Việt Nam là một quốc gia biển. Việc giáo dục các kiến thức liên quan đến biển, đảo như lịch sử chủ quyền, tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch biển, đảo, quốc phòng an ninh biển, đảo là việc làm hết sức cần thiết. Hiện những nội dung này đã được triển khai ở hầu khắp các cấp học trong khung chương trình giáo dục hiện hành để giúp học sinh, sinh viên có những nhận thức đúng đắn, kịp thời về biển, đảo quê hương. Tuy vậy, các hoạt động giáo dục này vẫn chưa có được hiệu quả cao như mong đợi, mà một trong những nguyên nhân chính là do phương thức tổ chức còn đơn điệu, thiếu đa dạng hóa trong cách thức truyền tải thông tin, kiến thức. Ở một góc độ nhất định, có thể nói nội dung giáo dục biển, đảo vẫn chưa phong phú, chưa có trọng tâm, trọng điểm, để thu hút sự quan tâm của học sinh, sinh viên. Các nội dung tổ chức còn rập khuôn, thiếu tính sáng tạo, dường như năm sau làm lại như năm trước. Thiết nghĩ, công tác này cần được quan tâm đổi mới hơn nữa.
Về phía người dạy, một mặt một số thầy cô chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc và chú trọng đúng mức đến công tác tuyên truyền, giáo dục về phát triển bền vững biển, đảo và vấn đề chủ quyền của Việt Nam. Khi không xem trọng đúng mức công tác giáo dục biển, đảo sẽ dẫn đến thái độ triển khai kiểu phong trào, hời hợt, lấy lệ. Mặt khác, đội ngũ giảng dạy ở một số nơi còn yếu về chất lượng, chưa nâng cao trình độ kiến thức về biển, đảo. Thế nên, trong quá trình giảng dạy gặp lúng túng khi giải đáp các thắc mắc của người học về những thông tin pháp luật biển, đảo, các thông tin chủ quyền biển, đảo… Cuối cùng, một số địa phương không có biển, đảo chưa chú ý nhiều đến công tác giáo dục vấn đề này. Đây là một quan điểm hết sức nên tránh. Việc tăng cường giáo dục truyền thống lịch sử, tinh thần yêu nước, ý thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với biển, đảo của Tổ quốc là hoạt động cần thiết tổ chức ở bất kỳ địa phương nào.
Trần Xuân Tiến
(Trường ĐH Văn Hiến)
Bình luận (0)