạt được, các cử tri phản ánh những mặt hạn chế của phong trào này… Cử tri Trần Việt Trung (TP.Thủ Đức) cho biết, các phường, xã, thị trấn có rất nhiều mô hình, giải pháp thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tuy nhiên có những mô hình chỉ trên danh nghĩa, hoạt động không thực chất. TP cần có đánh giá lại hoạt động của các mô hình để có hiệu quả và thực tế hơn…
Theo cử tri Nguyễn Ngọc Sơn (Q.Bình Tân), để các phong trào thực sự đi sâu vào mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi công tác tuyên truyền phải thích ứng với nhu cầu thực tế của nhân dân.
Đánh giá cao Đội 363 của Công an TP hoạt động hiệu quả trong việc tập trung phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm trên đường phố, nơi công cộng như trộm cắp, cướp giật, cử tri Phan Thị Tuyết Anh (huyện Hóc Môn) mong thời gian tới Công an TP có những giải pháp tăng cường hoạt động này. Theo bà, hiện nay tại địa phương có nhiều giải pháp thực hiện các nhóm Zalo cộng đồng, qua đó công an đã kịp thời thông tin, tuyên truyền về phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự; thông tin các thủ đoạn của bọn tội phạm để người dân cảnh giác. Tuy nhiên khi ra khỏi nhà thì phần lớn người dân không có khả năng tự bảo vệ bản thân nếu bị tội phạm tấn công.
Cử tri bức xúc về lừa đảo qua mạng
Nhiều cử tri tỏ ra bức xúc về tình hình tội phạm công nghệ, lừa đảo qua mạng với hành vi phạm tội vô cùng tinh vi nhưng khi tố giác thì không dễ. Cử tri Đỗ Văn Thái (Q.Gò Vấp) đề nghị: “Công an TP cần có hướng dẫn cụ thể, đơn giản thủ tục trình báo, tố giác tội phạm đến người dân…”.
Cử tri Phan Thị Tuyết Anh đề nghị ngành công an có biện pháp mạnh trong hoạt động an ninh mạng, đảm bảo thông tin của người dân được bảo mật, không để tội phạm lợi dụng nhằm thực hiện các vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản…
Cử tri Võ Thành Viên (Q.Gò Vấp) kiến nghị tăng cường công tác quản lý an ninh mạng nhằm ngăn chặn các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhân dân. Bên cạnh đó, nêu cao vai trò trách nhiệm của lực lượng công an, trực tiếp là cảnh sát khu vực, cần bám sát cơ sở, phối hợp chặt chẽ với các bộ phận có liên quan. Làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác, phát huy vai trò làm chủ, kịp thời phản ánh tố giác tội phạm cho cơ quan chức năng.
Tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân
Theo Thượng tá Lê Mạnh, để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về an ninh, công tác bảo vệ trật tự ở khu phố thì trong thời gian tới ngành công an sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền rộng rãi, vận động quần chúng nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào bằng các hình thức như: Tổ chức hội nghị tuyên truyền; phát hành “thư ngỏ”, “thư kêu gọi”; đăng tin, chia sẻ bài viết, video clip trên các nhóm Zalo, Fanpage; phát loa cố định, di động; viết cam kết; tổ chức tuyên truyền miệng, tuyên truyền trên màn hình công cộng tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chung cư, nhắn tin SMS…
Thiếu tướng Trần Đức Tài – Phó Giám đốc Công an TP.HCM – đánh giá, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại TP rất đa dạng, phong phú, khẳng định được hiệu quả góp phần quan trọng trong công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Nơi nào chính quyền, nhân dân, đoàn thể quan tâm đến phong trào này thì khu phố, địa phương nơi đó bình yên để phát triển.
“Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là biện pháp cơ bản, chiến lược; là cơ sở quan trọng để xây dựng thế trận lòng dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả phong trào này, thời gian tới TP sẽ đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp. Cùng với đó là nhân rộng các mô hình hay trong phong trào này…”, Phó Giám đốc Công an TP nhấn mạnh.
Đối với vấn đề an ninh mạng, ông Nguyễn Thanh Hòa – Trưởng phòng Thông tin điện tử, Sở Thông tin và Truyền thông TP – cho rằng, người dân cần tuân thủ những quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Cụ thể, chủ thể dữ liệu phải là người đầu tiên bảo vệ dữ liệu cá nhân, bởi việc chia sẻ mật khẩu tài khoản là không thể bảo vệ được. Ngoài cấp độ cá nhân, cơ quan sở ban ngành cũng có sự phối hợp trong công tác này.
“Sở Thông tin và Truyền thông vừa ký kết với Đoàn Luật sư TP và Hiệp hội Doanh nghiệp TP trong công tác phối hợp phòng chống lừa đảo trên không gian mạng. Ở cấp độ vĩ mô, TP thúc đẩy Đề án 06, tiến tới định danh tài khoản”, ông Hòa nói.
Theo ông Hòa, trên địa bàn TP có 355 mạng xã hội, 1.100 trang thông tin điện tử và khoảng 22 triệu tài khoản đang hoạt động…
Linh Anh
Bình luận (0)