Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Ô nhiễm tiếng ồn, trẻ khó học được!

Tạp Chí Giáo Dục

“Trời sinh ra cái loa thùng/ Sáng trưa chiều, tôi lùng bùng lỗ tai/ Cụ ông than vắn thở dài/ Trẻ em…  xuống bếp học bài để thi!”. Đó là mấy dòng bức xúc của một facebooker trước thực trạng thường xuyên “bị tra tấn” bởi âm thanh tiếng ồn từ những chiếc loa thùng tràn lan hiện nay. Thực trạng này không chỉ bùng phát dữ dội ở thành thị, mà “lây truyền” mạnh mẽ ở nông thôn, đến ngay cả những miền quê trước đây vốn thật yên ả. Điều đáng nói là thực trạng ấy diễn ra một cách “hồn nhiên”, “vô tư” mà chẳng hề thấy có ai phản đối, chẳng ai lên tiếng nhắc nhở. Đa phần vì sợ tư thù, sợ mất lòng nhau, nên nhiều người đành phải “ngậm bồ hòn” làm ngọt. Rốt cuộc, “khổ chủ” là những người lam lũ suốt ngày, đêm về cần được nghỉ ngơi; là những người già; là trẻ nhỏ cần có không gian yên tĩnh để học hành.

Một phụ huynh nhà ở trong khu phố thuộc phường Thạnh  Xuân, Q.12 (TP.HCM) nói: “Tôi lo cho việc học hành của mấy đứa nhỏ, đêm nào trong hẻm cũng ồn ào vì nhậu nhẹt và hát hò. Thậm chí đóng cửa lại vẫn bị tra tấn, bị âm thanh làm rung cả cửa. Góp ý với họ thì họ khó chịu, mà phản ánh lên chính quyền thì sợ bị trả thù…”. Ngày trước, dàn karaoke thường cố định ở trong nhà, có hát thì cũng ít ảnh hưởng nhà bên cạnh. Từ khi có “phát minh vĩ đại” là chiếc loa “tích hợp… n trong một”, âm thanh tiếng ồn “bành trướng” ra trước sân, đầu ngõ, cuối hẻm. Hát, hò, hét, nhảy, múa, chửi bới… thứ gì cũng có, tới hơn 22 giờ, thật là đinh tai nhức óc!

Một người bạn tôi ngụ ở quận 8 (TP.HCM) cũng kể: “Xóm tôi đại loại chia ra ba khúc: đầu, cuối hẻm và ở giữa hẻm là tôi. Tôi phải phải luân phiên chịu đựng tiếng ồn từ những chiếc loa “khủng” hôm nay cuối hẻm, ngày mai đầu hẻm… Làm như họ hát hò để thể hiện sự hơn thua với nhau vậy? Bây giờ cứ chở con đi học về là đóng chặt cửa, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Nhiều khi muốn dẫn con đi dạo mấy vòng trong hẻm nhưng lại thôi, vì thấy toàn cảnh nhậu nhẹt”. Mà đâu chỉ có những chiếc loa thùng, còn có tiếng ồn của các nhà hàng nhạc sống, các quán ăn sẵn sàng chiều chuộng “thượng đế” cho đến 24 giờ.

Giáo viên dạy một trường THCS ở quận Tân Phú (TP.HCM) nhận xét rằng: “Trẻ bây giờ không chỉ bị “khủng bố” từ khu phố ở nhà, mà không gian trường học của các em cũng thật sự chẳng còn an toàn được mấy. Quanh sát trường tôi dạy là cảnh bát nháo các nhà hàng, quán nhậu với ô nhiễm tiếng ồn kinh khủng. Nhiều khi học sinh phải vừa nghe giảng bài vừa “bị tra tấn” bởi tiếng hát karaoke ở dưới đường vọng lên!”. 

Trong phần cuối truyện ngắn Nhật ký người điên, đại văn hào Lỗ Tấn đã phải khẩn cầu thống thiết: “Hãy cứu lấy trẻ con!”. Nay tôi mượn câu kết này để kết thúc bài viết về thực trạng không mấy đẹp đẽ này vậy!

Trn Ngc Tun

Bình luận (0)