Cuộc sống bị đảo lộn, thiệt thòi đủ thứ
Du học sinh Lê Hải Thuỳ Dương, đang học San Jose State University, College of Engineering (Mỹ) chia sẻ, vấn đề thiệt thòi nhất với du học sinh trong năm qua là khi học online là em không thể sử dụng các dịch vụ của trường.
Cũng theo Dương, có những phòng ban phụ trách trợ giúp tài chính hay nhập học đều rất khó để liên lạc. Kể cả có gọi điện hay gửi email cũng phải chờ rất lâu. Nhiều bạn vì thế mà bị lỡ việc. Với du học sinh, vấn đề này là thiết yếu vì du học sinh ít có hỗ trợ của nhà trường như học sinh trong nước.
Dương cho rằng, COVID-19 cũng khiến cuộc sống xã hội của du học sinh bị đảo lộn. Nhiều sự kiện của trường bị huỷ bỏ, các sự kiện networking và tạo cơ hội việc làm đều được tổ chức online. Điều này khiến việc tạo các mối quan hệ, để làm việc hay để làm bạn, đều khó khăn hơn so với lúc trước.
Với du học sinh Nguyễn Thảo Ngân, Trường Erasmus University Rotterdam (Hà Lan) cho rằng, du học sinh tại Hà Lan, chương trình cử nhân 3 năm vốn đã ngắn hơn so với các bạn đồng lứa, nay vì ảnh hưởng của COVID-19 mà lại càng bị rút ngắn lại.
Ngân cho rằng, không chỉ bao gồm trải nghiệm du học xa nhà mà đối với em, trải nghiệm đời thường của 1 sinh viên học đại học “bình thường” cũng bị ảnh hưởng. Khi học trực tuyến, 1 phần thời gian của chúng em được tiết kiệm thay cho việc di chuyển lên lớp. Chắc hẳn nhiều bạn sinh viên cũng từng mang tâm lý như em lúc đầu, muốn dùng thời gian dư đó để học thêm nâng cao kiến thức hay điểm số bản thân. Nhưng thực tế lại khác.
Ngân cho rằng, tương tác giáo viên – sinh viên của chúng em gặp khó khăn, mỗi câu hỏi thắc mắc đôi khi lại khó truyền đạt dù đã qua văn bản thư điện tử qua lại nhiều lần.
“Tương tác khi làm bài tập nhóm của chúng em cũng kém hiệu quả, khi các thành viên nhóm không đủ thân thiết cũng như động lực cần thiết để trao đổi liên tục với nhau. Đã có những lúc em thấy kết quả đi ngược với mong đợi: thành tích học tập của em cũng giảm sút. 2021 là một năm rất vất vả, cho em, cũng như cho các bạn du học sinh tại Hà Lan, và trên toàn thế giới”- Ngân nói.
Với du học sinh Lê Vũ Anh Thư, năm thứ ba bằng Cử nhân về quản trị du lịch khách sạn trường Đại học La Trobe ở Melbourne, Úc chia sẻ, năm nay du học sinh thế giới gần như đã quay trở lại bình thường. Năm nay việc học online không còn xa lạ gì nữa.
“Khó khăn lớn nhất đối với em là việc vượt qua chính bản thân mình”- Thư bộc bạch.
Thư cho rằng, học online gần 2 năm đã thách thức đam mê học tập của em cũng như sự kiên nhẫn chờ mở biên. Việc học online yêu cầu mỗi người phải chủ động sắp xếp thời gian, làm bài tập, làm bài nhóm, quay video,… với nhiều thao tác phức tạp. Thư cảm thấy chưa bao giờ phải vượt khó đến thế.
Nước Pháp trong năm 2021 đã trải qua 4 đợt phong tỏa chống dịch COVID-19. Cũng giống như với sinh viên Pháp và sinh viên các nước khác đến Pháp học tập, tình trạng phong tỏa kéo dài khiến du học sinh Việt tại Pháp gặp không ít khó khăn trong học tập cũng như cuộc sống hàng ngày.
Vì thế, nhiều bạn bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề, thậm chí nhiều lúc muốn bỏ cuộc.
Một nữ sinh viên đang tại Pháp chia sẻ, dù dịch bệnh nhưng mình vẫn phải chuyển nhà liên tục vì nhiều lí do, và cũng rất khó để kiếm việc làm. Áp lực về học tập, tinh thần, tiền bạc khiến mình thực sự bị khủng hoảng.
Nhiều sinh viên tại Pháp cũng cho biết, chi phí ăn uống, sinh hoạt ở Pháp rất tốn kém. Đồng thời, những khó khăn trong quá trình xin các công việc làm thêm đã khiến du học sinh rất vất vả trong việc cân đối chi tiêu hàng ngày.
"Nhiều lúc thực sự mình muốn bỏ cuộc, muốn về nhà. Du học sinh trong lúc dịch COVID-19 thật sự khiến chúng em đối diện với những quyết định khó khăn"- một nữ sinh viên chia sẻ.
Du học sinh Lê Vũ Anh Thư, năm thứ ba bằng Cử nhân về quản trị du lịch khách sạn trường Đại học La Trobe ở Melbourne, Úc
Được hỗ trợ khi học online nhưng vẫn thấy lãng phí, chán học onlineDu học sinh Lê Vũ Anh Thư, năm thứ ba bằng Cử nhân về quản trị du lịch khách sạn trường Đại học La Trobe ở Melbourne, Úc
Em Lê Vũ Anh Thư cho rằng, thời gian đầu, hội du học sinh và các quỹ bên Úc cũng hỗ trợ rất nhiều từ phát đồ ăn đến phát học bổng đến du học sinh.
Mặt khác, các trường cũng có những học bổng mới từ 5-30% cho sinh viên đang học online. Học bổng này chỉ cần xác nhận với trường về việc mình đang học online là được.
Tuy nhiên, theo Thư, so với các nước khác, bọn cháu phải học online dài hơn (2 năm) vì thế các khoản hỗ trợ của các trường cũng ít hơn so với các nước khác.
"Em có một hội du học sinh, trên hội này các chia sẻ nhiều về vấn đề được hỗ trợ trong điều kiện dịch phải học online. Trường Đại học Yale còn hỗ trợ 2.000 đô cho sinh viên từ đầu dịch nhưng trường em đến gần học kì 2 năm 2021 mới có học bổng này. Em được 25% học bổng từ trước nên chỉ được thêm 5% học bổng học online trong năm 2021 mà thôi. Có bạn khác của em ở Mỹ thì bạn mới vào sẽ được hỗ trợ 600$"- Thư chia sẻ.
Thư cho rằng, các động thái của các trường về lệ phí, việc học online ở các nước vẫn thấy nhanh hơn Úc. Thế nên số đông du học sinh Úc đã bỏ ngang hoặc chuyển sang các nước khác như Canada, các nước bên châu Âu.
Thư cho rằng, điểm chung khó khăn của các bạn du học sinh Úc gặp phải là xoay quanh hậu quả của việc học online.
"Chúng em rất vật lộn để tìm tài liệu từ các thư viện trên mạng, thậm chí nhờ nhau làm bài hộ trên các nhóm facebook và nộp bài chỉ để không bị muộn giờ. Em cho rằng, nếu so với học phí đắt đỏ thì đây là vô cùng lãng phí. Đứa nào cũng rất chán học online rồi"- Thư nói.
Còn với du học sinh Nguyễn Thảo Ngân, Trường Erasmus University Rotterdam (Hà Lan) cho rằng, nhà trường hỗ trợ chung rất tốt về phía sắp xếp việc học trực tuyến và giải đáp thắc mắc phần nào, và hội sinh viên Việt Nam tại Hà Lan cũng tổ chức nhiều sự kiện ví dụ như giúp hướng nghiệp cho sinh viên, nhưng thường hỗ trợ chung nhiều hơn là từng trải nghiệm cụ thể.
"Chính phủ Hà Lan có quyết định hỗ trợ giảm 1 chút học phí cho toàn sinh viên trong và ngoài EU trong năm học này (2021-2022) nhưng khoá của em là khoá 2018-2021 tốt nghiệp ngay trước đó và không được nhận hỗ trợ 1 phần nào"- Ngân chia sẻ.
Australia mở cửa trở lại cho sinh viên quốc tế từ 15/12 Australia thông báo mở cửa cho sinh viên quốc tế và công nhân lành nghề vào ngày 15/12. Chính phủ liên bang cũng sẽ gia hạn quyền hạn khẩn cấp thêm hai tháng nữa đến tháng 2 năm 2022, giữ hiệu lực bắt buộc đeo khẩu trang đối với các chuyến bay quốc tế và hạn chế đi lại quốc tế từ các quốc gia được coi là có nguy cơ cao. Chính phủ liên bang cũng quyết định một số biện pháp cần phải duy trì lâu hơn. Bộ trưởng Y tế liên bang, Greg Hunt, đã quyết định kéo dài thời gian khẩn cấp an toàn sinh học của con người theo Đạo luật An toàn Sinh học đến ngày 17/2/2022. Như vậy, sinh viên Việt Nam có thể cất cánh sang Australia để bắt đầu kỳ nhập học tháng 2/2022 sắp tới sau hơn hai năm chờ đợi. |
Lưu học sinh Việt bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 sẽ được hỗ trợ Văn phòng Chính phủ đã có Công văn truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh về hỗ trợ cho lưu học sinh Việt Nam đi học ở nước ngoài và lưu học sinh nước ngoài học tập ở Việt Nam bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan và phía đối tác chủ động thực hiện các giải pháp hỗ trợ cho lưu học sinh Việt Nam đi học ở nước ngoài và lưu học sinh nước ngoài học tập ở Việt Nam bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo quy định, hướng dẫn của Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan. |
Theo Đỗ Hợp/TPO
Bình luận (0)