Ví kỳ thi THPT quốc gia như cuộc chạy đua của Thỏ và Rùa, các chuyên gia giáo dục cho rằng thắng – thua đôi khi không nằm ở “lợi thế ban đầu” của người học mà quan trọng là người học nỗ lực để vượt qua bản thân như thế nào.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai thích thú khi tìm hiểu các ngành đào tạo tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM
Lời khuyên hữu ích này được các chuyên gia đưa ra trong chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần thứ 11 năm 2019 do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT TP và ĐHQG TP.HCM tổ chức tại Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3) vừa qua. Chương trình có sự đồng hành của ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) và ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM (UEF) cùng nhiều đơn vị khác.
Không phải giỏi là hay mà là sự nỗ lực đến đâu
Theo chuyên gia tâm lý Chế Dạ Thảo, kỳ thi THPT quốc gia 2019 cũng tương tự như thử thách chạy đua trong câu chuyện Thỏ và Rùa. “Điều quan trọng nhất trong cuộc đua ấy, không phải là các em giỏi đến đâu, chiến thắng bạn bè như thế nào mà là các em đã nỗ lực ra sao, chiến thắng chính bản thân mình như thế nào. Nếu các em ảo tưởng vào bản thân, các em cũng có thể thua cuộc. Nhưng ngược lại, nếu các em quá tự tin về bản thân, cũng có thể bị bỏ lại phía sau”, bà Thảo nhấn mạnh.
Đưa ra lời khuyên, bà Thảo nhắn nhủ rằng, trước tiên các em cần phải có sự chuẩn bị thật kỹ cả về nền tảng kiến thức và sức khỏe. Phải xây dựng được một kế hoạch học tập khoa học, có hệ thống về khối lượng kiến thức. Chú trọng vấn đề sức khỏe, tránh thức quá khuya và hạn chế sử dụng các loại chất kích thích như cà phê, trà… Bên cạnh đó, bà Thảo cũng lưu ý, để có được tâm lý ổn định bước vào kỳ thi, ngay trong việc lựa chọn nguyện vọng, học sinh cũng cần phải chọn được các nguyện vọng phù hợp với năng lực của bản thân. “Nguyện vọng quá sức cũng là một trong những nguyên nhân tạo ra áp lực cho bản thân. Vì vậy, các em hãy thật sự cân nhắc khi đăng ký các nguyện vọng, đảm bảo rằng nguyện vọng đó phù hợp với sức học của bản thân và niềm yêu thích của mình”, bà Thảo chia sẻ.
Hướng đi nào cho ngành tự động hóa?
Giải đáp băn khoăn của học sinh về ngành tự động hóa trước thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, TS. Nguyễn Cảnh Tuấn (đại diện Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) thông tin, đây là ngành học mang tính liên ngành đáp ứng nhu cầu trong thế giới siêu cạnh tranh hiện nay. Tự động hóa đề cập đến việc ứng dụng các kỹ thuật cơ khí hiện đại, kỹ thuật điều khiển và kỹ thuật máy tính vào vận hành và điều khiển quá trình sản xuất. Vì vậy, ngành học này phù hợp với những người có sở thích về kỹ thuật, có đam mê sáng tạo, mày mò tìm tòi. “Nhiệm vụ của kỹ sư tự động hóa là theo dõi các hệ thống điều khiển, phát hiện ra những sai sót của hệ thống để kịp thời sửa chữa hoặc hoàn thiện, vận hành, bảo dưỡng – bảo trì hệ thống điện tự động. Ngành học này tưởng chừng như đơn điệu nhưng trong thời đại 4.0, máy móc lên ngôi và làm thay con người những phần việc mang tính lặp đi lặp lại thì người kỹ sư tự động hóa lại đóng vai trò “chế ngự” máy móc, điều khiển máy móc. Do đó, có thể nói đây là ngành của thời cuộc”, TS. Cảnh phân tích.
TS. Cảnh cho biết tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, ngành tự động hóa thuộc nhóm ngành điện – điện tử. Thí sinh có thể xét tuyển vào ngành này bằng nhiều phương thức như điểm thi THPT quốc gia ở 2 tổ hợp là A (toán, lý, hóa) và A01 (toán, lý, tiếng Anh); kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM hoặc qua phương thức tuyển thẳng hay ưu tiên xét tuyển.
Cũng liên quan đến ngành tự động hóa, TS. Trần Thanh Thưởng (đại diện Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) cho hay, nếu thật sự yêu thích ngày này, thí sinh cũng có thể lựa chọn những ngành học liên quan đến cơ khí, điện tử, kỹ thuật… “Tự động hóa là ngành học được tổng hợp rất nhiều kiến thức về kỹ thuật, điện tử, cơ khí. Vì vậy, học những ngành gần nhau các em vẫn có thể “nuôi” ước mơ trở thành kỹ sư tự động hóa. Điều quan trọng là bản thân tự tích lũy được những gì trong môi trường ĐH để ra trường theo ngành mà mình mong muốn”, TS. Thưởng chia sẻ.
Du học có những hướng nào?
Liên quan đến những băn khoăn trong vấn đề du học, ThS. Nguyễn Quang Anh Chương (Giám đốc Phân hiệu ĐH Broward Hoa Kỳ tại Việt Nam) thông tin, lâu nay khi nhắc đến du học chúng ta sẽ nghĩ đến học phí đắt đỏ và ngoại ngữ phải “đỉnh”. Tuy nhiên, để du học một cách nhẹ nhàng nhất, các em có thể lựa chọn hình thức du học 2+2, vẫn trải nghiệm được môi trường giáo dục “đậm chất bản xứ” nhưng lại tiết kiệm chi phí và đặc biệt là tránh được những cú sốc văn hóa cho người học. “2+2 là mô hình giáo dục tiên tiến, trong đó người học sẽ có 2 năm đầu học tại Việt Nam và 2 năm kế chuyển tiếp sang các trường ĐH bản địa. Tính ưu việt của mô hình này là cho phép người học được làm quen với môi trường giáo dục quốc tế ngay trong nước, có thời gian để trau dồi vốn ngoại ngữ, xây dựng lộ trình phù hợp nhất cho 2 năm du học sau”, ThS. Chương nói.
Thời đại 4.0, phải học như thế nào? Giải đáp trăn trở của nhiều học sinh về việc phải học như thế nào, lựa chọn bậc học ra sao để thích ứng với thời đại 4.0, TS. Phạm Tấn Hạ (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM) chia sẻ, thời đại 4.0 chứng kiến sự lên ngôi của máy móc nhưng không phải để “loại” con người ra khỏi cuộc đua mà là để hỗ trợ con người. Máy móc chỉ thay thế con người những công việc mang tính lặp đi lặp lại. Còn những công việc mang tính tư duy, trí tuệ, cảm xúc thì con người vẫn làm chủ. Do đó, để thích ứng thời đại 4.0, các em không chỉ có chuyên môn, có trí tuệ mà còn phải có sự sáng tạo, có kỹ năng cùng vốn ngoại ngữ để hòa mình cùng với thế giới. |
Cũng trong vấn đề du học, ThS. Nghiêm Xuân Chiến (Trưởng phòng Tuyển sinh ĐH Greenwich Việt Nam) chia sẻ một hình thức khác để người học lựa chọn. Đó là “du học tại chỗ” với 4 năm học ở Việt Nam nhưng vẫn được trải nghiệm đầy đủ môi trường giáo dục nước ngoài và nhận bằng ĐH quốc tế. “Hình thức này là chương trình liên kết, với nội dung đào tạo, cơ sở vật chất… được thẩm định, công nhận bởi các chuyên gia quốc tế. Sinh viên ra trường sẽ nhận bằng ĐH có giá trị toàn cầu, không chỉ cơ hội việc làm rộng mở mà người học còn có thể học tiếp lên tại nhiều nước trên thế giới”, ThS. Chiến cho hay.
Thông tin thêm, ThS. Chiến cho biết trong môi trường “du học tại chỗ” này, người học sẽ được hòa nhập với sinh viên quốc tế, đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Ngay tại Việt Nam, các em vẫn có thể có những trải nghiệm, sự hòa nhập với nhiều nền văn hóa khác nhau. Đặc biệt, so với du học tại nước bản địa thì hình thức này giúp người học tiết kiệm hơn rất nhiều nhưng bằng cấp vẫn có giá trị cạnh tranh quốc tế.
Y.Hoa
Bình luận (0)