Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Chính sách mới về đất đai và an sinh xã hội có hiệu lực từ ngày 1-9-2021

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều chính sách về đất đai và an sinh xã hội có diện tác động sâu rộng sẽ bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 1-9-2021. 

Một trong những điểm mới quan trọng của Thông tư 09/2021/TT-BTNMT là bổ sung các quy định liên quan đến hỗ trợ sau khi thu hồi đất nông nghiệp
Một trong những điểm mới quan trọng của Thông tư 09/2021/TT-BTNMT là bổ sung các quy định liên quan đến hỗ trợ sau khi thu hồi đất nông nghiệp

Hỗ trợ việc làm khi Nhà nước thu hồi đất
Từ ngày 1-9-2021, Thông tư 09/2021/TT-BTNMT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đất đai sẽ có hiệu lực. Một trong những điểm mới của Thông tư này là bổ sung các quy định liên quan đến hỗ trợ sau khi thu hồi đất nông nghiệp.
Theo thông tư trên, có 6 trường hợp thu hồi đất nông nghiệp sẽ được hỗ trợ ổn định đời sống; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm.
Trường hợp thứ nhất là đất nông nghiệp do hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng đủ điều kiện được giao đất nông nghiệp theo quy định về đất đai đang sử dụng do nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, được tặng cho theo quy định của pháp luật, được UBND cấp xã nơi có đất thu hồi xác nhận là đang trực tiếp sản xuất trên đất nông nghiệp đó.
Thứ hai là đất nông nghiệp có nguồn gốc được nhà nước giao cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi thực hiện Nghị định số 64/CP ngày 27-9-1993 của Chính phủ ban hành Bản quy định về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp; khoản 1 Điều 54 của Luật Đất đai năm 2013…
Thứ ba là đất nông nghiệp do hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng đủ điều kiện được giao đất nông nghiệp theo quy định của pháp luật về đất đai đang sử dụng không có giấy tờ về quyền sử dụng đất, không vi phạm pháp luật về đất đai, đủ điều kiện được bồi thường về đất, được UBND cấp xã xác nhận.
Thứ tư  là đất do hộ gia đình, cá nhân nhận giao khoán đất của nông, lâm trường quốc doanh để sử dụng vào mục đích nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, khi Nhà nước thu hồi mà thuộc đối tượng đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp.
Trường hợp thứ năm là đất nông nghiệp do hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng do nhận giao khoán đất của các công ty nông, lâm nghiệp được chuyển đổi từ các nông, lâm trường quốc doanh đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp trên đất đó.
Thứ sáu là đất do hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng do nhận giao khoán đất của tập đoàn sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp trên đất.
Riêng trường hợp hộ gia đình, cá nhận sử dụng đất bị thu hồi dưới 30% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng mà việc thu hồi đất ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân thì chủ tịch UBND cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế tại địa phương quyết định biện pháp hỗ trợ khác, đảm bảo phù hợp với pháp luật.
Ba điểm mới về “sổ đỏ”
Cũng theo Thông tư 09/2021/TT-BTNMT, có 3 điểm mới liên quan đến Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ), áp dụng từ ngày 1-9-2021.
Đó là về trường hợp đăng ký biến động được cấp Giấy chứng nhận; về mã vạch của Giấy chứng nhận và về nội dung xác nhận thay đổi vào cấp Giấy chứng nhận đã cấp. Cách ghi nhận đối với tất cả các trường hợp này được quy định rất cụ thể trong thông tư đã nêu.
Mức đóng góp quỹ phòng, chống thiên tai
Theo Nghị định 78/2021/NĐ-CP của Chính phủ về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai, có hiệu lực từ ngày 15-9-2021, công dân Việt Nam đủ 18 tuổi đến tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường theo quy định của pháp luật về lao động) đóng góp hàng năm như sau:
a) Cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (cấp huyện), ở xã, phường, thị trấn (cấp xã), ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt và lực lượng vũ trang đóng một phần hai của mức lương cơ sở chia cho số ngày làm việc trong tháng.
b) Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động trong các doanh nghiệp đóng một phần hai của mức lương tối thiểu vùng chia cho số ngày làm việc trong tháng theo hợp đồng lao động. Người lao động giao kết nhiều hợp đồng với nhiều doanh nghiệp chỉ phải đóng 01 lần theo 01 hợp đồng lao động có thời gian dài nhất.
c) Người lao động khác, ngoài các đối tượng đã được quy định tại điểm a, b khoản này, đóng góp 10.000 đồng/người/năm.
Mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 1.624.000 đồng
Theo Nghị định 75/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng, có hiệu lực 15-9-2021, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 1.624.000 đồng (sau đây gọi tắt là mức chuẩn).
Mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng làm căn cứ để tính mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng. Các mức quy định theo mức chuẩn tại Nghị định này được điều chỉnh khi mức chuẩn được điều chỉnh.
Phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021
Theo Thông tư 07/2021/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐTBXH hướng dẫn phương pháp rà soát, phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo; xác định thu nhập của hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022-2025 và mẫu biểu báo cáo, có hiệu lực từ ngày 1-9-2021, hộ nghèo là hộ có điểm A (về mức thu nhập bình quân đầu người ) ≤ 140 điểm (tương đương với mức thu nhập bình quân đầu người 1.500.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn) và điểm B (về mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản )  ≥ 30 điểm ở khu vực nông thôn.
Hoặc là hộ có điểm A ≤ 175 điểm (tương đương với mức thu nhập bình quân đầu người 2.000.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị) và điểm B ≥ 30 điểm ở khu vực thành thị.
Hộ cận nghèo là hộ có điểm A ≤ 140 điểm và điểm B < 30 điểm ở khu vực nông thôn hoặc có điểm A ≤ 175 điểm và điểm B < 30 điểm ở khu vực thành thị.
ANH PHƯƠNG (theo SGGP)

Bình luận (0)