Nói đến nâng cao chất lượng của việc “Dạy chữ – rèn người” trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 là nhằm nhấn mạnh đến phẩm chất của người giáo viên – bao gồm đức độ và tài năng của người thầy giáo.
Giờ dạy – học của cô – trò ở TP.HCM
Người thầy trong “Dạy chữ – rèn người”
Từ xưa, ông cha ta đã dạy con cháu: “Học chữ để làm người”, với quan niệm: “chữ” là kiến thức văn hóa, là đạo lý của thánh hiền. Xã hội ngày càng phát triển, quan niệm về “Học chữ” ngày càng được mở rộng và cụ thể hơn, bao gồm học văn hóa, khoa học – kỹ thuật và đạo đức con người. Do đó, “học chữ” rất cần thiết và đáng quý, để mỗi người trở thành một con người tốt trong gia đình, một công dân tốt của xã hội. Người thầy giáo “dạy chữ” để “rèn người” – tức là thông qua dạy tri thức văn hóa, khoa học – kỹ thuật mà rèn luyện học trò trở thành những con người hữu ích cho gia đình và đất nước, có trách nhiệm với xã hội, có óc sáng tạo, thích ứng với mọi diễn biến của thời cuộc để làm chủ bản thân và làm chủ hoàn cảnh. Vì thế, người thầy giáo tốt rất được nhân dân ngưỡng mộ, học trò tôn kính.
Từ ngày Đảng ra đời cho đến nay, vai trò của người thầy giáo ngày càng được tôn vinh, vì người thầy giáo gánh vác sự nghiệp “trồng người” cho đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đến thăm Trường Nguyễn Ái Quốc TƯ, 9-1949, đã nêu rõ mục đích của việc “Dạy chữ – rèn người” khi ghi vào trang đầu cuốn sổ vàng của nhà trường: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ/ Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại” (“Hồ Chí Minh – Toàn tập”, NXB CTQG, Hà Nội, 1995, tập 5, tr. 654). Trong “Di chúc”, Bác Hồ nhấn mạnh: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Ngày nay, trong công cuộc đổi mới, CNH, HĐH đất nước và hội nhập với thế giới văn minh, người thầy giáo càng có vai trò quan trọng hơn bao giờ hết – vì giáo dục và đào tạo là động lực mạnh mẽ của sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước, trong đó – người thầy giáo có sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhà lãnh đạo tài giỏi của Đảng và Nhà nước ta, cũng từng kêu gọi thế hệ trẻ cả nước: Hỡi các bạn trẻ, đi vào thế kỷ mới, trong thời đại mới, các bạn hãy học tập để thành người và để làm người, góp phần vào công cuộc CNH và HĐH nước nhà, xứng đáng với thế hệ cha anh, sánh vai cùng bè bạn trên thế giới…
Quan niệm về “Dạy chữ – rèn người”:
Lâu nay, ở nước ta, quan niệm về việc “Dạy chữ – rèn người” còn được hiểu một cách hời hợt, phiến diện (chỉ chú trọng dạy chữ). “Dạy chữ – rèn người” bao gồm 5 nội dung lớn: đức, trí, thể, mỹ và kỹ năng sống; nhưng quan trọng nhất, là đức dục và trí dục – trong đó đức dục vừa là nền tảng, vừa là cốt lõi. Giáo dục đạo đức có các môn học riêng, nhưng xuyên suốt là thông qua trí dục mà thực hiện đức dục, tức là vừa truyền thụ tri thức văn hóa – khoa học – kỹ thuật, vừa giáo dục đạo đức, nhân cách tốt đẹp cho học trò (HS-SV). Trong các cấp nhà trường của ta ngày nay, cả 5 nội dung giáo dục trên đây còn nhiều hạn chế, yếu kém, đặc biệt là đức dục và trí dục. Chất lượng giáo dục thấp, thì HS-SV chẳng những không đáp ứng được yêu cầu của đất nước và thời đại về mặt văn hóa, khoa học – kỹ thuật, mà đạo đức, nhân cách người học cũng yếu kém, thiếu hụt. Từ đó, ảnh hưởng rất xấu đến sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và giá trị bản thân của mỗi con người. Cho nên, vấn đề “rèn người” – giáo dục đạo đức, bồi dưỡng nhân cách tốt đẹp cho thế hệ trẻ – đang trở nên một vấn đề lớn và bức thiết của GD-ĐT, một yêu cầu lớn của đất nước hiện nay và cả mai sau.
Giáo dục đạo đức, nhân cách cho HS-SV chủ yếu phải dựa trên “5 điều Bác Hồ dạy”. 5 điều dạy của Bác không chỉ dạy cho HSPT, mà còn dạy cho SV các trường CĐ-ĐH. Suy nghĩ cho kỹ, ta thấy “5 điều Bác Hồ dạy” rất phong phú và sâu sắc, không phải giáo viên nào cũng hiểu hết và “biết dạy” ở các giờ lên lớp và trong các hoạt động của nhà trường. Càng lên các lớp cao, giáo viên càng phải giảng giải cặn kẽ, sâu rộng và thiết thực về “5 điều Bác Hồ dạy”, để HS-SV hiểu đúng và thực hành tốt. Hiện nay, nhà trường và xã hội bổ sung việc rèn luyện kỹ năng sống và học kỳ quân đội; song đã quên mất một điều quan trọng nữa của “nhân cách” – là biết phương pháp tư duy khoa học, từ đó biết tư duy phản biện một cách đúng đắn các vấn đề của khoa học và đời sống xã hội!
“Dạy chữ – rèn người” trong thời kỳ cách mạng 4.0
Nói đến nâng cao chất lượng của việc “Dạy chữ – rèn người” trong thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0 là nhằm nhấn mạnh đến phẩm chất của người giáo viên – bao gồm đức độ và tài năng của người thầy giáo.
Để “Dạy chữ – rèn người” cho tốt, thì về mặt trí tuệ, người thầy giáo không thể chỉ hơn học trò “nửa chữ” hay “một chữ”, mà phải “biết mười, dạy một” (Lời nhắc nhở của Thủ tướng Phạm Văn Đồng). Còn về mặt đạo đức, thì cũng như những người thầy ngày xưa: phải có đạo đức trong sáng. Đạo đức người thầy biểu hiện cụ thể ở lối sống gương mẫu, giàu lòng yêu thương học trò, yêu nghề, khát khao truyền đạt tri thức và rèn giũa lớp trẻ; nỗ lực phấn đấu nâng cao trình độ văn hóa và chuyên môn; không bon chen danh lợi, không tỵ hiềm, đố kỵ đồng nghiệp; biết bảo vệ chân lý. Đạo đức ấy, là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Nhân dân và học trò ngưỡng mộ người thầy giáo trước hết ở đức độ người thầy!
Thầy giáo “biết mười, dạy một” là người có chuyên môn vững vàng, trí tuệ uyên bác, đọc rộng, hiểu nhiều, nghiệp vụ sư phạm giỏi giang. Không chỉ dựa vào bằng cấp đã có, người thầy còn tự học, tự bồi dưỡng, tự nghiên cứu hàng ngày để luôn luôn nâng cao năng lực và trình độ. Những người thầy thật sự tài giỏi bao giờ cũng là những người miệt mài tự học. Với đạo đức gương mẫu và trí tuệ phong phú, chuyên sâu, người thầy lên lớp sẽ đầy phấn chấn và tự tin, truyền thụ được kiến thức chính xác, sâu sắc, sinh động; thông qua đó mà giáo dục đạo đức, nhân cách tốt đẹp cho học trò.
Tuy nhiên, điều đáng nói, đáng buồn là ngày nay, một bộ phận giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đã có những biểu hiện, hành vi suy thoái về đạo đức, lối sống trong quan hệ với học trò, với đồng nghiệp và trong đời sống xã hội. Mặt khác, một bộ phận không nhỏ giáo viên các cấp có nhiều hạn chế, yếu kém về trình độ chuyên môn, năng lực nghiệp vụ (ngay cả số giáo viên có bằng cấp cao, có học vị, học hàm!). Đấy là những điều rất đáng buồn, đáng trách và đáng phê phán; bởi nó chẳng những làm giảm chất lượng dạy học mà còn làm giảm uy tín của người thầy giáo.
Nói “Dạy chữ – rèn người” là nhằm đề cao vai trò của người thầy giáo, đồng thời nhắc nhở HS-SV phải nỗ lực học tập văn hóa, khoa học – kỹ thuật và thường xuyên trau dồi đạo đức, bồi dưỡng nhân cách. “Dạy chữ – rèn người” là công việc đầy khó khăn, đòi hỏi cả thầy và trò cùng nỗ lực; nhưng trước hết và chủ yếu phải là vai trò của người thầy. Vì thế, mới thấy sứ mệnh của người thầy giáo là vô cùng to lớn, trách nhiệm của người thầy giáo là vô cùng nặng nề. “Không thầy, đố mày làm nên”! Câu đó rất thực tế và rất chí lý! Không ai thay thế được người thầy trong sự nghiệp đào tạo nhân lực có chất lượng cao và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.
Đào Ngọc Đệ
(Giảng viên chính Đại học Hải Phòng)
Bình luận (0)