Có kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm quản lý, vốn… là chưa đủ để khởi nghiệp. Ngược lại, các starup cần phải được hỗ trợ kết nối, chia sẻ thông tin và hợp tác đầu tư mở rộng thị trường.
Giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp tại Chợ phiên khởi nghiệp do BSA tổ chức
Đó là khẳng định của các chuyên gia khởi nghiệp tại Hội thảo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với chủ đề “Chia sẻ nguồn lực – Kết nối thông tin” do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức cuối tuần qua.
Cơ hội nhiều, khó khăn không ít
Theo các chuyên gia, hiện nay lĩnh vực nông nghiệp đang được các starup trẻ quan tâm đầu tư khởi nghiệp, trong đó chú trọng sản xuất kinh doanh từ sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của địa phương. Tuy nhiên, cơ hội thì nhiều nhưng khó khăn cũng không ít. Trước băn khoăn của các starup về khó khăn gặp phải trong khởi nghiệp từ sản phẩm nông nghiệp của địa phương, bà Vũ Kim Hạnh (Giám đốc BSA) nhận định, các bạn trẻ có ý tưởng táo bạo, thực tế và có tầm nhìn nhưng chưa được đầu tư đúng mức. Đây là lý do sản phẩm của họ khó bám trụ trên thị trường, thậm chí “chết yểu”.
Đầu tư, theo bà Hạnh, đó là đầu tư để tăng tốc khởi nghiệp khi dự án đã hình thành. Không ít dự án đã triển khai một thời gian nhưng phải dừng lại vì không tìm được nguồn vốn. Từ thực tế đó, BSA đang nỗ lực để chia sẻ thông tin và kết nối nguồn lực để hỗ trợ các dự án, đặc biệt là dự án khởi nghiệp từ sản phẩm nông nghiệp bản địa có thế mạnh chinh phục thị trường trong và ngoài nước. “Nếu không được hỗ trợ là rất uổng bởi đó hầu hết là các dự án tiềm năng. Khởi nghiệp từ nông nghiệp công nghệ cao đã phát triển mạnh ở nhiều nước. Việt Nam có hơi chậm mà nguyên nhân chính là do các bạn trẻ chưa được quan tâm, hỗ trợ kịp thời. Nhằm hỗ trợ các bạn trẻ khởi nghiệp, từ năm 2019, chúng tôi sẽ có 3 chương trình lớn là số hóa, đưa công nghệ vào sản xuất kinh doanh; chuẩn hóa các loại giấy chứng nhận sản phẩm ra thị trường nước ngoài và chinh phục thị trường”, bà Hạnh nói.
Bà Hạnh cũng lưu ý việc khởi nghiệp theo phong trào là không nên mà cần có sự khác biệt, trong đó chú ý đến lợi ích của cộng đồng. Phong trào khởi nghiệp – cũng không nên gọi như thế bởi làm theo phong trào thì sẽ thất bại.
Trong khi đó, đại diện cơ sở sản xuất Ba Tre (xã Phú Cường, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) đánh giá cao sự hỗ trợ, kết nối chia sẻ thông tin của các chuyên gia và diễn đàn khởi nghiệp. Từ những khó khăn ban đầu, đến nay sản phẩm khởi nghiệp từ sen của cơ sở đã phân phối tại một số tỉnh/thành dù không lớn nhưng có thể trụ được. Để có thành quả như hôm nay là nhờ sự kết nối, chia sẻ thông tin từ các chuyên gia khởi nghiệp, các diễn đàn…
Làm thuê với tâm thế của… người làm chủ
“Hiện nay các bạn trẻ khởi nghiệp chưa đầu tư đúng mức về công nghệ trong khi đó là yếu tố mấu chốt để nâng cao giá trị sản phẩm, có thể cạnh tranh trên thị trường. Chính vì quá dễ dãi với chính mình nên các starup thường thất bại”, ông Huỳnh Kim Tước nói. |
Nguyễn Hồ Hải Phương (sinh viên năm cuối Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM) chia sẻ bản thân muốn khởi nghiệp ngay sau khi ra trường nhưng chưa tự tin khi vốn rất ít. Ông Nguyễn Lâm Viên (Giám đốc Công ty CP Vinamit) cho rằng vốn là một cản trở lớn đối với khởi nghiệp nhưng nó chưa phải là yếu tố đáng lo ngại bởi có thể khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng. Theo đó, cần có 5 tư duy khi khởi nghiệp là: làm việc khó, săn lùng cơ hội, đầu cơ/đầu tư, sở hữu và vì lợi ích cộng đồng. “Để khởi nghiệp thành công, các em cần dành nhiều thời gian làm việc để trải nghiệm, nơi nào càng khó khăn thì càng nên làm và làm công trong suy nghĩ, tính toán của người làm chủ”, ông Viên khuyên.
Ông Phạm Dũng Nam (đại diện Bộ KH-CN) khẳng định: “Chính phủ đã và đang có nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Triển khai Đề án 844 của Bộ KH-CN, chúng tôi cố gắng đến năm 2020, doanh nghiệp trực tiếp và gián tiếp thụ hưởng đề án thu hút đầu tư 1.000 tỷ đồng. Đây là cơ hội vàng để starup cả nước phát triển dự án khởi nghiệp”. Bên cạnh đó, ông Nam cũng đề cập đến vai trò của truyền thông về văn hóa khởi nghiệp, hàng lang pháp lý… để starup tiếp cận thị trường một cách thuận lợi nhất.
Trả lời câu hỏi của sinh viên về những điều kiện cần để khởi nghiệp, ông Trần Anh Tuấn (Giám đốc Công ty Tư vấn thương hiệu The Pathfinder) khẳng định: Ngoài kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm quản lý… thì công nghệ góp phần không nhỏ cho thành công của khởi nghiệp. Trong khi đó, ông Huỳnh Kim Tước (Giám đốc điều hành Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, Sở KH-CN TP.HCM) cho biết ý tưởng khởi nghiệp dù có đột phá, độc đáo đến đâu mà thiếu sự đầu tư về công nghệ để nâng cao giá trị sản phẩm thì cũng khó mà mang lại thành công.
T.Anh
Bình luận (0)