Sau 3 năm triển khai, Sở GD-ĐT TP.HCM lần đầu tổ chức hội thảo đánh giá kết qủa tổ chức cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh theo thông tư 50/2020 của Bộ GD-ĐT, nhằm bàn luận về giải pháp nâng cao hơn nữa hiệu quả trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh tại các cơ sở giáo dục mầm non toàn thành phố.
Bà Lê Thuỵ Mỵ Châu đánh giá hội thảo là bức tranh giáo dục triển khai cho trẻ làm quen tiếng Anh tại TP.HCM
Thực hiện cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh theo thông tư 50 của Bộ GD-ĐT, toàn huyện Củ Chi có 32/136 trường tổ chức. Trong đó, số trường công lập là 26 trường; dân lập, tư thục là 5 trường; lớp mẫu giáo độc lập là 1 lớp. Số trẻ tham gia chương trình là 7.855 trẻ, tỷ lệ 49,59%. Mức học phí triển khai bình quân 57.000 đồng/trẻ/tháng. Đa số trẻ có thể nghe và làm theo từ 2-3 yêu cầu liên tiếp, đơn giản, quen thuộc, phát âm rõ ràng các từ đơn lẻ, cụm từ và mẫu câu quen thuộc…
Tuy nhiên, chia sẻ tại hội thảo, đại diện phòng GD-ĐT huyện Củ Chi nhìn nhận – còn một bộ phận phụ huynh chưa hiểu khái niệm “làm quen” theo thông tư 50 của Bộ GD-ĐT. Phụ huynh thường cho rằng tiếng Anh dù là ngôn ngữ phổ biến, quan trọng song không nhất thiết phải “nhồi nhét” cho trẻ ngay từ khi còn ở bậc mầm non, dẫn đến việc chưa đồng bộ trong công tác cho trẻ làm quen tiếng Anh giữa các đơn vị.
Việc tổ chức phải xã hội hóa trên đóng góp của phụ huynh để có giáo viên nước ngoài và Việt Nam giảng dạy vì thế nhà trường còn khá bị động trong tuyên truyền, triển khai đến phụ huynh. Mức thu học phí còn hạn chế dẫn đến khó khăn trong công tác hợp đồng với đơn vị cung cấp giáo viên tiếng Anh. Một số trường ở vùng sâu, vùng xa chưa triển khai được chương trình do chưa đảm bảo về cơ sở vật chất…
“Huyện đã xây dựng 6 giải pháp để khắc phục thực trạng này. Trong đó đa dạng các hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức trong xã hội về lợi ích của học ngoại ngữ, giúp phụ huynh hiểu đúng từ “làm quen” chỉ dừng ở mức trẻ tiếp xúc với ngôn ngữ mới thông qua trò chơi, không nên đặt mục tiêu quá cao cho con rằng con có thể giao tiếp với người khác bằng ngoại ngữ…”.
TP.HCM lần đầu bàn giải pháp nâng cao hiệu quả trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh
Bà Lê Thuỵ Mỵ Châu – Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM đánh giá, hội thảo cho thấy bức tranh giáo dục khi trẻ làm quen với tiếng Anh tại TP.HCM, để toàn ngành cùng nhìn sâu, nói thẳng, nhìn rõ hạn chế tồn tại khi triển khai thông tư 50.
Theo bà, nhu cầu cho trẻ làm quen với tiếng Anh là có, phụ huynh rất quan tâm. Các trường mầm non ngoài công lập thu hút phụ huynh bằng con đường dạy tiếng Anh. Nhiều trường mầm non quốc tế còn triển khai chương trình PRE – chương trình tiếng Anh quốc tế ở bậc mầm non…
“Hội thảo xác định, việc cho trẻ làm quen với tiếng Anh là nâng cao trách nhiệm trong quản lý nhà nước. Trẻ làm quen tiếng Anh sẽ góp phần hình thành, phát triển năng lực giao tiếp cho trẻ trong bối cảnh đào tạo công dân toàn cầu, là nền tảng cho trẻ ở các bậc học tiếp theo. Qua hội thảo cũng thấy được vai trò phối hợp giữa các trung tâm ngoại ngữ với phòng giáo dục và các trường mầm non giúp làm tốt công tác này. Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục đeo bám để sự phối hợp này được tổt hơn nữa” – bà Châu nêu rõ.
Với tỷ lệ hơn 50% trẻ mầm non TP.HCM làm quen với tiếng Anh, bà Châu thẳng thắn – các địa phương và Sở GD-ĐT cần có giải pháp riêng hướng tới sự bình đẳng, công bằng cho tất cả trẻ. Đặc biệt, toàn thành phố có hơn 180 trung tâm tham gia tổ chức cho trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh vậy thời gian qua, các phòng giáo dục đã thực sự quan tâm triển khai công tác này hay để các trung tâm phối hợp tự làm việc với trường.
Cạnh đó, theo báo cáo, TP.HCM có gần 500 trường công lập, gần 850 trường ngoài công lập và hơn 1.700 cơ sở nhóm lớp, tư thục. Tuy nhiên, bà cho rằng quy mô giáo dục mầm non của TP.HCM rất lớn, các địa phương cần xem lại quy mô các trường tư thục trú đóng trên địa bàn có còn sót không, chương trình giảng dạy làm quen tiếng Anh ở các trường này như thế nào, các phòng giáo dục phải có sự quan tâm, vào cuộc.
“Thông tư 50 là cơ sở pháp lý, 18 bộ tài liệu chương trình được Bộ GD-ĐT phê duyệt là căn cứ triển khai, còn triển khai thực hiện là trách nhiệm của phòng giáo dục, cơ sở giáo dục và trung tâm ngoại ngữ. Xác định được nhu cầu, cơ sở vật chất, điều kiện tổ chức, đã có sự quan tâm đầy đủ chưa hay để tự bơi. Cho trẻ làm quen song quan trọng là khâu kiểm tra đánh giá. Phải có cơ sở đánh giá trẻ tiếp cận như thế nào. Trẻ mẫu giáo là thời gian vàng để hình thành nhân cách, kỹ năng nên chúng ta phải xem lại trách nhiệm của mình… Mỗi trung tâm, mỗi nhà trường, đặc biệt phòng giáo dục phải bám theo chương trình khung của Bộ GD-ĐT để có định hướng, dù là giáo viên nước ngoài, bản ngữ hay giáo viên Việt Nam thì đều cần sự kiểm tra, đánh giá”- bà Châu đặt vấn đề.
Để làm tốt hơn nữa hiệu quả trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh tại TP.HCM, bà Lê Thuỵ Mỵ Châu yêu cầu trung tâm ngoại ngữ cần có sự phối hợp với phòng giáo dục, nhà trường, trang bị cho giáo viên về văn hoá Việt Nam để có thể giáo dục trẻ, tạo hình mẫu để trẻ học theo, đặc biệt quan tâm về hồ sơ năng lực, quản lý đội ngũ giáo viên, chương trình giảng dạy.
Với cơ sở giáo dục mầm non trong và ngoài công lập cần thành lập ban lựa chọn chương trình làm quen với tiếng Anh theo thông tư. Quá trình triển khai cần khảo sát nhu cầu thực tế của phụ huynh trẻ để làm cơ sở triển khai, vì thực tế đâu đó vẫn có ý kiến trường học cố tình đưa chương trình vào giảng dạy. Rà soát hồ sơ năng lực trung tâm phối hợp…
Yến Hoa
Bình luận (0)