Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Chất lượng để làm gì?

Tạp Chí Giáo Dục

Tiễn phụ huynh ra về xong, thầy Hiệu trưởng ngồi thừ suy nghĩ. Không ngờ cô giáo Tâm bây giờ đổi khác nhiều quá! Cô bị phản ánh nhiều lần đánh học sinh, và lần này thì cô đánh một học sinh không làm bài chỉ vì cha vừa mới mất. Cô đã quên đi bước tìm hiểu kỹ hoàn cảnh học sinh, kiên trì với những em học yếu, để có sự cảm thông, dẫn đến hành động thiếu tình người như trường hợp vừa rồi… Còn đâu hình ảnh một cô giáo xinh đẹp dịu hiền, dễ mến ngày nào!

Hồi mới về trường, cô thường mặc chiếc áo dài trắng, trông rất thánh thiện. Qua ba năm giảng dạy, cô đã đào tạo nhiều học sinh giỏi môn văn và giảm tỉ lệ học sinh yếu kém ở các lớp. Học sinh yếu nào học cô là được rèn luyện kỹ năng viết văn, từ viết đúng đến viết hay. Vậy mà gần đây, hầu như tháng nào ông (hiệu trưởng nhà trường) cũng tiếp phụ huynh phản ảnh thái độ cư xử nóng nảy, đánh mắng học sinh của cô. Tệ hơn nữa, nhiều phụ huynh còn lên án cô dùng thủ thuật để lôi kéo học sinh về nhà dạy thêm. Phải chăng kết quả ấy, thành tích lẫy lừng ấy đã được xây trên cái nền tảng như vậy? Hèn chi, ông nghe học sinh gán cho cô một cái tên độc là “bà la sát!”…  Vì đâu nên nỗi? Ông từng nghe cô nói: “Cần phải nghiêm khắc với học sinh để đạt chất lượng”. Chất lượng là cần thiết nhưng chất lượng để làm gì khi mà nhà trường phải bị mang tai tiếng, phụ huynh thưa kiện, học sinh bất mãn hở cô giáo? Có yên ổn lương tâm không khi cô nói vì chất lượng, trong khi nhiều phụ huynh lại cho rằng cô vì tiền. Vì tiền nên cô o ép con em họ học thêm! Tên cô là Tâm mà sao cô ác tâm thế? Ông cũng nhận thấy cần xem lại phong trào thi đua của trường. Có lẽ đây là mấu chốt của vấn đề. Chỉ tiêu thi đua của trường căn cứ vào chất lượng đã vô tình biến giáo viên thành những “cua rơ” chạy theo thành tích mất rồi! Vì nôn nóng đạt chất lượng mà một số giáo viên đã cư xử không thấu tình, đạt lý, đã o ép học sinh học thêm.

Đúng lý ra, ông không nên cho cô gặp trực tiếp phụ huynh như vừa rồi mới phải! Vì ông biết chắc rằng phụ huynh đang nóng giận sẽ có những lời lẽ không hay. Và ông không muốn giáo viên bị tổn thương. Nhưng đã nhiều lần ông “bao che” rồi mà vẫn chưa thấy cô sửa sai, nên lần này, ông buộc phải cho cô đối mặt với phụ huynh để được nghe phụ huynh nói lời thật và thấy rõ hậu quả việc cô làm.  Lời thật có thể mất lòng, nhưng thà cho đau một lần. Hy vọng qua lần này cô giáo sẽ sửa. Ông mong mỏi cô Tâm luôn là một giáo viên có tâm.

An Nhiên

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)