Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, vậy chúng ta đã làm gì để tương xứng với hai chữ mũi nhọn, để thu hút lao động có kỹ năng tham gia vào lĩnh vực du lịch, để tối ưu hóa nguồn lực sẵn có?
Học viên ngành du lịch tại TP.HCM biểu diễn cách pha chế
Đây là một trong 3 câu hỏi mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đặt ra với các bộ ngành, đơn vị đào tạo khi tham gia diễn đàn “Nguồn nhân lực du lịch Việt Nam 2019” do Trường ĐH Hoa Sen phối hợp Sở Du lịch TP.HCM tổ chức ngày 12-4.
Con người mang lại giá trị du lịch
Thủ tướng nhấn mạnh, trong ngành du lịch, tính hiệu quả của nguồn nhân lực gắn liền với giá trị con người mang lại qua chất lượng dịch vụ mà họ cung cấp. Những người có năng lực, thân thiện… có tác động rất lớn đến sự hài lòng của du khách khi đến địa điểm du lịch hơn là các cơ sở hạ tầng xa hoa. Vậy tại sao chúng ta không tìm cách phát huy nguồn lực quan trọng đó, chưa kể chúng ta có một lực lượng nhân lực lớn có trình độ ĐH trong các lĩnh vực lịch sử, văn hóa, truyền thông, đối ngoại… Vấn đề là ngành du lịch cần có cơ chế tốt để thu hút họ.
Ở câu hỏi thứ 2, Thủ tướng đặt vấn đề liệu chúng ta có đủ nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng tốt nhu cầu du lịch hay không? Nhiều người đặt câu hỏi sát sườn là ngành du lịch của chúng ta có đủ hấp dẫn để cạnh tranh thu hút nhân tài, lực lượng lao động có kỹ năng không những trong nước mà cả quốc tế tham gia vào lĩnh vực này hay không? Theo Thủ tướng, những công ty, những mô hình kinh doanh hoạt động tốt nhất trong ngành du lịch Việt Nam cũng chính là những đơn vị trả lời tốt nhất những câu hỏi này. Câu hỏi này Thủ tướng cũng muốn đặt ra cho cả các cơ quan quản lý du lịch Nhà nước.
Thủ tướng cho rằng, các chính sách nguồn nhân lực không thể được xây dựng một cách rời rạc mà phải được đặt trong tổng thể các chính sách bởi lẽ môi trường kinh doanh ngành du lịch, môi trường du lịch nói chung có tác động đến khả năng thu hút nguồn nhân lực tham gia vào lĩnh vực này.
Câu hỏi thứ 3 Thủ tướng đặt ra có tính chiến lược dành cho các bộ ngành, đó là Đảng và Nhà nước ta những năm qua đã xác định thể chế, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng là 3 đột phá chiến lược hàng đầu, vậy các đơn vị này đã làm gì, xây dựng chiến lược như thế nào để nguồn nhân lực thực sự là đột phá chiến lược của ngành du lịch Việt Nam? Thủ tướng nhấn mạnh các bộ ngành nên thực hiện nghiêm túc chứ không chỉ chờ địa phương thực hiện và cho ý kiến. Trả lời chính xác câu hỏi này là trách nhiệm đồng thời của Bộ GD-ĐT, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các địa phương…
“Chúng ta đều biết du lịch không chỉ là lĩnh vực kinh tế giàu tiềm năng mà còn là niềm tự hào, là sức mạnh mềm và là ảnh hưởng văn hóa của chúng ta trên toàn cầu, do vậy phát triển du lịch không chỉ là nhiệm vụ kinh tế đơn thuần. Trong mọi hoạch định chiến lược, nguồn nhân lực luôn đóng vai trò then chốt đặc biệt ở ngành du lịch, bởi lẽ sự tương tác phương diện văn hóa, con người đóng vai trò quyết định đối với sức cạnh tranh của nguồn nhân lực Việt Nam trong khu vực và trên toàn cầu. Tôi có niềm tin rằng với 100 triệu người dân Việt Nam trong và ngoài nước, nguồn nhân lực của chúng ta là hoàn toàn không thể thiếu cả về lượng lẫn về chất. Điều cốt yếu là làm sao chúng ta phát huy được tốt nhất tiềm năng và kỹ năng tiềm ẩn trong mỗi con người Việt Nam” – Thủ tướng khẳng định.
Đổi mới đào tạo, tăng sức cạnh tranh nhân lực
“Chúng ta cần có một môi trường, chính sách tốt, mỗi doanh nghiệp cần có một cơ chế quản trị, chính sách đãi ngộ tương xứng với thành quả, với năng lực đóng góp, đồng thời thu hút những lao động có kỹ năng từ những lĩnh vực khác tham gia vào du lịch. Các trường cần cập nhật giáo trình, phương pháp đào tạo liên quan đến các ngành nghề thuộc lĩnh vực này, đáp ứng tốt chuẩn mực ngang tầm quốc tế cũng như xu hướng phát triển của công nghệ trong lĩnh vực du lịch” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. |
Tại diễn đàn, ông Bùi Tá Hoàng Vũ (Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM) thông tin, tăng trưởng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong 3 năm qua với tốc độ nhanh từ 10 triệu lượt năm 2016 lên 15,5 triệu lượt năm 2018. Năm 2018, tổng thu du lịch cả nước đạt 620.000 tỷ đồng. Tăng trưởng nhanh vừa là tín hiệu tốt, vừa đặt ra những thách thức trong công tác quản lý Nhà nước và kinh doanh du lịch. Dù cho lợi thế về tài nguyên được đánh giá cao, cơ sở hạ tầng được cải thiện, nhưng nếu thiếu nguồn nhân lực chuyên nghiệp, sẵn sàng để cung cấp dịch vụ vượt trội; nếu mỗi người dân không là một đại sứ du lịch thì việc thực hiện mục tiêu phát triển du lịch Việt Nam thành điểm đến có đẳng cấp khu vực, mà mỗi địa phương là một nhân tố quan trọng, vẫn là bài toán cần nhiều lời giải…
“Trên thực tế ngành du lịch nước ta đang rất “khát” nhân lực lành nghề, chất lượng cao. Mỗi năm toàn ngành cần thêm gần 40.000 lao động nhưng lượng sinh viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15.000 người/năm, trong đó chỉ hơn 12% có trình độ CĐ, ĐH trở lên. Trong 1,3 triệu lao động du lịch của cả nước chỉ có 42% được đào tạo về du lịch, 38% được đào tạo từ các ngành khác chuyển sang và khoản 20% chưa qua đào tạo chính quy mà chỉ được huấn luyện tại chỗ. Việc chuẩn bị một nguồn nhân lực du lịch giỏi cần được quan tâm đúng mức cả từ phía Nhà nước, doanh nghiệp, nhà trường và toàn xã hội” – ông Vũ nêu thực trạng.
Báo cáo của Bộ GD-ĐT cũng chỉ ra, với trên 100 cơ sở đào tạo ĐH, CĐ quy mô như hiện nay, ngành giáo dục chưa đáp ứng được số lượng cần cho sự phát triển kinh tế du lịch. Số lượng các trường đào tạo du lịch riêng biệt theo 4 mã ngành đào tạo du lich chỉ chiếm hơn 50%. Đối với các đơn vị đào tạo còn lại, đào tạo du lịch là một phần của các chương trình khác, thiếu nội dung đào tạo về kiến thức và kỹ năng chuyên biệt cho du lịch.
Trước nhiều đề xuất kiến nghị quan trọng từ đại diện các trường ĐH, đơn vị đào tạo nhằm cải tiến chất lượng đào tạo nhân lực du lịch, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ GD-ĐT đã ban hành nhiều chính sách để khuyến khích đào tạo nguồn nhân lực nói chung phục vụ cho phát triển du lịch. Đầu tiên, rà soát mở các mã ngành, nhóm ngành tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị tổ chức đào tạo được linh hoạt, phối hợp với các doanh nghiệp theo hướng tạo ra hệ sinh thái đào tạo ngành. Thứ 2, linh hoạt lĩnh vực đào tạo, tăng đào tạo thực tiễn; gắn đào tạo ở các khách sạn nhà hàng, môi trường du lịch; mã ngành công nhận chuyển đổi giữa sơ cấp, trung cấp, CĐ, ĐH nằm trong khung trình độ quốc gia, tạo nhiều linh hoạt cho người học, thậm chí nhiều em chỉ học sơ cấp, trung cấp du lịch sau đó chuyển sang CĐ, ĐH một cách thuận lợi, chứ không quy định cứng như trước đây.
“Bộ GD-ĐT sẽ làm việc với các bộ ngành khác để khuyến khích xã hội hóa, đặc biệt là các doanh nghiệp để tạo ra một chuỗi tuần hoàn giữa người đào tạo và sử dụng, để hỗ trợ nhau, và khâu này phải nằm trong một quy trình chứ không phải chỉ hợp tác nhau thông thường giữa ĐH và doanh nghiệp” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Mê Tâm
Bình luận (0)