Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, đề thi tuyển sinh lớp 10 THPT môn văn tại TP năm nay cơ bản giống với đề thi năm 2018. Như vậy, về cấu trúc, thang điểm và thời gian làm bài không thay đổi so với năm trước.
Thí sinh vui vẻ ra về sau buổi thi môn văn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT tại TP.HCM năm 2018. Ảnh: N.Trinh
Đề thi gồm 3 câu: đọc hiểu văn bản, làm văn xã hội và nghị luận văn học. Ở câu nghị luận văn học, học sinh được lựa chọn 1 trong 2 câu: câu có sự tích hợp giữa 2 hoặc 3 tác phẩm văn học; hoặc câu tích hợp giữa văn học và xã hội. Ngoài ra đề còn có sự tích hợp với kiến thức của nhiều môn học khác từ tự nhiên cho đến xã hội. Sự tích hợp này chủ yếu nằm ở câu hỏi đọc hiểu văn bản và câu nghị luận xã hội. Tuy nhiên, sự tích hợp này chỉ mang tính ứng dụng, không hề đánh đố vì khá đơn giản, học sinh không cần phải ôn luyện quá sâu vào các bộ môn khác này. Vì vậy, học sinh không nên quá lo lắng, hoang mang.
Đề thi 2 năm trước đây như thế nào?
Để giúp học sinh có cái nhìn cụ thể, dưới đây là phân tích của chúng tôi về đề thi 2 năm liền kề trước đây.
Đề thi năm 2017: Đề có 2 trang, gồm 3 câu hỏi, hợp lý từ cấu trúc, thang điểm cho đến nội dung, yêu cầu. Đề không có gì đánh đố, bất ngờ, vừa sức và đảm bảo tính phân loại học sinh với nhiều câu hỏi mở nhằm chủ yếu đánh giá kỹ năng của các em. Ở câu 1 (3,0 điểm), mặc dù đề cho 2 văn bản bàn về sự ngưỡng mộ thần tượng và nỗ lực vượt qua thần tượng (nguồn từ báo Thanh niên và Tuổi trẻ), song không quá dài, quá khó. Học sinh dễ trả lời đúng các câu a, b và c. Câu d có yêu cầu khá thoáng, học sinh chỉ cần có một chút quan sát xã hội là dễ dàng có 0,5 cho đến 1 điểm. Câu 2 (3,0 điểm) đề cho khá đơn giản, nhưng bàn về biểu hiện, thái độ sống của cá nhân trước cộng đồng là “Tuổi trẻ có cần sống khác biệt?”, nên có ý nghĩa thời sự, gần gũi với học sinh, vì thế tạo được hứng thú cho các em khi làm bài. Tuy thế, bài làm của học sinh khó đạt điểm cao nếu triển khai phiến diện theo một hướng “cần” hoặc “không cần”. Yêu cầu ở đây là phải biết dung hòa cả hai thái độ sống.
Câu 3 (4,0 điểm) cho học sinh được quyền lựa chọn 1 trong 2 đề. Nếu học sinh chọn đề 2 thì cả bài làm chỉ thuần bàn về các vấn đề xã hội. Hầu hết các em chọn đề 1, vì quen thuộc khi học ôn và khá dễ hơn đề 2.
Đề thi 2018: Nếu đề thi năm 2017 được cho là hay, thì theo nhận xét của nhiều giáo viên, đề thi năm 2018 có phần thiết thực hơn. Theo đó, đề thi hướng đến những vấn đề hết sức thực tế của cuộc sống. Đó là hiện tượng rác thải nhựa ảnh hưởng đến môi trường sống, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong bối cảnh xã hội hiện tại, sự trải nghiệm của việc đọc tác phẩm văn học. Điểm hấp dẫn của đề thi làm cho học sinh thích thú khi làm bài là ở chỗ các câu hỏi có tính gợi mở, kích thích các em thể hiện suy nghĩ của bản thân mình. Nên hầu hết học sinh đều làm khá tốt.
Đề tăng câu hỏi được lựa chọn cho học sinh khi làm bài (câu 2 và câu 3), vì vậy sẽ đánh giá được nhiều suy nghĩ, chính kiến cá nhân của các em hơn. Và đáp án chấm cũng sẽ linh hoạt, gợi mở hơn. Đề phù hợp với đối tượng học sinh trung bình để có thể dễ dàng lấy được 5,5 – 6 điểm. Song đề cũng có tính phân loại cao ở nhiều câu hỏi.
Nhìn chung đề văn hay, có nhiều hình ảnh minh họa thú vị tạo được hứng thú cho học sinh khi làm bài, bàn về nhiều vấn đề có ý nghĩa xã hội và giáo dục sâu sắc với giới trẻ.
Các lỗi nào học sinh cần tránh?
Trong các lần chấm thi tuyển sinh lớp 10, giám khảo bắt gặp những lỗi phổ biến sau: Ở phần đọc hiểu, học sinh thiếu kỹ năng phân tích đề thi. Thiếu ý thức phải trả lời thành các ý gạch đầu dòng hay viết thành đoạn văn. Lỗi thường gặp ở phần này là hoặc học sinh trả lời sơ sài, qua quýt, không đủ ý theo yêu cầu đáp án, hoặc quá lan man, quá dài dòng. Cần nhớ nữa là, năm nay văn bản đọc hiểu có thể là một môn học khác, tuy nhiên cốt lõi của việc làm bài vẫn là kỹ năng đọc hiểu. Vì vậy không nên quá sa đà vào kiến thức của nó sẽ mất thời gian và lạc đề.
Với câu nghị luận xã hội (viết khoảng 1 trang giấy thi), do cách yêu cầu vô cùng phong phú và đa dạng (như bàn luận về một ý kiến, đưa ra một mẩu truyện, một bài báo, thậm chí là một bức tranh minh họa…), vì vậy nhiều học sinh hiểu sai, xác định sai vấn đề dẫn đến bài làm lạc đề. Nhiều bài làm thiếu sự giải thích thấu đáo. Quan điểm, chính kiến thiếu xác đáng, thuyết phục. Không làm chủ về thao tác lập luận, thiếu dẫn chứng thuyết phục. Hoặc là không rút ra bài học gì ý nghĩa cho xã hội, cho bản thân.
Ở câu nghị luận văn học, do đề có tính tích hợp nên nhiều học sinh mất điểm do bố cục bài làm thiếu hợp lý. Phần so sánh, nhận xét, đánh giá rút ra kết luận từ vấn đề tích hợp chưa sâu, nên chưa làm rõ được vấn đề. Nhiều học sinh mất điểm ở các mặt, như: què cụt trong cấu trúc bài làm; chưa làm rõ được luận đề; thiếu sáng tạo về dùng từ, đặt câu, dẫn chứng liên hệ; và lỗi về chữ viết, chính tả…
Với những lưu ý về các lỗi trên, mong là sẽ giúp các em học sinh có kinh nghiệm để làm bài hiệu quả trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 sắp tới.
Trần Ngọc Tuấn
(Trường THPT Tây Thạnh, TP.HCM)
Bình luận (0)