Hội nhậpThế giới 24h

Biến động dân số ở châu Âu: Tỉ lệ sinh cao nhất ở Pháp, Malta thấp nhất

Tạp Chí Giáo Dục

Hơn 4 triệu trẻ em đã được sinh ra ở Liên minh châu Âu (EU) mỗi năm trong 3 thập kỷ qua, nhưng những con số này đang có xu hướng giảm.
Dân số ở châu Âu có những biến động khi tỉ lệ sinh giảm. Trong ảnh: Du khách ngắm hoa anh đào ở Stockholm, Thụy Điển.
Năm 2021, 4,09 triệu trẻ em được sinh ra ở EU. Đây là con số thấp thứ 2 kể từ năm 1960. Con số thấp nhất được ghi nhận năm 2020, thời điểm có 4,07 triệu trẻ em chào đời. 
Tỉ lệ sinh – phản ánh số ca sinh/phụ nữ – đã thay đổi đáng kể ở các nước châu Âu trong 20 năm qua. Tỉ lệ sinh đã giảm ở 11 trong số 27 quốc gia thành viên EU từ năm 2001 đến 2021, theo Euronews. 
Những quốc gia nào có tỉ lệ sinh cao nhất và thấp nhất ở châu Âu? Mức sinh đã thay đổi như thế nào trên khắp châu Âu trong 2 thập kỷ qua?
Theo Eurostat, cơ quan thống kê của EU, năm 2021, Pháp có tỉ lệ sinh cao nhất trong số các quốc gia thành viên EU với 1,84 trẻ chào đời/phụ nữ. Malta có tỉ lệ sinh thấp nhất là 1,13. Mức trung bình cho toàn EU trong năm này là 1,53.
Tiếp sau Pháp, các quốc gia có tỉ lệ sinh cao lần lượt là Cộng hòa Czech (1,83), Iceland (1,82) và Romania (1,81).
Euronews lưu ý, trong khi tỉ lệ sinh cao nhất được ghi nhận ở một quốc gia ở khu vực Địa Trung Hải là Pháp, thì các quốc gia Địa Trung Hải khác lại có tỉ lệ sinh ở chiều ngược lại, thấp hơn đáng kể như: Malta (1,13), Tây Ban Nha (1,19), Italia (1,25), Síp (1,39) và Hy Lạp (1,43).
Tỉ lệ sinh ở các quốc gia khác là: 1,72 ở Đan Mạch; 1,7 ở Thổ Nhĩ Kỳ; 1,61 ở Anh; 1,58 ở Đức và 1,35 ở Bồ Đào Nha.
Về số trẻ em sinh ra ở EU, con số thấp nhất được ghi nhận năm 2020 là 4,07 triệu. Xu hướng giảm số ca sinh ở EU bắt đầu từ năm 2008, thời điểm có 4,68 triệu trẻ em chào đời. 
Tỉ suất sinh ở EU đã tăng 8% ở EU trong giai đoạn từ năm 2001 (1,43 ca sinh/phụ nữ) đến năm 2021 (1,53 ca sinh/phụ nữ). Trong giai đoạn này, mức tăng cao nhất được ghi nhận ở Cộng hòa Czech với 59%, tiếp theo là Romania (43%) và Slovakia và Slovenia (đều 36%).
Thổ Nhĩ Kỳ, một trong những quốc gia đông dân nhất ở châu Âu, đã giảm tỉ lệ sinh lớn nhất trong giai đoạn này: Giảm từ 2,38 vào năm 2001 xuống còn 1,7 vào năm 2021, tương ứng với mức giảm 29%. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đứng thứ 8 trong số 37 quốc gia có tỉ lệ sinh cao nhất.
Tỉ lệ sinh cũng giảm 24% ở Malta, 16% ở Phần Lan, 7% ở Bồ Đào Nha và 5% ở Hà Lan. Việc giảm tỉ lệ sinh hạn chế hơn ở Tây Ban Nha và Pháp (đều 3%), và ở Anh là 1%.
Năm 2021, độ tuổi trung bình của phụ nữ sinh con đầu lòng ở EU là 29,7 tuổi. Độ tuổi này đã tăng đều đặn trong những năm qua, từ mức 28,8 tuổi năm 2013.
Năm 2021, tuổi trung bình của phụ nữ khi sinh con đầu lòng cao nhất ở Italia và Tây Ban Nha, đều là 31,6 tuổi. Độ tuổi phụ nữ khi sinh con đầu lòng thấp nhất ở Bulgaria là 26,5 tuổi, tiếp đến là Albania (26,6 tuổi) và Thổ Nhĩ Kỳ (26,7 tuổi).
Độ tuổi trung bình của phụ nữ khi sinh con đầu lòng ở các quốc gia khác là: 31,2 tuổi ở Ireland, 31 tuổi ở Hy Lạp, 30,9 tuổi ở Anh và xứ Wales, 30,1 tuổi ở Đức và 29,1 tuổi ở Pháp.
Tỉ lệ sinh con của các bà mẹ người bản xứ và các bà mẹ nước ngoài khác nhau đáng kể trên khắp châu Âu. Con cái của các bà mẹ nước ngoài dao động từ 1% ở Serbia đến 65% ở Luxembourg. 
Năm 2021, tỉ lệ sinh con của các bà mẹ nước ngoài là 29% ở Đức, Anh và Thụy Điển, trong khi Pháp là 23%. 
Ngoài Serbia, tỉ lệ sinh con của các bà mẹ nước ngoài là 3% hoặc ít hơn ở Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Litva, Slovakia và Bulgaria.
Tỉ lệ sinh của các bà mẹ nước ngoài đã tăng ở hầu hết các nước EU từ năm 2013 đến năm 2021. Malta có mức tăng cao nhất là 22%, tiếp theo là Hy Lạp (6%) và Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Romania (đều 5%).
PV (theo laodong)

Bình luận (0)