Nhiều ý kiến của thầy cô giáo tại TP.HCM đồng tình với nội dung Dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, cũng có ý kiến còn băn khoăn về việc đưa lịch sử trở thành môn thi bắt buộc, việc tổ chức kỳ thi trên máy tính…
Nhiều thầy cô giáo đồng tình với nội dung Dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 (ảnh minh họa)
+ Thầy Nguyễn Hùng Khương (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1): Bỏ thi tổ hợp là phù hợp
Việc bỏ thi theo tổ hợp là điểm tích cực nhất của Dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, bởi phù hợp với định hướng phát triển năng lực học sinh cũng như định hướng chọn lựa nghề nghiệp của các em, tạo sự nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với cách tổ chức thi như hiện nay. Trong điều kiện các trường đại học vẫn giữ nguyên các khối thi truyền thống thì việc thi tốt nghiệp THPT gồm 6 môn, trong đó 4 môn bắt buộc (ngữ văn, toán, ngoại ngữ, lịch sử) và 2 môn tự chọn rất lợi thế cho những học sinh chọn khối A1, D1. Chưa kể, các môn tự chọn cũng có thêm môn mới như công nghệ, tin học là rất tiến bộ, đảm bảo quyền lợi của người học.
Hiện nay, với cách tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo hình thức tổ hợp đang gây mệt mỏi cho cả học sinh và cán bộ coi thi khi trong một buổi phải hoàn thành 3 bài thi. Khi bỏ tổ chức thi theo tổ hợp, chắc chắn kỳ thi sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
+ Cô Trần Thị Minh Đức (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đào Sơn Tây, TP.Thủ Đức): Cần hỗ trợ trang thiết bị, máy móc
Tôi rất tâm đắc với việc Dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 tính đến phương án tổ chức cho học sinh làm bài thi trên máy tính. Theo tôi, đây là đề xuất cần thiết trong bối cảnh toàn ngành giáo dục đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học và kiểm tra, đánh giá học sinh. Với phương thức này, các trường phổ thông có thuận lợi là đội ngũ giáo viên tin học với đầy đủ năng lực, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu đổi mới. Các trường cũng đã đầu tư về cơ sở vật chất, trang bị wifi, ti vi kết nối internet tốc độ cao. Việc giảng dạy tin học trong nhà trường cũng đã tiếp cận theo hướng tin học chuẩn quốc tế.
Tuy nhiên, nếu quy chế thi mới được thông qua, để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh thi trên máy tính, các tỉnh/thành phố cần ban hành văn bản hướng dẫn đầu tư kinh phí cải tạo máy móc, trang thiết bị cho các trường THPT. Bên cạnh đó, ngoài môn tin học được tổ chức thi hoàn toàn trên máy tính, học sinh còn được tham gia nhiều hoạt động học tập và kiểm tra, đánh giá trên máy tính. Tuy nhiên, việc triển khai chưa mang tính đại trà ở tất cả khối lớp. Trong khi đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT đòi hỏi sự tập trung cao độ của học sinh cũng như quá trình tổ chức đồng bộ giữa các đơn vị trường học. Vì vậy, việc chia sẻ kinh nghiệm giữa giáo viên trong các tổ, nhóm sinh hoạt theo cụm chuyên môn sẽ giúp các trường kịp thời đổi mới phương pháp một cách đồng bộ.
Với dự thảo này, kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ nhẹ nhàng cho cả thầy và trò (ảnh minh họa)
+ Cô T.H (giáo viên môn lịch sử, công tác tại một trường THPT ở Q.3): Đề thi lịch sử không đặt nặng yếu tố hàn lâm
Hiện nay, dạy và học môn lịch sử ở bậc phổ thông hướng đến việc giáo dục học sinh ý thức giữ gìn bản sắc dân tộc. Trong bối cảnh đất nước hội nhập và đẩy mạnh giao lưu quốc tế, việc tạo điều kiện cho học sinh hiểu biết nhiều hơn về lịch sử dân tộc là cần thiết. Do vậy, việc đưa lịch sử thành môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 là phù hợp, cần thiết.
Môn lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở bậc THPT có nhiều thay đổi so với trước đây, sách giáo khoa được thiết kế, biên soạn bắt mắt hơn. Nếu chương trình cũ tổ chức kiến thức lịch sử theo kiểu vòng tròn đồng tâm thì nay đổi mới theo hướng tổ chức kiến thức theo chủ đề, mỗi năm học một chủ đề riêng, tăng tính hấp dẫn học sinh. Phương pháp kiểm tra, đánh giá môn lịch sử trong các trường phổ thông cũng đổi mới theo hướng không yêu cầu học thuộc lòng mà thông qua các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, tìm hiểu và sưu tầm tài liệu, tích hợp kiến thức liên môn giúp học sinh không cảm thấy nhàm chán.
Chính vì vậy, khi lịch sử trở thành môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT thì đề thi cần biên soạn theo hướng không đặt nặng yêu cầu kiến thức hàn lâm, độ phân hóa phù hợp nhu cầu học tập của học sinh.
+ Thầy Trần Công Tuấn (Hiệu trưởng Trường THPT Phú Nhuận, Q.Phú Nhuận): Giảm bớt áp lực cho học sinh
Dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 với quy định có 4 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Với cách thức tổ chức thi như hiện nay, học sinh thi 6 môn nhưng các em quá áp lực với việc thi theo tổ hợp. Thực tế, ít học sinh chọn cả 3 môn của tổ hợp khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội để xét tuyển vào đại học. Trong khi đó, tâm lý học sinh là các em sẽ chỉ chú trọng đến những môn học mình sử dụng để xét tuyển vào đại học. Kỳ thi tốt nghiệp THPT cho học sinh thi theo môn lựa chọn là giảm bớt áp lực cho các em.
Long Quân (ghi)
Bình luận (0)