Nếu nói tình nghệ sĩ thường mong manh, dễ đổ vỡ thì với vợ chồng nghệ sĩ nhân dân (NSND) Trần Ngọc Giàu – Đàm Loan là một minh chứng ngược lại. 40 năm hạnh phúc bên nhau, tên tuổi, sự nghiệp ngày càng thăng tiến. Nói về mái ấm gia đình của họ, bao lớp học trò cũng như đồng nghiệp đều trân trọng, ngưỡng mộ…
Vợ chồng NSND Trần Ngọc Giàu – Đàm Loan trong ngày cưới của con trai
Bạn đời cũng là bạn nghề
NSND – đạo diễn Trần Ngọc Giàu sinh năm 1959 ở Gò Công, Tiền Giang, ba là cán bộ kháng chiến, còn mẹ làm nghề buôn bán cá. Thời học phổ thông, ông đã làm kịch phong trào trong trường, tự chuyển thể truyện dài “Ngựa chứng trong sân trường” sang kịch, rồi tự dựng, tự diễn. Sau 1975, ông thi đậu vào Trường Nghệ thuật Sân khấu 2 (nay là Trường ĐH Sân khấu và Điện ảnh TP.HCM). Tốt nghiệp thủ khoa năm 1983, ông được trường giữ lại làm giảng viên. Suốt 40 năm qua, bên cạnh việc dạy học, NSND Trần Ngọc Giàu còn là một đạo diễn đắt show ở các kỳ hội diễn, liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Không chỉ dựng kịch nói, ông còn lấn sang cả cải lương, dân ca, tuồng, chèo, phim truyền hình, phim điện ảnh… Hiện tại, ông đảm nhận chức Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM.
NSND Đàm Loan tên thật là Đàm Thị Loan, sinh ra trong một gia đình nhà giáo ở Bắc Ninh, là bạn đồng môn của NSND Trần Ngọc Giàu ở Trường Nghệ thuật Sân khấu II. Đàm Loan có hơn 100 vai diễn, ao ước của bà là đi đến tận cùng tính cách của nhận vật, lột tả được số phận của từng nhân vật trên sân khấu. Với bà, diễn xuất là được sống, được sáng tạo và qua đó, không ngừng khám phá chính mình.
NSND Đàm Loan kể: “Trong số những người bạn cùng trường hồi ấy, anh Trần Ngọc Giàu học Khoa Đạo diễn là người gây cho tôi sự chú ý và quý mến, từ những lần trao đổi về môn học, về nghề nghiệp tương lai. Chúng tôi cùng có một cảm quan nghệ thuật, một nhân sinh quan tương đồng. Tuy nhiên, chúng tôi ít khi bộc lộ tình cảm của mình thành lời nói. Trong thời gian đầu khi mới quen và yêu nhau, chúng tôi cũng rất lặng lẽ trước mắt bạn bè. Tất cả những gì cần bày tỏ đã được gửi gắm vào những quyển sổ trao đổi giữa hai người. Năm 1983, tôi và anh Giàu chính thức cưới nhau…”.
NSND Trần Ngọc Giàu – Đàm Loan và NS Hoài Linh
Không chỉ là vợ chồng, ông bà còn là bạn nghề của nhau. Lúc này, cả Đàm Loan và Trần Ngọc Giàu đều hoạt động chung trong Đoàn nghệ thuật Sân khấu trẻ. Những lúc làm việc chung với chồng, Đàm Loan thường bổ sung các mảng miếng do ông đề ra bằng việc tô đắp, xây dựng tính cách, tạo nên ấn tượng của nhân vật. Còn với những vai không phải do chồng đạo diễn, bà luôn nhận được sự động viên, sự đồng cảm của ông. Chính tình yêu giúp Đàm Loan vượt qua được những khó khăn, những giới hạn của mình để sống cho lĩnh vực nghệ thuật vốn không có giới hạn cho sự thăng hoa ở mỗi lúc, mỗi nơi.
Dù tình yêu sân khấu thật sâu đậm nhưng Đàm Loan vẫn đảm đương phần lớn công việc gia đình để chia sẻ công việc cực nhọc của chồng, để ông yên tâm tập trung làm nghề. Khi hai con còn nhỏ, bà thường sắp xếp việc nhà sao cho ổn thỏa thì mới yên lòng.
Thời gian từ 1986-1989, một loạt vai diễn hay của Đàm Loan trong các vở kịch truyền hình do Trần Ngọc Giàu làm đạo diễn đã khiến bà được chú ý thêm trong làng sân khấu. Nhưng có thể nói rằng, khả năng diễn xuất của Đàm Loan càng bộc lộ trên sân khấu Đoàn kịch nói TP như “Bước qua lời nguyền” – đạo diễn Trần Ngọc Giàu, “Bến bờ xa lắc” – đạo diễn Trần Ngọc Giàu, “Bão không mùa” – đạo diễn Trần Ngọc Giàu… Đàm Loan bày tỏ: “Tôi rất thích được thử sức ở nhiều loại vai khác nhau. Thú vị lắm khi mình được vào những vai do chính ông xã làm đạo diễn, nhất là những vai diễn này đều giúp tôi đoạt được huy chương vàng trong các mùa hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc”.
Hạnh phúc không có “chuẩn” chung
Gia đình nghệ sĩ Đàm Loan – Trần Ngọc Giàu ở Q.5, TP.HCM. Trong nhà có nhiều sách quý, hoa cảnh. Ông bà đã dành toàn bộ diện tích lan can ở phòng khách để trồng cây, trồng hoa. Đó thực sự là một khu vườn xinh xắn và tươi tốt, nơi thư giãn của hai người làm nghệ thuật.
Trong ngôi nhà đó, “tác phẩm” mà anh chị hài lòng nhất chính là hai đứa con, một trai, một gái. Con trai đầu Trần Công Ninh sinh năm 1987, tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh tại Úc, hiện tại theo nghề viết kịch bản phim, là tác giả của phim truyền hình “Mùi hoa dại” và hai phim truyện nhựa “Năm sau con lại về”, “Quý tử bất đắc dĩ”. Còn con gái Trần Thi Ca (sinh năm 1991) theo học ngành dược, hiện làm việc ở Mỹ.
Bà tâm sự: “Con cái của nghệ sĩ rất thiệt thòi. Tôi còn nhớ khi hai con còn nhỏ, chúng thường thức rất khuya để chờ ba mẹ đi diễn về. Một lần, anh Giàu có việc phải về rất trễ, hai con chờ mãi không thấy ba về đã làm một bài thơ trách ba đừng về muộn, sáng hôm sau dán vào xe của ba… Đó là những kỷ niệm dễ thương của hai con và cũng là nỗi lòng của vợ chồng tôi. Vì thế, chúng tôi phải có giải pháp “bù trừ” để vợ chồng có nhiều thời gian bên con hơn, đó là sắp lịch lệch ngày nhau, đi xem hát, xem phim, kịch đều phải… chia lượt…”.
NSND Trần Ngọc Giàu – Đàm Loan cùng các học trò của mình
Nói về vợ, đạo diễn Trần Ngọc Giàu tâm sự: “Trước kia tôi không muốn lấy vợ là diễn viên vì sợ không có ai chăm lo cho gia đình. Nhưng từ khi gặp Đàm Loan, cô ấy đã làm tôi thay đổi. Thả cô ấy lên sân khấu như thả con cá xuống nước, tha hồ vùng vẫy. Nhưng khi rời ánh đèn sân khấu trở lại đời thường, cô ấy lập tức “vào vai” một người mẹ đảm đang của hai đứa con ngoan và học giỏi”.
Nói về gia đình, NSND Trần Ngọc Giàu – Đàm Loan cười sảng khoái và nhắc lại mấy câu thơ trong bài “Chữ Nhàn” của cụ Nguyễn Công Trứ: Tri túc tiện túc, đãi túc, hà thời túc?/ Tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn? (Biết đủ là đủ, đợi cho đủ thì bao giờ mới đủ?/ Biết nhàn là nhàn, đợi cho nhàn thì bao giờ mới nhàn?). Nôm na, nhà có hai vợ chồng có tiếng tăm, được xã hội công nhận và trọng vọng, có hai con có ý thức học hành, có chí tự lập không bị áp lực hay dựa dẫm vào sự nổi tiếng của bố mẹ, gia đình không quá khổ sở về tài chính, như vậy là đủ, là nhàn, là hạnh phúc! Ông bà cho rằng, hạnh phúc là cái người ta cảm nhận riêng, không có “chuẩn” chung cho mọi gia đình.
Hoàng Thuận
Bình luận (0)