Sau Tết, không ít bậc phụ huynh lo lắng và quan tâm đến việc tiêu xài tiền Tết của con. Thực tế, từ việc nhận thức được tính hai mặt của đồng tiền, nhiều bậc cha mẹ băn khoăn không biết nên dạy con thế nào trong việc dùng tiền, nhất là vào những ngày trong và sau Tết – khoảng thời gian mà các bé được nhận rất nhiều tiền lì xì từ việc người lớn mừng tuổi. Tất nhiên, ở độ tuổi tiểu học là thời điểm thích hợp giúp con bạn làm quen với cách chi tiêu khoa học.
Phụ huynh hãy cùng con có một kế hoạch chi tiêu cụ thể tiền lì xì ngày Tết. Ảnh: IT
Tiền Tết – tiêu sao cho phải?
Chị Thanh Hoài (buôn bán nhỏ ở Q.Thủ Đức, TP.HCM) tâm sự: “Mỗi dịp Tết đến và qua đi là tôi lại lo lắng đến việc tiêu xài của đứa con trai 12 tuổi. Mấy năm trước đây, cứ nhận được tiền lì xì ngày Tết, là nó đòi tự ý mua hết đồ chơi. Tôi bảo con cất giữ bớt để mua sách vở, áo quần vậy mà đâu lại vào đó. Cháu còn lý giải tiền đó là của con, cha mẹ không có quyền can thiệp. Tết qua đi là tiền cũng hết, không biết làm sao mà giúp nó hình thành kế hoạch quản lý và xài tiền Tết cho hợp lý”.
Chị Na Na (giáo viên mầm non, Q.7, TP.HCM) bày tỏ quan điểm dạy con lập kế hoạch tiêu tiền ngày Tết cho hai anh em đang học cấp II: “Trước tiên vợ chồng chúng tôi dạy cho con thấy tiền lì xì có ý nghĩa chủ yếu về mặt tinh thần. Các con phải biết chi tiêu sao cho hợp lý để xứng đáng với giá trị của nó. Hai đứa con tôi đều được toàn quyền quản lý số tiền mình nhận được. Nhưng chi tiêu vào việc gì là các con phải công khai bàn bạc với cả nhà. Tiền Tết các cháu nhận được chủ yếu là để tiết kiệm mua sách vở và đồ dùng học tập cho năm học. Ngoài ra các cháu còn bàn bạc với cha mẹ dùng số tiền còn lại để mua mấy món quà tặng ông bà, cha mẹ và người thân. Thỉnh thoảng các con được mua một số món ăn mà cháu thích. Chúng tôi thường dạy con biết chi tiêu một cách hợp lý và có ý nghĩa thiết thực những số tiền mình có”.
Cha mẹ cần biết!
Dạy con hiểu giá trị tiền bạc: Cần giáo dục trẻ cách sử dụng tiền bạc ngay từ nhỏ, để trẻ hiểu được giá trị của đồng tiền mà không hoang phí. Đồng thời qua đó, cha mẹ cũng dạy cho trẻ biết được ý nghĩa của việc mừng tuổi. Giúp trẻ nhận thấy giá trị tinh thần đẹp đẽ trong việc làm này. Hình thành cho trẻ cách ứng xử tinh tế, khéo léo khi bày tỏ sự cảm ơn đối với món tiền dù lớn hay nhỏ từ người đã lì xì. Các bậc cha mẹ đừng quá phiến diện cho rằng trẻ biết tiêu tiền đồng nghĩa với đua đòi và hư hỏng. Việc sử dụng đồng tiền có thể giúp bé phát triển trí thông minh, khả năng tính toán và quản lý cuộc sống. Chắc hẳn không ai đánh giá cao những đứa bé 12, 13 tuổi dù ngoan ngoãn nhưng lúng túng, bỡ ngỡ trong việc tự mua sắm vài món đồ dùng cho bản thân. Nó thể hiện sự thụ động, thiếu tự tin và yếu về kỹ năng sống. Việc làm cần thiết lúc này (khi bé có một số tiền trong tay) là phụ huynh khéo léo cùng trẻ vạch ra kế hoạch chi tiêu cho hợp lý.
Kỹ năng quản lý, cất giữ tiền: Cha mẹ hãy để trẻ tự quản lý một số tiền nhất định tùy theo hoàn cảnh từng gia đình. Tuy nhiên, tất cả việc cất giữ và tiêu xài của con phải nằm trong tầm kiểm soát của cha mẹ. Hãy hướng dẫn con quản lý tiền lì xì Tết bằng việc nuôi heo đất. Khi con có một số tiền kha khá, cha mẹ hãy định hướng cho con thấy rõ tiền của con có thể sinh lời và tăng lên nếu con gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng. Đây cũng là lúc dạy trẻ biết làm kinh tế, biết suy nghĩ về việc nâng cao kỹ năng tính toán phù hợp với lứa tuổi của mình.
Kỹ năng xài tiền hợp lý: Xài tiền thông minh là một bài toán khó không chỉ với trẻ em mà còn cả với người lớn. Do đó, dạy con làm chủ đồng tiền là một nghệ thuật. Không phải cứ thích gì cũng mua, mà phải có kế hoạch rõ ràng. Mỗi người sẽ có những phương pháp khác nhau, nhưng cần đảm bảo: Tết đến là khi con trẻ nhận được nhiều tiền và chúng tự cho mình “cái quyền” được mua các thứ tùy ý nó. Khi con cần mua những thứ chúng thích, bạn phải tư vấn cho con nên mua những thứ thật sự cần thiết và khuyến khích con mua bằng tiền để dành, nếu chưa đủ thì nói con tiếp tục tiết kiệm. Có như thế trẻ mới kiên nhẫn và hiểu được giá trị mỗi món đồ mình muốn có đều phải qua sự chắt chiu, không tự dưng mà có. Các bậc phụ huynh cần phải giúp trẻ cân đo, tính toán sao cho có lợi nhất cho bản thân (mua được hàng tốt nhất, giá cả phải chăng nhất). Thậm chí, cha hoặc mẹ có thể đưa trẻ đến các địa điểm bán hàng khác nhau để trẻ biết so sánh, đối chiếu rút ra những bài học kinh nghiệm trong việc mua bán. Điều đó sẽ kích thích kỹ năng suy tính của bé.
Cha mẹ chia sẻ cùng con việc giám sát chi tiêu: Cha mẹ trao đổi một cách chân tình, bình đẳng về cách sử dụng tiền của con. Đưa ra lời nhận xét, đánh giá cách chi tiêu của con là đúng hay chưa đúng với một thái độ tôn trọng, bình tĩnh để con tiếp thu, điều chỉnh. Chi tiêu hợp lý là một quá trình học hỏi nên cha mẹ cần kiên nhẫn định hướng cho con từng bước. Cha mẹ hãy là tấm gương trong việc quản lý và chi tiêu tiền một cách có khoa học. Không thể giáo dục con tiết kiệm trong khi cha mẹ hoang phí. Không thể dạy con làm chủ đồng tiền khi cha mẹ phụ thuộc, mù quáng vì tiền. Cha mẹ hãy là tấm gương để mỗi lời dạy con với việc mình làm không khập khiễng. Dù có dư dả, đừng tạo cho con cảm thấy đồng tiền dễ kiếm. Hãy nói cho con biết đồng tiền không tự dưng mà có mà do sự lao động vất vả. Trẻ có hiểu được giá trị đồng tiền thì mới biết trân trọng và chi tiêu đúng đắn. Suy cho cùng, các bậc phụ huynh phải khéo léo để con trẻ vừa thấy được ý nghĩa của việc lập kế hoạch tiêu tiền ngày Tết vừa thấy thoải mái, vui sướng khi nhận được những món tiền đầu năm. Kế hoạch tiêu tiền ngày Tết thực sự có ý nghĩa lớn trong giáo dục con trẻ. Hãy làm cho trẻ hiểu rõ giá trị của tiền bạc, nhất là tiền lì xì của người lớn, không làm nảy sinh tư tưởng so sánh đối với số tiền mừng tuổi. Trân trọng và biết ơn giá trị của tiền mừng tuổi nhưng đồng thời cần định hướng cho trẻ cách chi tiêu hợp lý, tránh lãng phí, ỷ lại vào cha mẹ. Cần chú ý không sử dụng số tiền này vào những trò chơi điện tử, bài bạc, cá độ… Phụ huynh hãy cùng con có một kế hoạch cụ thể ngày Tết về chi tiêu và thực hành tiết kiệm trong gia đình, trước hết cha mẹ phải làm gương cho con. Chia sẻ để giúp con trẻ hình thành được những kỹ năng quản lý, sử dụng một khoản tiền nhỏ hữu ích.
Lê Phạm Phương Lan
(Giảng viên Trường ĐH Nguyễn Huệ)
Bình luận (0)