Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Rào Trăng, một ngày tang tóc

Tạp Chí Giáo Dục

Đến 22 giờ tối qua 15.10, thi thể nạn nhân cuối cùng trong nhóm 13 cán bộ tham gia cứu nạn tại khu vực thủy điện Rào Trăng 3 đã được đưa về đến Bệnh viện Quân y 268 (Thừa Thiên-Huế). 
Xe chở thi thể những nạn nhân cuối cùng tại trạm bảo vệ rừng 67 về Bệnh viện Quân y 268 vào tối 15.10	 /// ảnh: Ngọc Dương
Xe chở thi thể những nạn nhân cuối cùng tại trạm bảo vệ rừng 67 về Bệnh viện Quân y 268 vào tối 15.10. ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Mọi hy vọng giờ chỉ còn đổ dồn vào hiện trường thứ 2, nơi nhóm công nhân thủy điện vẫn đang mất tích.
Tối qua 15.10, rất đông người dân cố đô Huế nghẹn ngào, buồn bã nhìn cảnh những chuyến xe chuyên dụng mở đường đưa thi thể các thành viên đoàn công tác gặp nạn tại tiểu khu 67 (H.Phong Điền) về Bệnh viện Quân y 268 (P.Thuận Lộc, TP.Huế, Thừa Thiên-Huế). Khi những tia hy vọng cuối cùng lịm tắt, nhiều người dân địa phương lặng lẽ đứng chờ ở góc đường Đào Duy Từ – Cửa Trài (TP.Huế), ngay trước cổng dẫn vào Bệnh viện Quân y 268, để “đón” nạn nhân.
Rào Trăng, một ngày tang tóc
Hiện trường tìm kiếm nạn nhân. ẢNH: CTV

Chạy đua với thời gian
Ngay từ sáng sớm 15.10, tiến độ tìm kiếm nạn nhân tại khu vực tiểu khu 67 và thủy điện Rào Trăng 3 được đẩy nhanh.
Khẩn trương tìm kiếm công nhân mất tích
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có Công điện về việc cứu nạn, khắc phục hậu quả sạt lở đất tại tiểu khu 67 và thủy điện Rào Trăng 3 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Công điện nêu rõ, đến ngày 15.10, theo báo cáo của Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, các lực lượng chức năng đã tìm thấy 13 thi thể cán bộ, sĩ quan, chiến sĩ của đoàn công tác hy sinh tại khu vực Trạm quản lý bảo vệ rừng 67 và một thi thể công nhân của thủy điện Rào Trăng 3.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất đến gia đình, thân nhân các cán bộ, sĩ quan, chiến sĩ hy sinh và công nhân bị tử nạn.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Quốc phòng, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế và các cơ quan, địa phương, đơn vị liên quan tổ chức, thực hiện tốt việc thăm hỏi, động viên, thực hiện chế độ chính sách tốt nhất đối với cán bộ, sĩ quan, chiến sĩ và hậu phương gia đình, thân nhân của các cán bộ, sĩ quan, chiến sĩ đã hy sinh và các công nhân bị tử nạn, nhất là các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời chuẩn bị các phương án tổ chức lễ tang đảm bảo trang trọng, chu đáo.
Các bộ Quốc phòng, GTVT, Y tế, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế và các bộ, ngành liên quan tiếp tục chỉ đạo lực lượng khẩn trương tìm kiếm những công nhân còn đang mất tích tại khu vực thủy điện Rào Trăng 3, khẩn trương đưa những người đang bị mắc kẹt do địa hình bị chia cắt ra khỏi nơi nguy hiểm, kịp thời đảm bảo lương thực, thực phẩm, thuốc men, cứu chữa những người bị thương và thực hiện tốt việc đảm bảo vệ sinh môi trường; bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người và phương tiện của lực lượng tìm kiếm cứu nạn…
TTXVN

Đầu giờ sáng, Bộ Quốc phòng đã họp trực tuyến với Sở Chỉ huy tiền phương tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn do thượng tướng Phan Văn Giang, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, chủ trì. Tại hiện trường, từ 6 giờ công tác tìm kiếm được triển khai dưới sự chỉ đạo trực tiếp của trung tướng Nguyễn Trọng Bình (Phó tổng tham mưu trưởng Bộ Tổng tham mưu), trung tướng Nguyễn Doãn Anh (Tư lệnh Quân khu 4), Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ… Có đến 26 cơ quan, đơn vị tham gia; số lượng nhân sự lên đến 479 người. Các lực lượng hạ quyết tâm “tiếp cận và đưa các nạn nhân ra khỏi vùng sạt lở một cách nhanh nhất”, kể cả tìm kiếm xuyên đêm, để tránh đợt mưa bão dự kiến đổ bộ vào miền Trung từ ngày hôm nay (16.10)…

Ở nhánh đường thủy, lực lượng cứu hộ không bỏ sót bất cứ dấu hiệu liên quan nào tại khu vực nhà điều hành, lán trại. Nhiều ca nô, ghe thuyền cấp tập tìm kiếm dưới lòng hồ, suối. Nhánh đường thủy do lực lượng công an, lực lượng cứu hộ PCCC với khoảng 50 dân quân và người dân của xã Hương Bình được huy động. Các đò máy cũng mở cuộc dò tìm… Tất cả đều không có manh mối.
Mãi đến 10 giờ 47 phút, thi thể đầu tiên được phát hiện. Cả buổi chiều, những chuyến xe cứu thương liên tục ra vào khu vực rừng núi Phong Xuân. Đến 19 giờ 20, thi thể thứ 13 được tìm thấy…
Trong 13 cán bộ đoàn cứu nạn gặp nạn có ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND H.Phong Điền (Thừa Thiên-Huế). Sáng 10.10, PV còn gọi điện cho ông để kết nối chương trình cứu trợ khẩn cấp của báo tới người dân vùng lũ xã Phong Thu. Ông Bình đã giao ông Đoàn Văn Lai (Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ H.Phong Điền) lập danh sách các hộ nghèo khó khăn bị ngập lũ nặng. Khi xảy ra sự cố sạt lở Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, ông cùng đoàn cán bộ quân đội lên đường đi cứu nạn, và rồi… Nỗi đau ập đến với gia đình ông Bình có lẽ lớn hơn, khi vị cán bộ 42 tuổi mới vừa nhậm chức Chủ tịch UBND H.Phong Điền đúng 1 tháng 12 ngày.
Nghe tin ông Bình hy sinh, chiều qua (15.10) rất nhiều cán bộ của Huyện ủy và UBND H.Phong Điền đã đến trước cổng Bệnh viện Quân y 268, chờ các chuyến xe chuyên dụng đưa thi thể từ trên rừng xuống, để tiễn biệt. Nhưng nỗi đau thật khó vơi bớt khi nhiều cán bộ quân đội khác, trong đó có cả thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó tư lệnh Quân khu 4, cũng đã vĩnh viễn ra đi…
Rào Trăng, một ngày tang tóc
Hiện trường tìm kiếm nạn nhân. ẢNH: CTV
Mở đường tới Rào Trăng 3
Từ sáng 15.10, trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an, đã gặp và trao đổi công việc khẩn cấp cùng Sở Chỉ huy tiền phương đóng tại xã Phong Xuân. Các phương án cứu nạn, cứu hộ tại thủy điện Rào Trăng 3 được đặt ra. Thượng tá Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết trong khi tuyến đường bộ cứu hộ cứu nạn do lực lượng quân đội chủ công khơi thông tuyến do sạt lở nghiêm trọng để tìm kiếm những người mất tích (trong đó có 13 cán bộ ở Trạm kiểm lâm 67), thì những ngày qua lực lượng công an cũng vượt qua hiểm nguy, nỗ lực tiếp cận hiện trường bằng đường thủy. Thêm 25 người được đưa ra bên ngoài, trong đó có 5 công nhân bị thương.
Thủy điện Rào Trăng 3 là “mặt trận” thứ 2 đang thu hút lực lượng cứu nạn, nơi đang có 16 công nhân thủy điện vẫn đang mất tích (không kể 1 thi thể đã được phát hiện). Nơi đây cách hiện trường 13 cán bộ cứu nạn thiệt mạng khoảng 12 km. Trưa qua, trung tướng Nguyễn Văn Sơn, khi khảo sát ở đường 71 dẫn lên thủy điện Rào Trăng 3, cũng là nơi có Trạm kiểm lâm 67 bị đất đá sạt lở vùi lấp, nhận thấy địa hình rất hiểm trở, nhiều điểm tiềm ẩn nguy cơ về sạt lở và sẽ khó khăn hơn nếu mưa lớn tiếp tục trút xuống Rào Trăng. Mối lo càng gia tăng cho số mạng các công nhân gặp nạn, khi công trường bị tàn phá nghiêm trọng sau lũ, lại mất thông tin liên lạc. Mưa lớn tiếp tục đe dọa sự an toàn của lực lượng cứu hộ…
Rào Trăng, một ngày tang tóc
Lực lượng chức năng tiếp cận hiện trường thủy điện Rào Trăng 3 bằng đường thủy sáng 15.10. ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Hôm qua, các mũi cứu nạn đã tìm mọi cách khắc phục hệ thống giao thông vào thủy điện Rào Trăng 3. Theo thông tin từ UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, trước đó, các đơn vị vận chuyển tiếp tế khoảng nửa tấn thực phẩm cho thủy điện A Lin B2, Rào Trăng 4 và Rào Trăng 3. Các đơn vị tiếp tục vận chuyển lương thực bằng đường không, đường thủy vào các khu vực bị cô lập.
Theo ông Phan Thiên Định, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, khu vực tìm kiếm rất rộng lớn nên lực lượng cứu hộ tập trung ở những khu vực nghi vấn, nhất là dọc các con sông. Mũi thi công ở đường 71 đã tập trung để thực hiện mục tiêu thông đến thủy điện Rào Trăng 3 . Về tình hình tại thủy điện Rào Trăng 3, ông Định cho hay lực lượng chức năng chỉ để lại những bộ phận cần thiết nhằm vận hành thủy điện cũng như bảo quản các tài sản. Riêng tại khu vực thủy điện Rào Trăng 4, các lực lượng tập trung về đây “nơi được đánh giá là an toàn nhất” để ngăn ngừa, hạn chế rủi ro khi có điều kiện thời tiết bất lợi xảy ra.
Danh sách 13 cán bộ đoàn công tác hy sinh
1. Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó tư lệnh Quân khu 4
2. Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Phó cục trưởng Cục Cứu hộ – Cứu nạn, Bộ Quốc phòng
3. Trung tá Bùi Phi Công, Phó chủ nhiệm Hậu cần Quân khu 4
4. Trung tá Nguyễn Tiến Dũng, Phó trưởng phòng Tác chiến Quân khu 4
5. Thượng tá Hoàng Mai Vui, Phó trưởng phòng Xe máy – Cục Kỹ thuật Quân khu 4
6. Trung tá Lê Tất Thắng, Phó lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn Thông tin 80, Quân khu 4
7. Trung tá Trần Minh Hải, Phó tham mưu trưởng, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên-Huế
8. Đại úy Tôn Thất Bảo Phúc, Trưởng ban Công binh, Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên-Huế
9. Đại úy Nguyễn Cảnh Cường, Đại đội trưởng Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Thông tin 80, Quân khu 4
10. Thượng úy Quân nhân chuyên nghiệp Đinh Văn Trung, Đài trưởng 15W, Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Thông tin 80, Quân khu 4
11. Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Trương Anh Quốc, nhân viên Điệp báo chiến dịch, Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên-Huế
12. Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND H.Phong Điền, Thừa Thiên-Huế
13. Ông Phạm Văn Hướng, Trưởng phòng Thông tin – Tuyên truyền, Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên-Huế.
(Nguồn: Bộ Quốc phòng)

Theo TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)