Để ôn tập hiệu quả môn văn cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, học sinh cần chú ý các điểm sau đây.
Giáo viên hướng dẫn học sinh lớp 12 trong giờ học môn văn (ảnh chụp tại Trường THPT Thủ Đức, TP.HCM). Ảnh: Y.Hoa
Nắm chắc đề thi minh họa
Cấu trúc, thang điểm của đề thi minh họa môn văn mà Bộ GD-ĐT công bố vừa qua cơ bản giống với đề thi năm 2018. Theo đó, đề vẫn gồm 2 phần: Phần I. Đọc hiểu văn bản (3 điểm, với 4 câu hỏi). Phần II. Làm văn (7 điểm), gồm 2 câu: Câu 1 viết đoạn văn khoảng 200 chữ (2 điểm) và câu 2 nghị luận văn học (5 điểm). Câu 1 phần làm văn cũng có sự tích hợp với văn bản đọc hiểu.
Theo đề thi minh họa, trước hết học sinh cần lưu ý các điểm sau đây: Thứ nhất, đề thi tăng cường tính thực tiễn và hướng đến những yêu cầu có tính gợi mở. Điều này có nghĩa là yêu cầu các em phải có sự hiểu biết thực tế, vốn sống xã hội. Bên cạnh việc nắm vững kiến thức tác phẩm, các em cần phải có kỹ năng để xử lý một đề thi theo hướng “mở”, rất đa dạng và khá bất ngờ về các cách hỏi. Đề thi như thế sẽ giảm thiểu được cách ra đề bị cho là hàn lâm về kiến thức, hạn chế cách học và ôn thi tiêu cực của môn văn bấy lâu nay. Thứ hai, câu đọc hiểu văn bản sẽ tăng thêm độ khó, sẽ hạn chế những câu hỏi “nhận biết” khá đơn giản nhằm “chống điểm liệt” như trước đây, mà tăng cường những câu hỏi “thông hiểu” và “vận dụng” (thấp). Cụ thể trong đề minh họa là: “Chỉ ra… trong đoạn trích” (câu 1); “Theo anh/chị…” (câu 2); “Việc tác giả… có tác dụng gì?” (câu 3); “Anh/chị có cho rằng… Vì sao…?” (câu 4). Tình hình đó đòi hỏi học sinh phải có kỹ năng đọc hiểu thật tốt, suy ngẫm kỹ càng và trả lời công phu hơn. Thứ ba, câu nghị luận văn học chủ yếu kiến thức chương trình lớp 12. Mặc dù vậy, nhưng với cấu tạo gồm nhiều yêu cầu từ đơn giản đến khó, cho nên đây không phải là dạng đề dễ làm bài, nếu học sinh không thật vững kỹ năng.
Chủ trương của Bộ GD-ĐT là đề thi hướng đến mục đích xét tốt nghiệp là chính, nhưng không loại bỏ hoàn toàn mục đích phân loại để xét tuyển sinh. Cho nên phần này trong đề thi gánh vác nhiều nhất sự phân loại đó.
Một số “bí quyết” làm bài
Thứ nhất, với câu đọc hiểu văn bản, không trả lời dài dòng, vòng vo mà trả lời đúng vào trọng tâm câu hỏi, đúng vào các “từ khóa” của đáp án chấm. Câu hỏi có một ý (thường là câu 1, câu 2), nếu có các từ “chính/chủ yếu” thì chỉ trả lời 1 phương án. Câu hỏi xác định (như phép tu từ) phải có hai bước, gồm gọi tên (phép gì) và chỉ ra (ở đâu trong văn bản). Thiếu bước sau sẽ mất nửa số điểm. Nếu câu hỏi có nhiều vế (thường là câu 3, câu 4) thì không nên viết thành đoạn văn, mà trả lời bằng các ý gạch đầu dòng. Các cách hỏi như “theo văn bản/theo tác giả” thì phải bám sát văn bản để trả lời. Cách hỏi “theo anh/chị” là trình bày ý kiến riêng của học sinh. Câu hỏi có yêu cầu “hiểu thế nào” thì phải vận dụng thao tác giải thích, hoặc “trình bày ý kiến anh/chị” thì vận dụng thao tác bình luận. Nếu câu hỏi yêu cầu “đưa thêm giải pháp/ý kiến của bản thân” thì nên đưa càng nhiều ý kiến càng tốt, nhưng không được trùng lặp với các ý có trong văn bản. Câu hỏi yêu cầu nêu tác dụng của phép tu từ nào đó trả lời bằng cách lấy chính tác dụng của phép tu từ đó kết hợp với chi tiết trong ngữ cảnh của văn bản.
Thứ hai, với câu viết đoạn văn ngắn khoảng 200 chữ, do câu hỏi này yêu cầu có sự tích hợp với văn bản đọc hiểu, nên muốn có bài làm tốt, các em phải nắm chắc những cách tích hợp như thế nào, từ đó có các cách triển khai hợp lý. Các em cần triển khai sát, đúng với trọng tâm đề bài yêu cầu. Từ thực tế bài làm của học sinh trong các kỳ thi, chúng tôi khuyên: Không viết quá dài hoặc quá ngắn (khoảng một trang giấy thi là vừa); không viết thành bài, mà phải viết một đoạn. Trong câu hỏi thường có hai vế: vế đầu là lời dẫn gắn với văn bản đọc hiểu, vế sau là yêu cầu của đề. Cho nên cần triển khai kỹ ở vế sau để làm nổi bật vấn đề trọng tâm. Không sa đà vào bình giải văn bản đọc hiểu. Nhiều khi đề cho có liên quan đến văn bản văn học nhưng cần nhớ đây là kiểu làm văn xã hội, để tránh lạc vào thao tác phân tích văn học. Cần nắm chắc 4 yêu cầu của đáp án chấm: Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn (diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp…); xác định đúng vấn đề cần nghị luận (không lạc đề); chính tả, dùng từ, đặt câu; sáng tạo (có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, dẫn chứng xã hội hay…). Mỗi yêu cầu có 0,25 điểm.
Thứ ba, đối với câu nghị luận văn học, như phân tích ở trên, đây là câu hỏi quan trọng, chiếm một nửa trong tổng số điểm bài thi. Trong phần này, chúng tôi đặc biệt chú ý học sinh cách ôn bài sát với cấu trúc đề thi minh họa năm 2019. Cách yêu cầu của đề thi minh họa khá thoáng, đầy ngẫu hứng theo lối chấm phá, từ một vài “lát cắt” của truyện (“hai lần miêu tả cung cách ăn uống của người vợ nhặt” trong tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân) nhưng các em phải nắm thật vững tác phẩm thì mới làm bài được. Mặc dù đề chỉ còn chương trình lớp 12, nhưng với cách yêu cầu như thế thì không phải là dạng đề dễ làm bài, nếu các em không có kỹ năng xây dựng một dàn bài thật hợp lý.
Tương tự như đề minh họa đã cho về thể loại truyện ngắn, các thể loại khác trong chương trình lớp 12, như: thơ, bút ký/tùy bút, kịch và văn chính luận… đều có thể đưa vào đề thi theo cấu tạo như trên. Ví dụ: Nhân vật Trương Ba trước và sau khi nhập vào xác hàng thịt (Hồn Trương Ba, da hàng thịt – Lưu Quang Vũ); Con sông Đà ở thượng nguồn và hạ lưu ở hai đoạn văn cụ thể (Người lái đò sông Đà – Nguyễn Tuân). Nhìn chung đề thi sẽ vô cùng linh hoạt, phong phú. Cốt yếu là các em phải đọc kỹ văn bản; nắm chắc, hiểu rõ, hiểu sâu tác phẩm và có kỹ năng thật tốt để làm bài.
Gợi ý cách làm bài theo dàn ý sau: Đầu tiên giới thiệu chung về tác giả, tác phẩm, yêu cầu của đề. Tiếp theo phân tích yêu cầu thứ nhất và yêu cầu thứ hai của đề. Bước nữa là tổng hợp, nhận xét, so sánh, đánh giá điểm giống và khác nhau qua việc phân tích hai yêu cầu trên và rút ra tác dụng, ý nghĩa. Cuối cùng kết thúc vấn đề. Ngoài ra các em cần chú ý thêm 4 yêu cầu của đáp án chấm đã nêu ở phần viết đoạn văn nói trên.
Trần Ngọc Tuấn
(Trường THPT Tây Thạnh, TP.HCM)
Bình luận (0)