Cũng như nhiều trường khác, trường của tôi luôn có mối quan hệ tốt với chính quyền địa phương, nơi địa bàn cư trú. Hàng tuần, chúng tôi đều sắp xếp lịch qua phường, khóm để nắm tình hình an ninh trên địa bàn quanh trường. Vì vậy, chính quyền sở tại, người dân luôn quan tâm, giúp đỡ nhà trường…
Mọi hoạt động của học sinh (HS) trong khuôn viên trường học thì mình nắm được nhờ GV chủ nhiệm, nhờ các đoàn thể cùng phối hợp chặt chẽ, thường xuyên. Nhưng mọi hoạt động của HS ngoài nhà trường thì do gia đình các em quản lý, nhà trường không thể biết được.
Năm ấy, có một HS nam lớp 11 tên H., bỗng có nhiều sa sút trong học tập và rèn luyện, mặc dù năm lớp 10 trước đó, em có nhiều tiến bộ. Em thường xuyên đi học trễ, vô lớp ngủ gật; không chịu ghi chép bài… Nếu nhà trường không nhắc nhở thì sẽ ảnh hưởng tới lớp, tới tư tưởng của nhiều HS khác…
Hỏi ra mới biết, giữa bà nội và gia đình em có mâu thuẫn nên bà nội không cho gia đình em ở chung nữa (gồm cha mẹ và em) mà phải ra ngoài thuê nhà trọ! Cha em thì đi làm hồ tối ngày, mẹ buôn bán nhỏ nên phải gửi em cho người cô chăm sóc.
Tìm hiểu thêm, biết em làm công việc “chạy bàn” cho một quán nhậu; thầy hiệu trưởng đích thân đi tới khuyên nhủ để em thôi làm, lo chuyện học… Thầy hiệu trưởng còn bố trí cho em một căn phòng trong ký túc xá, mong em vô ở nội trú để có bạn bè chia sẻ trong học tập và ăn cơm tại căng tin nhà trường miễn phí.
Nhưng “ngựa quen đường cũ”, em lại theo lời rủ rê của một số “chiến hữu” bên ngoài nên xin ra khỏi nội trú để về nhà… Không thể để một học trò mình bị lôi kéo như vậy, nhà trường tìm mọi cách đưa em trở lại học đàng hoàng… Thầy hiệu trưởng còn được nghe mấy chuyện lùm xùm về em H. khi theo một số phần tử xấu bên ngoài đi tới những quán cà phê nơi hẻm hóc nhưng chưa tận mắt thấy nên đành để đó, chờ dịp sẽ tìm tới…
Một hôm, tôi đang ngồi trong phòng làm việc thì có một bác trạc ngoài năm mươi tuổi, đi vào xin phép gặp. Bác nói nhờ tôi đưa giùm lá thư này cho thầy hiệu trưởng. Bác nói rằng có một HS mang phù hiệu tên trường này thường vào nơi không tốt. Bác ghi nhớ họ tên được và viết thư này cho thầy hiệu trưởng. Tôi hỏi bác tên gì để nói lại với hiệu trưởng thì bác chỉ cười và nói tôi cũng là người dân thôi…
Nhận được thư tôi chuyển tới, chưa mở ra xem nội dung nhưng thầy hiệu trưởng nói ngay: “Lại chuyện em H. rồi!”. Thầy mở ra và biết được nơi em H. thường lui tới là nơi bán ma túy mà công an đang theo dõi.
Chúng tôi tức tốc đến gia đình trao đổi và tìm mọi cách cứu em qua khỏi nạn này! Bằng tình thương, bằng những tâm sự, H. dần dần nghe ra và cố gắng học bài để ôn thi. Nỗ lực của em cùng với sự giúp đỡ của nhà trường, của gia đình, của những người dân không tên đã giúp em vượt qua kỳ thi tốt nghiệp…
Vậy đó, xung quanh chúng ta có biết bao người cương trực, thẳng thắn; biết bao nhiêu người tốt thầm giúp đỡ, sẻ chia. Một khi người dân có niềm tin vào nhà trường, vào những điều tốt đẹp thì họ luôn sẵn lòng giúp đỡ, mong cho nhà trường luôn có những HS nên người…
Lê Trường Sa (Sóc Trăng)
Bình luận (0)