Tại hội thảo Giáo dục nghề nghiệp Anh quốc – Việt Nam: Hướng tới hệ thống kỹ năng nghề đảm bảo chất lượng tổ chức mới đây ở TP.HCM, các chuyên gia giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đến từ Anh thừa nhận giáo viên nghề của Việt Nam cơ bản đạt yêu cầu; tuy nhiên, để nâng cao chất lượng đào tạo, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển phải trang bị thêm nhiều kỹ năng.
Theo các chuyên gia GDNN của Anh, giáo viên cần tương tác để người học chủ động trao đổi, thảo luận – lấy người học làm trung tâm. Trong ảnh: Giờ học của sinh viên Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức
Từ giảng dạy sang huấn luyện
Ông Jonathan Ledger (chuyên gia GDNN toàn cầu thuộc Văn phòng Bộ Ngoại thương Anh) cho rằng thành công của Anh trong GDNN là nhờ giáo viên xây dựng kỹ năng qua phát triển chuyên môn liên tục và xem đó là nhiệm vụ hàng đầu. Theo đó, khi xây dựng chương trình phải có đánh giá đầu ra và người đánh giá phải có bằng cấp nhất định (theo nhiều cấp độ), có chuyên môn về ngành nghề, năng lực… Để trở thành người đánh giá phải học mất từ 60 đến 170 giờ và được phê duyệt của tổ chức cấp bằng.
Chia sẻ về bí quyết quản lý lớp học nghề, bà Sadie Maddocks (Tư vấn đào tạo cao cấp của Hội đồng Anh) khẳng định quản lý lớp học là kỹ năng nghề nghiệp, quản lý tốt sẽ nâng cao hiệu quả giảng dạy và ngược lại. Giáo viên dạy để người học tiếp thu hiệu quả theo cách học của họ chứ không phải học theo cách dạy của giáo viên.
Người đứng lớp có mục tiêu đầu ra cụ thể, xem người học thích gì để theo đuổi mục tiêu đó và giúp người học luôn chủ động. Giáo viên phải tự tin, giữ khoảng cách nhất định và tạo niềm tin để mỗi người học đều có cơ hội đóng góp tiếng nói của mình trong giờ học. “Lấy người học làm trung tâm, giáo viên giữ vai trò thứ cấp, chỉ tương tác để người học trao đổi, từ đó các em sẽ nhớ lâu hơn và rèn được sự tự tin”, bà Sadie Maddocks đúc kết.
Trong khi đó, bà Hậu Lê (phụ trách Chương trình giáo dục Mekong, ACCA) lại đánh giá cao việc chuyển đổi từ giảng dạy sang huấn luyện. Phương pháp này sẽ giảm thiểu lý thuyết nặng nề, người học tiếp cận nhanh với thực hành. Để thực hiện hiệu quả phương pháp này, bản thân giáo viên phải chuẩn bị nội dung, kế hoạch và đặc biệt là phải tìm hiểu điều kiện, ước mơ, sở thích… của người học, qua đó có những bài tập gần gũi với cá nhân đó. Người học sẽ rất hứng thú khi được tiếp cận với phương pháp học nhẹ nhàng nhưng hiệu quả này.
Ông Lâm Văn Quản (Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế TP.HCM) nhận định, bên cạnh chuyên môn, kỹ năng của giáo viên các trường TC-CĐ hiện nay rất tốt, được tiếp cận với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, để đào tạo ra nhân lực đáp ứng tốt yêu cầu của doanh nghiệp, có thể tự tin tham gia thị trường lao động trong và ngoài nước thì cần phải xây dựng nguyên tắc chuẩn mực trong từng môn, từng buổi học và từng chương trình. Nguyên tắc chuẩn mực đó bao gồm ngoại ngữ, kết quả đánh giá, cơ sở vật chất…
Vì quyền lợi người học
Ông Lâm Văn Quản chỉ rõ điểm yếu của GDNN Việt Nam hiện nay là đưa vào nhiều môn học làm nặng nề chương trình, trong khi GDNN của nước ngoài thực hành, thực tế hơn là những môn học lý thuyết không cần thiết. Để phát triển kỹ năng nghề, theo ông Quản, giáo viên phải thường xuyên được tập huấn và cần áp dụng nhiều phương tiện giảng dạy. Hơn nữa, để giới trẻ thích ứng nhanh thì giáo viên phải thay đổi tư duy, nhận thức… “Chính phủ đã có đề án phát triển trường nghề chất lượng cao và trường có nghề trọng điểm, chương trình mục tiêu phát triển nhân lực. Có định hướng, chủ trương rồi thì các trường cần thay đổi tổ chức quản lý, từ đó tác động đến giáo viên thay đổi, trong đó có kỹ năng nghề”, ông Quản khẳng định.
Ông Nguyễn Văn Lâm (Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) cho biết việc bồi dưỡng, đào tạo kỹ năng cho giáo viên là mối quan tâm hàng đầu của TP. Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cũng đã đề xuất lãnh đạo TP về việc gửi giáo viên đi đào tạo nâng cao ở nước ngoài. Từ năm 2017, TP cũng có đoàn cán bộ quản lý, giáo viên các trường TC-CĐ sang Anh tìm hiểu và khảo sát chuẩn nghề BTEC và ký kết biên bản ghi nhớ. Sau đó, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cũng đã mở lớp bồi dưỡng nghề nghiệp cho 50 giáo viên để tiếp cận chuẩn này.
“Năng lực của giáo viên nghề được đánh giá là đạt chuẩn, tuy nhiên để người học có thể hội nhập quốc tế khi ra trường, TP sẽ tiếp tục nâng cao năng lực nghề nghiệp cho giáo viên. Các trường TC-CĐ đã và đang triển khai liên kết đào tạo với doanh nghiệp, vai trò của giáo viên cũng như thợ cả của doanh nghiệp là rất quan trọng. Với bề dày kinh nghiệm cũng như mô hình đào tạo GDNN tiên tiến của Anh, giáo viên Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội học tập và trao đổi”, ông Lâm kỳ vọng.
Ông Nguyễn Văn Dũng (Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường CĐ, TC kinh tế – kỹ thuật, ATEC) đánh giá cao mô hình, phương pháp đào tạo nghề của Anh. Đây là lý do thời gian qua các trường thành viên của hiệp hội đã tiếp cận với hệ thống GDNN của Anh nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nâng chuẩn đầu ra cho người học. “Các trường TC-CĐ nên mạnh dạn tiếp cận với hệ thống GDNN của Anh để học tập, trao đổi kinh nghiệm vì quyền lợi của giáo viên và người học”, ông Dũng nói.
T.Anh
Bình luận (0)