Nhức nhối trước thực trạng tai nạn giao thông ngày một gia tăng, nhóm 3 học sinh lớp 9 Trường THCS Tân Tạo A (Q.Bình Tân, TP.HCM) đã nghiên cứu chế tạo thành công hàng rào chắn giảm thiểu tai nạn giao thông trong đề tài cùng tên.
Nhóm nghiên cứu vui mừng khi thiết kế hoàn chỉnh “Hàng rào chắn giảm thiểu tai nạn giao thông”
Với tính thực thi cao, cùng sự đơn giản và ý nghĩa cộng đồng, nghiên cứu của các em không chỉ đưa ra hướng giải quyết góp phần giải bài toán “nóng” về tai nạn giao thông mà sâu xa hơn, hàng rào chắn thông minh còn gửi đi thông điệp nhân văn đến xã hội rằng: hãy tham gia giao thông bằng cả trái tim!
Thế giới làm được, Việt Nam cũng làm được!
Có thói quen đọc báo hàng ngày, Lê Đức Anh (học lớp 9/1) cho biết em luôn bị ám ảnh bởi thông tin về các vụ tai nạn giao thông, đặc biệt là nỗi đau của người ở lại. “Thường là nỗi đau sẽ còn mãi, âm ỉ và kéo dài, sẽ mãi chẳng thể nào lên da non được. Làm sao có thể chấp nhận được khi bỗng dưng, một ngày như mọi ngày, người thân của mình bước ra ngoài và mãi mãi chẳng thể trở về”, Đức Anh bày tỏ.
“Để hạn chế tai nạn giao thông, trước tiên người tham gia giao thông phải có ý thức. Hãy tham gia giao thông một cách thông minh, lý trí, bằng cả trái tim để không còn nỗi ám ảnh về tai nạn giao thông”, cả ba thành viên cùng bày tỏ. |
Nỗi ám ảnh đó lớn đến mức trở thành sự thường trực, khôn nguôi. Đức Anh lên mạng tìm hiểu về cách giảm thiểu tai nạn giao thông. Và em nhận thấy, ở Hàn Quốc có sản phẩm hàng rào chắn thông minh được làm từ nhựa cao cấp, có độ đàn hồi cao giúp giảm thiểu mức độ thiệt hại tai nạn. “Hàng rào chắn này có những trụ có thể xoay được, các trụ được thiết kế bằng nhựa cao cấp, với giá thành cao. Khi có xe va chạm vào, độ đàn hồi của nhựa sẽ giúp giảm thiểu mức độ thiệt hại của tai nạn giao thông”, Đức Anh cho biết.
Với thiết kế này, Đức Anh cho rằng Hàn Quốc làm được thì Việt Nam mình cũng hoàn toàn làm được. Bởi so với hiện tại, đa phần ở Việt Nam, hàng rào chắn đều được làm từ kim loại. Khi có va chạm mạnh, hàng rào chắn kim loại đôi khi lại là nhân tố làm tai nạn thêm nghiêm trọng. “Tuy nhiên, cần phải cải tiến sao cho giá thành phù hợp hơn với Việt Nam, đồng thời chất liệu thân thiện hơn với môi trường”, Đức Anh nói.
Nghĩ là làm, Đức Anh rủ thêm hai bạn thân học cùng trường là Dương Đức Mạnh (lớp 9/5) và Nguyễn Thị Thanh Huyền (lớp 9/8) để thiết kế hàng rào chắn giảm thiểu tai nạn giao thông “made in Việt Nam”.
Giảm thiểu tai nạn, thân thiện môi trường
Năm học cuối cấp THCS, việc học trở nên nặng nề hơn bao giờ hết. Với nhóm nghiên cứu, năm học này còn thêm “trách nhiệm cộng đồng”. “Suốt một học kỳ, chúng em như mấy siêu nhân đang làm nhiệm vụ giải cứu thế giới vậy”, cả nhóm cười ví von.
“Trước tiên phải thay đổi chất liệu để khắc phục giá thành”, đó là tiêu chí ban đầu được nhóm thống nhất đưa ra với thiết kế hàng rào chắn của mình. Tuy nhiên, phải chọn chất liệu nào để vừa rẻ nhưng phải vừa đảm bảo tính đàn hồi cao để hạn chế tối đa thiệt hại khi có va chạm. “Mất một tuần để suy nghĩ, suy đi tính lại, cả nhóm quyết định lựa chọn lốp xe ô tô cũ làm hàng rào”, Đức Anh cho biết. Với lựa chọn này, theo nhóm nghiên cứu, ở Việt Nam lốp xe ô tô cũ rất nhiều, và phần lớn được tái chế với giá thành rất rẻ. Bên cạnh đó, lốp xe ô tô được làm từ cao su nên cũng có tính đàn hồi cao. “Vừa thay thế được chất liệu cao cấp, vừa giúp giảm lượng rác thải, hạn chế ô nhiễm môi trường”, cả nhóm vui vẻ.
Tìm được chất liệu rồi, bài toán đặt ra cho nhóm là thiết kế hàng rào chắn sao cho những va chạm phải nằm trong sức chịu đựng của hàng rào và tạo ra được sức bật giúp hạn chế thiệt hại tai nạn. “Thử nghiệm hàng chục lần thất bại, đặt ngang, đặt dọc mà vẫn không phát huy được tốt nhất tính đàn hồi của lốp xe ô tô”, Thanh Huyền trăn trở.
Nhớ lại quãng thời gian đó, Đức Anh cho biết bản thân và các bạn luôn tận dụng mọi thời gian rảnh từ giờ ra chơi, giờ ra về cho đến những ngày cuối tuần để tìm giải pháp khắc phục. Nhiều hôm thức thâu đêm chỉ để thử nghiệm mô hình hàng rào. Mất 4 tháng, cả nhóm mới đưa ra bản hoàn chỉnh của hàng rào chắn. Theo đó, hàng rào chắn có cấu tạo rất đơn giản, các bánh xe cũ sẽ được xuyên qua các trục ở giữa. Đồng thời trên những trục này sẽ có những con ốc để cố định bánh xe, giúp bánh xe xoay được. Khi có va chạm, các bánh xe sẽ xoay trượt, làm bệ đỡ, giúp hạn chế thiệt hại cả người và xe khi va chạm.
Sử dụng sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường và cho giá thành rẻ; tuy nhiên, theo nhóm nghiên cứu, thiết kế có nhược điểm là độ bền không cao. Lốp ô tô cũ sẽ khó bền, khó chịu nhiệt trong môi trường nhiệt độ cao như ở Việt Nam, đặc biệt là TP.HCM. Khi đưa vào sử dụng, sản phẩm cần được tối ưu hóa thêm để tăng độ bền.
Thông điệp về “giao thông xanh”
“Làm sao các em sắp xếp được thời gian cho việc học năm cuối cấp và nghiên cứu khoa học”, sau câu hỏi của chúng tôi, ba thành viên trong nhóm đã… trút bầu tâm sự. “Năm cuối cấp, ba mẹ chỉ muốn chúng em chuyên tâm học hành. Do vậy, khi tham gia nghiên cứu, ban đầu ba mẹ cũng cự nự, ngăn cản. Nhưng rồi, khi chúng em giải thích rằng việc nghiên cứu cũng là việc học và hơn nữa, việc học này còn có thể giúp đỡ được cộng đồng. Vì giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông đồng nghĩa với những nỗi đau sẽ vơi bớt”, Đức Mạnh chia sẻ.
Để sắp xếp thời gian học, các em cho hay, thông thường việc học sẽ được cả nhóm ưu tiên hoàn thành trên lớp để dành thời gian chuyên tâm cho nghiên cứu. “Rào cản trong quá trình thực hiện hàng rào chắn ngoài vấn đề thời gian còn là vấn đề về kiến thức. Các kiến thức áp dụng trong nghiên cứu đòi hỏi sự tính toán cao, phân tích kỹ chứ không đơn thuần là những kiến thức lý, hóa, công nghệ trong chương trình học. Vì thế, cả nhóm đã phải tìm hiểu rất nhiều, vừa làm vừa từng bước trau dồi kiến thức”, Đức Anh cho biết.
Trân quý những ý tưởng vì cộng đồng “Hàng rào chắn giảm thiểu tai nạn giao thông là một trong hai đề tài nghiên cứu của thí sinh nhỏ tuổi nhất lọt vào vòng chung kết cuộc thi “Giao thông xanh” do Thành đoàn TP.HCM cùng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức mới đây, cạnh tranh cùng những đề tài của các anh chị sinh viên chuyên ngành. Chưa cần bàn đến “chất xám” trong đề tài, tôi đánh giá rất cao trách nhiệm vì cộng đồng của các em. Chỉ là những học sinh THCS, nhưng các em dám nói lên tiếng nói của mình, dám làm để góp phần thay đổi xã hội, vì cộng đồng. Đó là điều mà chúng ta cần nhất, trân quý nhất”, ông Trần Đức Sự (Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ TP.HCM) bày tỏ.
Hai thành viên nam trong nhóm nghiên cứu đang mày mò thiết kế hàng rào
|
Bên cạnh giải pháp mang tính cộng đồng, theo nhóm nghiên cứu, sản phẩm còn đưa ra thông điệp về “giao thông xanh”. “Để hạn chế tai nạn giao thông, trước tiên người tham gia giao thông phải có ý thức. Hãy tham gia giao thông một cách thông minh, lý trí, bằng cả trái tim để không còn nỗi ám ảnh về tai nạn giao thông”, cả ba thành viên cùng bày tỏ.
Đồng hành cùng nhóm nghiên cứu, cô Mai Thị Dung (giáo viên môn vật lý Trường THCS Tân Tạo A) cho hay, với đề tài hàng rào chắn giảm thiểu tai nạn giao thông không chỉ là cách để học sinh đưa kiến thức vào thực tiễn, đến gần với nghiên cứu khoa học. Mà trên hết, qua đề tài thể hiện sự trăn trở của các em trước những tồn tại của cuộc sống. “Đề tài có thể chưa hẳn hoàn hảo, vẫn còn đó nhiều lắm những thiết sót, hạn chế. Nhưng tôi luôn trân trọng và hãnh diện vì học sinh của mình với những ý tưởng, thiết kế giản đơn đó”, cô Dung chia sẻ.
Đỗ Yến Hoa
Bình luận (0)