Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Công tác định hướng ngành nghề quan trọng và cần thiết

Tạp Chí Giáo Dục

Đó là nhận định của ông Nguyễn Tân – Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế về công tác tư vấn tuyển sinh, giúp các em học sinh khối lớp 12 tháo gỡ những vướng mắc về việc lựa chọn ngành nghề, cơ hội việc làm trước ngưỡng cửa quan trọng quyết định tương lai.


Ông Nguyễn Tân – Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng công tác định hướng nghề nghiệp phù hợp xu thế và rất cần thiết

Chọn ngành đúng năng lực để nâng cao cơ hội việc làm

Chương trình do Tạp chí Giáo dục TP.HCM, Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế, Đại học Quốc gia TP.HCM, Trung tâm Phát triển phía Nam – Bộ GD-ĐT phối hợp tổ chức. Trong 2 ngày (29 và 30-1-2024), Chương trình đi qua 8 trường THPT với khoảng hơn 4.000 học sinh khối lớp 12 tham gia.

Các em học sinh đã được nghe các chuyên gia đến từ các trường ĐH thành viên thuộc ĐHQG TP.Hồ Chí Minh gồm Trường ĐH Khoa học tự nhiên, Trường ĐH Quốc tế, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật và các trường ĐH Greenwich, Swinburne cùng với chuyên gia tâm lý TS Tô Nhi A giải đáp những thắc mắc về lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực sở trường và đam mê; các phương pháp ôn tập, ôn thi, tư vấn tâm lý và sức khoẻ mùa thi; thủ tục nhập học, các qui định về học phí, cơ hội nhận học bổng cũng như trang bị cho học sinh những kỹ năng tiếp cận, phát hiện, khám phá, lựa chọn và phát triển nghề nghiệp bản thân phù hợp với sở thích, năng lực, điều kiện kinh tế gia đình… 

Tại các buổi tư vấn, nhiều học sinh đặt câu hỏi liên quan đến việc chọn ngành nghề và cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp đại học cũng như cơ hội học bổng vào các trường đại học trong và ngoài nước. Liên quan đến băn khoăn nên hoàn thành chương trình đại học ở trong nước sau đó đi du học nước ngoài hay tìm kiếm cơ hội du học ngay khi còn ở bậc THPT? Đại diện Trường ĐH Greenwich chia sẻ, nhiều năm trở lại đây, trong xu thế hội nhập toàn cầu, học sinh hoàn toàn có thể tự chủ động tìm kiếm học bổng và lựa chọn điểm đất để du học. Nếu xác định muốn trải nghiệm thì nên đi từ đầu. Bản thân học sinh xem khoảng thời gian chuyển tiếp từ THPT lên ĐH là khoảng thời gian đệm và nếu không muốn mất khoảng thời gian đệm đó thì theo chương trình đại học trong nước một, hai năm, sau đó đi du học. Hoặc muốn “ăn chắc mặc bền” thì hoàn thành chương trình đại học trong nước, tiếp đó đi học thạc sĩ ở nước ngoài. Với sinh viên có tài chính gia đình hạn hẹp thì nên tìm kiếm các học bổng tốt ở một số quốc gia có nhiều ưu đãi cho học sinh du học như Australia, Mỹ…

Cũng theo đại diện Trường ĐH Greenwich, học sinh tốt nghiệp lớp 12, không nên chạy theo ngành “hot”. Điều quan trọng phải xác định năng lực mình tới đâu, có sở trường trong lĩnh vực nào… từ đó lựa chọn ngành nghề phù hợp để phát triển.


Các em học sinh khối lớp 12 tại Thừa Thiên Huế đặt câu hỏi cho Ban tư vấn về chọn lựa ngành nghề 

Liên quan đến câu hỏi của nhiều học sinh về việc nhà trường đồng hành hỗ trợ trong quá trình thực tập, tìm kiếm việc làm. Đại diện Trường ĐH Swinburne cho biết, cũng như nhiều trường ĐH khác trong cả nước, nhà trường luôn theo sát để hỗ trợ sinh viên trong quá trình thực tập tại doanh nghiệp. Hoàn thành thực tập, thông qua nhận xét cụ thể của doanh nghiệp về từng sinh viên, nhà trường sẽ có kế hoạch bổ sung kiến thức để giúp sinh viên hoàn thiện và đủ điều kiện làm việc tại các doanh nghiệp lớn. Khi đó, sinh viên có nhiều sự lựa chọn vị trí việc làm với mức lương mong muốn phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp.

Giúp các nữ sinh tháo gỡ băn khoăn về các ngành kỹ thuật, đại diện Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật – ĐHQG TP.Hồ Chí Minh cho biết, hiện tròng có 6 ngành học ưu tiên giảm 50% học phí cho sinh viên nữ, như: Công nghệ Kỹ thuật Cơ điện tử, Cơ khí, Kỹ thuật Công nghiệp, Kỹ thuật Công nghệ Xây dựng, Xây dựng Công trình giao thông, Hệ thống Kỹ thuật Công trình xây dựng, Công nghệ Kỹ thuật Ô tô, Kỹ thuật Nhiệt. “Nhiều năm qua, nhà trường có rất nhiều thủ khoa ngành kỹ thuật là nữ. Nhiều nữ sinh viên có kết quả học tập và có vị trí công việc rất tốt”, đại diện nhà trường nói.

Một băn khoăn khó tháo gỡ khác, đó là sự thống nhất trong lựa chọn ngành nghề để theo học giữa các bậc phụ huynh và học sinh. TS Tô Nhi A- Chuyên gia tâm lý chia sẻ, đây là câu chuyện thường xảy ra. Bản thân các em học sinh không nên quyết liệt theo kiểu mình đúng, ba mẹ sai hay ngược lại. Ba mẹ muốn lựa chọn nghề khác các con theo trải nghiệm, mong muốn và trong góc nhìn của ba mẹ cho rằng an toàn. Nhưng trong góc nhìn của các bạn học sinh lại khác, chính các bạn biết rõ mình muốn cái gì. Để hài hòa điều này, các bạn học sinh nên tìm hiểu các thông tin cụ thể về ngành nghề, cơ hội việc làm về cả ngành ba mẹ muốn và ngành mình thích… Từ đó có đủ cơ sở để thuyết phục ba mẹ hoặc có một sự lựa chọn phù hợp với bản thân.

Việc định hướng là phù hợp xu thế và cần thiết

Ông Nguyễn Tân – Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, hàng năm, bắt đầu từ học kì 2 của năm học, thực hiện chỉ đạo của ngành, các trường phối hợp triển khai công tác hướng nghiệp, giúp học sinh chọn lựa ngành nghề. “Chúng tôi Đánh giá cao các tổ chức, đơn vị trong việc kết nối tổ chức các chương trình tư vấn hướng nghiệp, tạo thêm kênh thông tin chính thống cho học sinh và phụ huynh trong chọn lựa ngành nghề tương lai của các em. Nhiều năm qua, ngành GD tỉnh Thừa Thiên Huế đã tạo điều kiện để học sinh tiếp cận tư vấn hướng nghiệp qua nhiều kênh, trực tiếp và trực tuyến. Riêng một số lĩnh vực như CNTT, tỉnh trực tiếp tư vấn. Từ năm 2018-20219, xác định Thừa Thiên Huế cần 10.000 kỹ sư tin học CNTT, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì cùng Sở GD-ĐT và ĐH Huế điều hành, mời các học sinh có thiên hướng và chuyên môn giỏi về CNTT để được nghe DN, các trường ĐH có thế mạnh về lĩnh vực này tư vấn hướng nghiệp.  Nhờ đó, năm 2023, tỉnh có tỷ lệ học sinh vào ngành CNTT xếp thứ Nhì toàn quốc; xếp thứ 3 toàn quốc về tỷ lệ học sinh vào các ngành dịch vụ du lịch; thứ Nhì toàn quốc về tuyển sinh ĐH… Đây là minh chứng cho công tác định hướng có chủ đích, có lộ trình đối với nhiều lĩnh vực để các em chọn lựa ngành nghề phù hợp với nhu cầu phát triển của tỉnh nói riêng và xã hội nói chung”.

Ngành GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế xác định công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh THCS, THPT là hướng đi đúng. Bối cảnh hiện nay, mục tiêu của các em học sinh sau tốt nghiệp đại học và sau đại học là có đủ năng lực để làm việc trong xã hội, hướng đến công dân toàn cầu. Các tập đoàn, doanh nghiệp khi tuyển dụng đều yêu cầu trình độ người lao động ở mức cao. Vì vậy, việc định hướng một cách chuyên sâu và chất lượng là chủ trương phù hợp. Định hướng làm sao để các em chọn ngành nghề phù hợp với bối cảnh, hội nhập sâu rộng với thế giới, làm việc với nguồn nhân lực theo thế giới phẳng. Việc định hướng của các trường ĐH, đặc biệt các trường ĐH có uy tín, năng lực về lĩnh vực mới, ngành nghề mới rất quan trọng. Để đáp ứng với phát triển hiện nay thì rất cần sự tư vấn, hỗ trợ của các trường ĐH cũng như sự đồng hành của các cơ quan báo chí trong quá trình phối hợp giúp học sinh và phụ huynh xác định ngành nghề và tạo động lực học tậ tốt… 

“Công tác định hướng nghề nghiệp thời điểm hiện tại cần phải làm sao cho học sinh hiểu sâu, hiểu rõ, xác định đúng để có sự chăm chút trong học tập, cũng như mục tiêu, động lực giúp các em có cơ hội việc làm ổn định, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và cả nước, góp phần vào nguồn nhân lực chất lượng cao của quốc gia”, ông Tân nhấn mạnh.

Vĩnh Yên

 

Bình luận (0)