Định nghĩa lại giá trị thực của các bậc học ĐH, CĐ, TC; đưa ra những hướng đi sau THCS dành cho những học sinh yếu, kém… Đó là những thông tin được các chuyên gia chia sẻ trong chương trình “Tuyển sinh, hướng nghiệp học sinh sau THCS” năm 2019 vừa diễn ra tại Trường THCS Lữ Gia (Q.11).
TS. Nguyễn Thanh Tùng đang tư vấn cho các em học sinh phương pháp học tập khoa học
Chương trình do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức, không chỉ giúp học sinh lớp 9 có cái nhìn toàn diện về kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM sắp tới mà còn giúp các em lựa chọn đúng hướng đi sau THCS.
Học trung bình, yếu có cơ hội vào trường công lập không?
Trước băn khoăn này của các học sinh trong trường, ThS. Dương Duy Khải (đại diện Trường TC CNTT Sài Gòn SITC) cho hay có rất nhiều cách để mỗi người theo đuổi những ước mơ của mình mà không nhất thiết phải đi chung 1 con đường. Ông Khải cho rằng với năng lực học tập tốt thì học sinh nên lựa chọn vào môi trường THPT công lập để tạo đà cho bản thân bước vào ĐH. Còn nếu năng lực học tập có giới hạn (ở mức trung bình, yếu) mà lựa chọn theo học trường THPT công lập thì sẽ làm các em hụt hơi sau này. Theo đó, các em có thể lựa chọn nhiều hướng đi khác nhau nhưng vẫn sẽ dẫn đến một con đường. “Các em có thể lựa chọn học GDTX, ở đó sẽ được học nghề và học văn hóa mà việc học tập lại nhẹ nhàng hơn, đảm bảo sau 3 năm các em vừa có nghề vừa có thể tham gia thi THPT quốc gia để xét tuyển vào ĐH như các bạn. Hoặc các em có thể lựa chọn học TC theo hệ 3 năm, tốt nghiệp ra trường vừa có bằng nghề, vừa có chứng nhận hoàn thành chương trình THPT để thi THPT quốc gia như các bạn. Cánh cửa trường ĐH vẫn ở phía trước các em, dù đi theo đường thẳng hay đường vòng thì các em vẫn có cách để đến đích”, ông Khải chia sẻ.
Bổ sung thêm, ông Nguyễn Văn Khả (đại diện Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM) cho hay, hướng đi theo các trường THPT trong lòng trường ĐH cũng là một lựa chọn. Học tại đây, học sinh vừa có cơ hội chuyển tiếp vào trường CĐ, ĐH của trường hoặc nếu muốn các em có thể thi THPT quốc gia để xét tuyển vào các trường ĐH khác.
Xây dựng lộ trình học tập phù hợp
Thẳng thắn nhìn nhận vào vấn đề học nghề, TS. Nguyễn Thanh Tùng (Viện trưởng Viện Quản trị Tri thức, Sở KH-CN TP.HCM) đã định nghĩa lại câu chuyện học ĐH với các học sinh. Theo đó, ông Tùng cho rằng không phải học TC mới là học nghề mà ngay cả học ĐH cũng là học nghề nhưng ở bậc cao, CĐ là học nghề bậc trung, còn TC là học nghề phổ thông. “Học bất kỳ bậc học nào cũng là chúng ta đang tìm cho mình một nghề nghiệp để gắn bó, theo đuổi và sống cùng với nó. Dù là TC, CĐ hay ĐH, miễn là các em lựa chọn phù hợp với năng lực học tập của bản thân, điều kiện gia đình và ước mơ của mình”, ông Tùng nhấn mạnh.
Ở góc độ đơn vị đào tạo, ThS. Dương Duy Khải kể lại câu chuyện có thật từng diễn ra ở trường mình: có trường hợp học sinh đậu vào Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong nhưng vẫn đăng ký học TC. Ba mẹ ngỡ ngàng, gặng hỏi chuyện thì em mới nói: thi vào trường Lê Hồng Phong là một chuyện, còn học được hay không là chuyện khác. Nếu bản thân mình có trí thì dù ở môi trường nào cũng sẽ vẫn phát huy và thành công.
Học sinh có 7 nguyện vọng vào lớp 10 THPT Trong chương trình “Tuyển sinh, hướng nghiệp học sinh sau THCS” năm 2019 tổ chức tại Trường THCS Hậu Giang và THCS Nguyễn Văn Luông (Q.6), bà Nguyễn Đặng An Long (Phó Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT TP.HCM) cho biết kỳ thi tuyển vào lớp 10 công lập, học sinh sẽ có 7 nguyện vọng (NV), trong đó 4 NV dành cho học sinh thi vào trường chuyên (NV1, NV2 vào trường chuyên, lớp chuyên; NV3, NV4 vào trường chuyên nhưng lớp không chuyên) và 3 NV đối với trường thường. Về cách xét tuyển, bà An Long lưu ý: “Học sinh phải tham dự đầy đủ các môn thi, và các môn không được rơi vào điểm liệt. Cách xét tuyển từ trên xuống, trúng tuyển NV nào học trường đó, do đó các em nên cân nhắc, tránh trường hợp nghe lời bạn bè, hàng xóm chọn trường quá xa, hoặc vượt quá năng lực, điều kiện kinh tế gia đình. Tốt nhất các em nên chia sẻ, hỏi ý kiến cha mẹ để chọn ngôi trường phù hợp nhất”. Trước những chia sẻ trên, nhiều phụ huynh và học sinh tỏ vẻ lo lắng: “Nếu cả 7 NV đều không đậu thì sao?”. Bà An Long trấn an: “Thi tuyển không phải để loại học sinh dở mà để giúp các em chọn được con đường đi phù hợp nhất sau khi tốt nghiệp THCS. Nếu những NV trên không đậu, các em còn nhiều ngã rẽ khác như vào trung tâm GDTX, các trường dân lập, trung cấp… Nghề nào cũng là nghề cao quý, con đường nào cũng đi đến bến bờ hạnh phúc nếu chúng ta cố gắng”. Quyết tâm thi đậu vào lớp 10 công lập nên một học sinh lo xa hỏi: “Những lúc thi em thường rất hồi hộp nên làm bài không được hoàn hảo. Vậy những lúc như thế làm sao để làm bài tốt, đặc biệt là đối với môn ngữ văn?”. Chuyên gia tâm lý Đào Lê Hòa An cho biết đây là chuyện thường xảy ra đối với học sinh. Những lúc như vậy các em không nên hốt hoảng mà nên ngồi xuống hít thở đều, sau đó uống một ngụm nước để bớt hồi hộp, căng thẳng. Không chỉ vậy, nếu học sinh nào biết được điểm yếu này của mình, trước khi thi nên có kế hoạch học bài thật tốt. Tránh học tràn lan, chủ yếu nhấn vào kiến thức trọng tâm, học ý nào chắc ý đó (đếm ý), học từ ý lớn cho đến ý nhỏ, tốt nhất học theo sơ đồ tư duy. Trong lúc làm bài thi, nhất là với môn ngữ văn, học sinh nên phân bố thời gian làm bài hợp lý, làm đủ các câu, thể hiện rõ ý chính, ý phụ sau đó diễn giải theo ý của mình. Một bí quyết khác được ông An đề cập khi trả lời câu hỏi trên: Hiện nay, đa số học sinh đều có điện thoại thông minh và dùng internet, vì vậy việc lên mạng tham khảo các đề thi của những năm trước là việc không còn khó khăn nữa. “Các em nên tải đề thi từ 5 năm trở lại đây, sau đó thi thử (canh đúng giờ) để xem kiến thức của mình tới đâu, đồng thời để tập làm quen với thời gian và biết cách làm bài. Ngoài ra, các em nên tập hợp những bạn “cùng chí hướng” để lập nhóm ôn thi, chia sẻ bí quyết học tập lẫn nhau. Quan trọng hơn hết, các em phải làm sao để “điểm rơi phong độ” rơi trúng vào ngày thi, tức chăm chỉ học tập để đến ngày thi phát huy hết mọi khả năng mà mình có nhằm đạt được kết quả cao nhất”, ông An nhắn nhủ. K.Khánh
Học sinh Trường THCS Hậu Giang đặt câu hỏi tại chương trình |
“Cánh cửa trường TC không chỉ dành riêng cho đối tượng học sinh yếu, kém. Đó là một sự lựa chọn tương đương với các bậc học khác. Ở bậc học nào các em cũng cần phải xây dựng một lộ trình học tập phù hợp và thái độ học tập đúng đắn”, ông Khải nói.
Làm sao cân bằng giữa việc học và vui chơi?
Giải đáp thắc mắc về việc cân bằng giữa học tập và vui chơi, TS. Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ trước tiên học sinh phải có một kế hoạch học tập khoa học. Ngay trên lớp, các em nên chú ý tập trung lắng nghe thầy cô giảng bài để có thể hiểu bài và học bài tại lớp. Về nhà, các em dành ít thời gian để ôn lại bài cũ, hoàn thành bài tập trước khi xem trước bài mới. Đặc biệt, đừng dại dột thức quá khuya để học bài vì sẽ ảnh hưởng đến việc học hôm sau.
Cũng liên quan đến thời gian biểu khoa học, ông Tùng khuyên học sinh không nên tốn quá nhiều thời gian để chơi game, thay vào đó hãy dành thời gian đọc sách. “Sách là người bạn lớn, không chỉ cung cấp kiến thức mà còn nuôi dưỡng tâm hồn các em. Theo đó, các em sẽ học được rất nhiều điều bổ ích từ sách, có những kiến thức không có trong sách vở trên lớp hay những lời thầy cô giảng hàng ngày”, ông Tùng phân tích.
Ngoài ra, để có thể cân bằng giữa học tập và vui chơi, ông Tùng cho rằng học sinh nên tăng cường tập luyện TDTT, chú ý đến chế độ dinh dưỡng để rèn luyện sức khỏe, nhất là những ngày cận thi.
L.Quân
Bình luận (0)