Phát huy thành công từ nhiều năm trước, Hội thảo khoa học “Xây dựng môi trường giáo dục theo chuẩn nghề nghiệp” của ngành giáo dục và đào tạo quận Phú Nhuận năm 2019 vẫn là sự tiếp nối về một “bàn tròn” trao đổi lý luận, kinh nghiệm trong xây dựng và quản lý giáo dục. Đứng ở một góc nhìn khác nhau về những nội dung về đào tạo cán bộ quản lý, chương trình và mối quan hệ giữa nhà trường và các cấp, nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu giáo dục, các nhà quản lý và đội ngũ giáo viên giàu kinh nghiệm sẽ được coi là định hướng soi đường cho công cuộc đổi mới toàn diện và căn bản nền giáo dục nước ta trong giai đoạn hội nhập.
Hội thảo khoa học năm 2018 của Phòng GD-ĐT Phú Nhuận
Những góc nhìn đa chiều về giáo dục
Bằng tư duy của nhà khoa học và kinh nghiệm của nhà quản lý giáo dục luôn tâm huyết với công cuộc đổi mới giáo dục, TS. Huỳnh Công Minh – nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã xác định các nhiệm vụ cụ thể của đội ngũ cán bộ quản lý trường học trong việc xây dựng môi trường giáo dục theo chuẩn nghề nghiệp: “Tập hợp, đúc kết những kết quả học tập nâng chuẩn nghề nghiệp giáo viên; Tổ chức tạo điều kiện để lực lượng giáo viên thực hiện tốt chuẩn nghề nghiệp qua quá trình học tập; Tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong toàn trường về môi trường giáo dục chất lượng theo chuẩn nghề nghiệp đổi mới hiện nay”. Phân tích sâu hơn về tầm quan trọng của việc xây dựng môi trường giáo dục, NGƯT – ThS. Trương Thị Mỹ Lai – Phó Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Hồng Hà nhận định môi trường giáo dục góp phần quyết định sự hình thành và phát triển nhân cách học sinh, nâng cao tính năng động, tư duy sáng tạo của học sinh: “Xây dựng môi trường giáo dục văn hóa, thân thiện, dân chủ, lành mạnh, an toàn là một trong những nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng đối với mỗi trường học trong quá trình nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện học sinh, gắn kết chặt chẽ với việc tạo lập và phát huy văn hóa chất lượng giáo dục”. Khi tập thể sư phạm mỗi cơ sở giáo dục đã quán triệt về tầm quan trọng của việc xây dựng môi trường giáo dục theo chuẩn nghề nghiệp, tạo nên sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các nhà giáo và cán bộ quản lý trường học khi thực hiện chuẩn nghề nghiệp như nhận định của NGND – GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc: “Chuẩn nghề nghiệp của hiệu trưởng và chuẩn nghề nghiệp của giáo viên được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành năm 2018 sẽ đi vào thực tiễn hoạt động nghề nghiệp của hiệu trưởng và giáo viên các cấp học nếu được ứng xử một cách biện chứng, năng động mềm dẻo phù hợp với các lớp môi trường giáo dục bên ngoài và bên trong nhà trường, không thể vận dụng một cách máy móc, cứng nhắc, rập khuôn xa rời với các yếu tố môi trường giáo dục trong những bối cảnh cụ thể”. Với tâm huyết nghiên cứu khoa học giáo dục cùng kinh nghiệm quản lý các trường học tại quận Phú Nhuận, NGƯT – TS. Ninh Văn Bình – nguyên giảng viên chính Trường Đại học Sài Gòn, nguyên Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Phú Nhuận – đã cụ thể hóa giải pháp đổi mới công tác quản lý trường học để xây dựng tốt môi trường giáo dục thông qua đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về giáo dục pháp luật; Đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức giáo dục trong nhà trường; Nâng cao năng lực, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp đối với cán bộ quản lý, nhà giáo và nhân viên trong các cơ sở giáo dục; Tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội; Tăng cường cơ sở vật chất và bảo đảm thiết chế tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao trong trư?ng h?c.
Vạch rõ đường đi cho giáo dục
Là một chuyên gia đầu ngành về khoa học giáo dục, PGS.TS Ngô Minh Oanh – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục (Trường Đại học Sư phạm TP.HCM) – Ủy viên Hội đồng Quốc gia thẩm định Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể – đã đề xuất biện pháp cải tiến quản lý trường học trong nhiệm vụ xây dựng môi trường giáo dục từ việc xác định triết lý giáo dục của đơn vị. Đồng quan điểm trên, qua tham luận: “Giữ gìn và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống trong xây dựng môi trường văn hóa, môi trường giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường”, tác giả Nguyễn Thị Kiều Oanh – Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Phú Nhuận đã khắc họa các biện pháp xây dựng môi trường giáo dục từ các giá trị đạo đức truyền thống trong nhà trường, trong đó, trường học “là nơi giúp các em giữ gìn và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống cũng như việc xây dựng hệ giá trị đạo đức mới cho phù hợp”. Ngoài ra, đổi mới tư duy về việc xây dựng môi trường giáo dục theo chuẩn nghề nghiệp còn thể hiện ở việc “người cán bộ quản lý cần tạo điều kiện để tập thể nhà trường phát huy tốt trong việc xây dựng môi trường giáo dục theo chuẩn nghề nghiệp. Giáo viên khi được đặt lên vai trọng trách này phải có sự nhận thức đầy đủ, tinh thần trách nhiệm cũng như không ngừng rèn luyện năng lực giáo dục bảo đảm phát huy tốt vai trò và vị trí được giao”.
Nhấn mạnh mối quan hệ giữa đổi mới phương pháp dạy học với việc xây dựng môi trường giáo dục đạt mục tiêu mong muốn, PGS.TS Nguyễn Gia Cầu – Viện Nghiên cứu Hợp tác Phát triển Giáo dục đã xác định: “Thực hiện đổi mới giáo dục nhằm xây dựng một môi trường giáo dục tốt đẹp nhất, có tác dụng giáo dục học sinh sâu sắc, bền vững, khoa học”. Thể hiện ý chí đổi mới phương pháp giáo dục nhằm xây dựng môi trường giáo dục, các giáo viên Trường THCS Đào Duy Anh bày tỏ quan điểm: “Sử dụng phương pháp dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Giáo dục lồng ghép kỹ năng sống, ứng dụng thực tế vào các môn học tự nhiên và giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc, tinh thần cách mạng vào các môn xã hội một cách có hiệu quả nhất”.
Một trong những biện pháp xây dựng môi trường giáo dục nhằm đáp ứng chuẩn nghề nghiệp giáo viên là chú trọng công tác bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, như nhận định của ThS. Nguyễn Văn Đến – Phó Trưởng phòng GD-ĐT Phú Nhuận: “Đội ngũ cán bộ giáo viên phải được đào tạo chuẩn hóa và nâng chuẩn, có bản lĩnh chính trị vững vàng, nhiệt tình trong công tác; có năng lực chuyên môn cũng như năng lực sư phạm”. Chuyển việc đào tạo, bồi dưỡng thành nhu cầu tự bản thân mỗi nhà giáo, tác giả Lê Mộng Điệp – chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo Phú Nhuận – khuyến nghị các nhà giáo nâng chuẩn nghiệp vụ qua công việc thường xuyên là “trau dồi, bổ sung kiến thức nghề nghiệp, học tập kinh nghiệm từ bản thân, đồng nghiệp”.
Dù được nghiên cứu ở vị trí người cán bộ quản lý hoặc người trực tiếp giảng dạy, những biện pháp đã đề xuất qua các tham luận đều thể hiện ý chí cải tiến công tác quản lý trường học, tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, cải tiến công tác bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm nhằm đạt mục tiêu xây dựng môi trường giáo dục theo chuẩn nghề nghiệp.
Với tầm nhìn của người quản lý hoạt động giáo dục các trường học quận Phú Nhuận, Trưởng phòng GD-ĐT, NGƯT – ThS. Võ Cao Long đã đánh giá tầm quan trọng của việc xây dựng môi trường giáo dục qua tác động 2 chiều của môi trường giáo dục với sự phát triển của học sinh và chất lượng giáo dục của mỗi trường học: “Có môi trường giáo dục tốt, phù hợp với thực tế khách quan sẽ giúp cho sự nghiệp giáo dục – đào tạo đạt hiệu quả cao, học sinh có điều kiện phát huy năng lực cá nhân để lựa chọn hướng phát triển cho mình, tiếp tục học đại học, cao đẳng, trung cấp, học nghề hoặc lao động có ích cho xã hội”.
Nguyễn Hoàng Anh
Bình luận (0)