Đã từ lâu, đại đa số người dân tại các đô thị có thói quen là hễ cứ đi công viên vui chơi, luyện tập thể thao là… dẫn chó đi theo. Việc dẫn chó ra công viên với những con chó có dây xích mà chủ cầm dây dẫn không rời, và có rọ mõm thì còn có thể tạm chấp nhập được. Thế nhưng, việc để chó không đeo rọ mõm tự ý chạy theo chủ ra đường, ra công viên là rất nguy hiểm, khi chúng có thể cắn người.
Những chú chó không bịt mõm vẫn được đi dạo và phóng uế trong công viên. Ảnh: I.T
Như chúng ta biết công viên là chốn công cộng luôn có rất đông người, hơn nữa không chỉ có người lớn, mà rất nhiều em nhỏ cũng theo người lớn ra chơi, vì thế chỉ cần sơ suất là rất có thể những con chó chạy rông theo chủ kia sẽ cắn trẻ… Ngoài hiểm họa rình rập là chó cắn ra, thì việc những con chó theo chủ ra công viên cũng là “tác nhân” của tình trạng mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường bởi những con chó ấy có thể đi vệ sinh bừa bãi không chỉ tại bồn hoa, gốc cây, thảm cỏ, mà nhiều khi còn cả trên lối đi dạo, gầm ghế ngồi…
Công viên quá nhiều chó
Nhiều năm nay, mỗi lần đi ngang qua Công viên 23 Tháng 9 (quận 1, TP.HCM), tôi vẫn thường bắt gặp nhiều chó thả rông, kể cả chó cảnh ngoại lai hay chó giống. Ngoài những con chó nhỏ xíu có trọng lượng vài ba ký ra thì cũng có không ít những con chó rất lớn, nặng tới cả vài ba chục ký. Theo một số người dân sống cạnh công viên cho biết thì nơi này cứ vào tầm buổi sáng và buổi chiều muộn là chó nhiều vô kể. Có thời điểm có tới cả vài ba chục con chó cùng xuất hiện ở công viên…
Không riêng gì công viên trên, ở hầu hết các công viên khác như: Gia Định, Lê Văn Tám, Lê Thị Riêng, Bạch Đằng, Hồ Con Rùa…, cũng luôn là nơi “hội tụ” của những con chó nuôi. Tại Công viên Lê Văn Tám, bà Lê Thị Thảo (67 tuổi), người thường xuyên ra đây tập thể dục hai buổi sáng, chiều mỗi ngày kể rằng: “Từ khoảng 5 giờ sáng sớm là công viên đã xuất hiện khá nhiều chó bởi người ta đi thể dục là mang chó theo. Không chỉ buổi sáng, buổi chiều muộn, thời gian buổi tối công viên cũng có rất nhiều chó với số lượng lên tới cả mấy chục con…”.
Một số lần đi Công viên Gia Định, sau 19 giờ, tôi cũng vẫn bắt gặp cả đàn chó đông đúc chạy lông nhông. Hỏi chuyện một người đàn ông trung niên dẫn theo 3 con chó cảnh giống Bug ra công viên chơi, ông ta cho biết: Ở công viên này có rất nhiều “hội chơi chó”, nghĩa là cứ tầm buổi sáng hay buổi chiều tối, các “thành viên” lại dẫn chó ra công viên, tụ tập với nhau tại một bãi trống để những con chó tự do chạy nhảy, chơi đùa với nhau, còn chủ của những con chó ấy thì túm lại chuyện trò, bàn tán xung quanh các vấn đề về chó…!
Hiểm họa “mồm chó…”
Khi chó xuất hiện rất nhiều tại công viên vườn hoa như vậy thì tiềm ẩn hiểm họa khi rất có thể mọi người bị chó cắn là có thật, bởi trong số ít những con chó nhỏ xíu, những con chó có rọ mõm, được chủ nuôi canh chừng dẫn bằng dây xích ra, thì vẫn có rất nhiều những con chó to lớn được chủ thả rông. Chẳng ai dám chắc những con chó to lớn kia sẽ không bao giờ cắn khi người lạ lại gần, bởi người xưa từng nói “mồm chó, vó ngựa”. Nghĩa là lại gần những con chó, những con ngựa là rất nguy hiểm bởi chúng có thể cắn, đá người bất cứ lúc nào(?!)
Với người lớn ra công viên thì chẳng ai dại gì lại gần, hay mơn trớn, đùa nghịch với những con chó lạ, bởi lỡ không may bị chó cắn sẽ phát sinh nhiều hệ lụy phức tạp, trong đó việc phải đi tiêm phòng dại để phòng ngừa là điều bắt buộc…! Nhưng, với trẻ em đi chơi cùng cha mẹ, ông bà, thường có tính hiếu động, thích động vật nên chúng thường thích lại gần những con chó để vui chơi đùa nghịch. Chỉ cần người lớn lơ đãng không để ý là rất có thể những con chó không có rọ mõm thả rông kia sẽ “đợp” vào tay chân, thân thể trẻ…
Người viết bài đã từng nhiều lần chứng kiến. Cách đây hơn 1 năm, tại khu vườn hoa công viên (đường Hồ Thị Tư, P.Hiệp Phú, Q.9), khi một người đang đi bộ thể dục vào buổi tối bị một con chó lớn của ai đó dẫn đi công viên chơi “đớp” một miếng vào ống chân. Rất may là nạn nhân mặc quần thể thao loại dày nên những vết răng chó chỉ hằn tím, chứ không xây xát chảy máu.
Vụ khác xảy ra khoảng 6 tháng trước, tại Công viên 23 Tháng 9, tôi đang ngồi trên ghế trong khu vực khu B của công viên, thì một cậu nhỏ chừng 4 tuổi đã bị con chó giống lai cắn vào bàn tay, do bé tiến lại và sờ vào mõm con chó. Khi bé kêu khóc thì người mẹ mới dừng dán mắt vào điện thoại để chạy lại đỡ con. Và cả chủ chó cũng chạy tới quát, xua đuổi con chó… Lúc này, người mẹ tỏ vẻ lo lắng nói với chủ chó: “Em chỉ sợ chó dại thôi, chứ nếu cháu bị cắn thế này mà không đi tiêm phòng thì biết đâu…”. Rồi người chủ của con chó cắn bé bảo: “Không sao đâu chị, chó nhà tôi nuôi mấy năm rồi, tiêm phòng cẩn thận không có bệnh tật gì đâu mà sợ! Mà nếu muốn chắc chắn chị cứ mang cháu đi tiêm, hết bao tiền tôi trả cho…”.
Thực tế, việc không đi tiêm phòng khi bị chó cắn là cực kỳ nguy hiểm, bởi đã có không ít trường hợp do chủ quan, tới khi bệnh dại phát sẽ là vô phương cứu chữa…
Ngoài hiểm họa chó có thể cắn người bất cứ lúc nào, việc chó quá nhiều tại công viên cũng làm cho môi trường công viên ô nhiễm. Thực tế, bất cứ con chó nào theo chủ ra công viên là chúng đái, ỉa. Có người nuôi còn “huấn luyện” cho chó không được đi vệ sinh ở nhà, mà cứ sáng, chiều dẫn ra công viên chúng mới chịu… “giải quyết”. Chúng có thể “giải quyết” từ chỗ bồn hoa, thảm cỏ, gầm ghế đá, thậm chí đến cả giữa lối đi dạo. Chính vì vậy mà mùi hôi thối, khai nồng ở công viên khiến nhiều người khó chịu.
Cần phải cấm chó vào công viên
Theo tôi việc cấm chó vào công viên vườn hoa tại các đô thị là cần thiết, bởi một khi chó không được dẫn vào công viên vườn hoa thì cũng đồng nghĩa sẽ ngăn ngừa được hiểm họa chó cắn mọi người nói chung và trẻ em nói riêng. Và khi không có chó, công viên vườn hoa cũng sẽ trở nên sạch sẽ trong lành hơn, khi mà lúc đó sẽ không còn có mùi nước đái, phân chó, và không ai còn lo giẫm phải… phân chó trong lúc di dạo, chạy bộ trong công viên…
Được biết, Công viên Tao Đàn (TP.HCM) đã tiến hành việc cấm chó vào công viên từ mấy năm nay. Tại các cổng, cửa ra vào, ven các lối đi dạo, thảm cỏ ở công viên này cắm rất nhiều các tấm biển có hình minh họa con chó có gạch chéo cùng hàng chữ song ngữ tiếng Việt và cả tiếng Anh, với nội dung: “No Dog! Không dắt chó vào công viên”. Theo nhân viên bảo vệ ở Công viên Tao Đàn, thoạt đầu mới có quy định và cắm biển cấm chó vào công viên vẫn còn có nhiều vi phạm cũng như một số người phản đối, tỏ ra không hài lòng. Nhưng về sau, mọi người đều phải quen dần, mặc nhiên chấp nhận quy định, và vài năm nay là công viên hoàn toàn không có bóng dáng chó, khiến mọi người dân tập thể dục vui chơi ở đây không phải lo lắng, bất an bởi chó thả rông như ở các công viên khác…
Bài, ảnh: Đặng Đức
Bình luận (0)