Chân thành, lãng mạn và thêm phần tinh nghịch, thơ Lâm Xuân Thi có phong cách đặc biệt được nhiều bạn yêu thơ mến mộ. Thêm nét giàu nhạc tính, nên dễ hiểu vì sao thơ anh được nhiều nhạc sĩ yêu thích.
Nhà thơ Lâm Xuân Thi (thứ 2 từ phải sang) và giọng ca “nhí” Bào Ngư. Ảnh: Thùy Trang
"Cuội ơi, Cuội hỏi giùm ta. Vầng trăng sáng có phải là đêm trăng. Trên kia có phải Chị Hằng. Gốc đa có phải dưới trần bay lên. Cuội ơi, Cuội hỏi giùm thêm. Ở nơi xa đó là đêm hay ngày. Bóng gì như thể bóng cây. Ai ngồi như thể là mây trên trời…" (Hỏi Cuội, thơ Lâm Xuân Thi, 7-4-2023). Những câu hỏi dồn dập trong bài thơ "Hỏi Cuội" thật ra đã vang vọng trong trí não của nhiều thế hệ trẻ con. Ngỡ rằng thời đại @ sẽ không còn những đứa trẻ ngây thơ như vậy nữa, nhưng trẻ con là một thế giới riêng mà những điều khoa học hiện đại không thể "bắt nạt" chúng được! Dù được tham gia những buổi học "khoa học vui" tìm hiểu khoa học với bao điều lý thú nhưng bọn trẻ vẫn tin vào những điều mách bảo của bà Tiên, ông Bụt…
Thế nhưng, bài thơ "Hỏi Cuội" mang dáng dấp của chiếc kẹo ngọt ngào như những bài thơ viết cho tuổi nhỏ thường ẩn nấp. Vẫn bấy nhiêu hình ảnh cũ (thậm chí rất cũ kỹ): chú Cuội, chị Hằng, vầng trăng sáng, gốc đa… mà nhà thơ Lâm Xuân Thi thật tài tình hóa thân hẳn thành một đứa trẻ với những thắc mắc rất thơ ngây.
Điểm khác lạ của bài thơ "Hỏi Cuội" còn ở chỗ cả bài thơ là hàng loạt câu hỏi của đứa bé mà không cần câu trả lời nào! Bởi bé hỏi chú Cuội, mà chú Cuội có thật hay không thì cũng là một câu hỏi lớn trong đầu chú bé nhưng đêm rằm tháng Tám nhìn lên vầng trăng sáng vằng vặc thì biết hỏi ai, đành nhờ chú Cuội hỏi giùm!
Theo Thùy Trang/NLĐO
Bình luận (0)