Ứng dụng CNTT trong hướng nghiệp, tuyển sinh đang được các trường nghề thực hiện nhằm giảm kinh phí và nhân lực, qua đó tăng hiệu quả tuyển sinh. Nhiều đại biểu cho biết như vậy tại tọa đàm “Ứng dụng công nghệ 4.0 trong công tác tuyển sinh GDNN trên địa bàn TP.HCM” trong Ngày hội tuyển sinh hướng nghiệp GDNN năm 2019 do Sở LĐ-TB&XH TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT và Thành đoàn TP.HCM tổ chức cuối tuần qua ở Nhà Văn hóa Thanh niên TP.
Đại diện các trường cho rằng công tác tuyển sinh truyền thống tốn kém mà hiệu quả chưa cao. Trong ảnh: Học sinh tìm hiểu về mô hình đào tạo của Trường CĐ Viễn Đông tại Ngày hội tuyển sinh hướng nghiệp GDNN năm 2019
Bà Nguyễn Ngọc Quỳnh Hương (Hội GDNN TP.HCM) cho rằng tuyển sinh theo phương thức truyền thống lâu nay rất tốn kém về tài chính lẫn nhân sự, trong khi kết quả không đo lường được mức độ tương tác của học sinh theo từng đợt cụ thể. Hơn nữa, thời gian tương tác, chăm sóc học sinh ở các chương trình hướng nghiệp còn hạn chế.
Theo bà Hương, ứng dụng CNTT trong công tác tuyển sinh và hướng nghiệp là xu hướng tất yếu. Theo đó, CNTT sẽ giúp phân tích đúng các đối tượng học sinh tiềm năng. Bên cạnh đó, có thể ứng dụng các công nghệ 4.0 để khai thác những kênh tuyển sinh trực tuyến như: Email Marketing, Google Ads, YouTube… Kết hợp hai phương thức tuyển sinh truyền thống và ứng dụng CNTT mặc nhiên đã xây dựng và hệ thống hóa được dữ liệu Big data. Và khi đã có đối tượng và xây dựng dữ liệu Big data, công việc cuối cùng là ứng dụng công nghệ tự động hóa đó vào việc hỗ trợ hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh thay cho con người. Như vậy, nếu ứng dụng công nghệ vào việc xây dựng một hệ thống thu thập thông tin, phân tích đối tượng theo đúng yêu cầu và tương tác 24/7 một cách tự động hóa thì vấn đề tài chính và nhân sự ở các đơn vị sẽ giảm đáng kể. Đồng thời tăng hiệu quả tuyển sinh, hướng nghiệp rõ rệt. “Chúng tôi không hoàn toàn khẳng định dùng trí tuệ nhân tạo AI, dùng công nghệ 4.0 để phủ định nhân sự mà chỉ muốn nhấn mạnh sử dụng công nghệ sẽ hỗ trợ tối đa con người trong tuyển sinh, hướng nghiệp”, bà Hương cho biết.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Lý (Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức) khẳng định muốn quảng bá, thu hút tuyển sinh phải được thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng và thường xuyên như truyền thanh, truyền hình, sử dụng ứng dụng Internet, các dịch vụ của Google (Google Display Network, Google Adwords), Facebook marketing… Song song đó, trường ứng dụng phần mềm tuyển sinh trên điện thoại di động phiên bản đơn giản do Khoa Công nghệ thông tin thiết kế hoặc đặt hàng thiết kế phiên bản đầy đủ.
Trong khi đó, ông Trần Quốc Hải (Phó Hiệu trưởng Trường TC Kỹ thuật – Nghiệp vụ Nguyễn Hữu Cảnh) cho biết trường đã đưa ra các cách thức tiếp cận mới về công tác tuyển sinh áp dụng công nghệ 4.0. Cụ thể là áp dụng kênh trực tuyến website của trường vào việc tối ưu hóa hiệu quả tuyển sinh. Thay vì tiếp cận học sinh tiềm năng bằng cách tư vấn qua điện thoại, trường đã chuyển toàn bộ thông tin, dữ liệu học sinh lên website để đẩy mạnh thông tin tới các em. Mặc khác, trường đã và đang xây dựng, hoàn thiện hệ thống tư vấn trực tuyến 24/24 thông qua phần mềm Tawk phục vụ tối đa nhu cầu tìm hiểu ngành nghề đào tạo, việc làm cũng như năng lực của học sinh. “Trong tình hình tuyển sinh GDNN khó khăn như hiện nay đòi hỏi bộ phận tuyển sinh phải năng động, sáng tạo kết hợp các giải pháp đồng bộ để ứng dụng các kỹ thuật hiện đại của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mới thành công trong tuyển sinh”, ông Hải cho hay.
Đại diện Trường TC Du lịch và Khách sạn Saigontourist thông tin, năm 2019 là năm thứ 3 trường áp dụng phương pháp truyền thông Digital Marketing qua các hình thức như quảng cáo từ khóa trên Google Search, quảng cáo Google Display Network, quảng cáo Facebook Page Post, YouTube ads… “Đẩy mạnh quảng cáo trực tuyến là giải pháp thay thế quảng cáo truyền thống, lựa chọn đúng đối tượng người học tiềm năng để phát đi thông điệp của trường. Quảng cáo trực tuyến đúng lúc và đúng chỗ luôn đem đến sự hứng thú hơn cho người học”, đại diện trường này nhìn nhận.
Hơn 1.500 thí sinh dự thi tay nghề thế giới 2019 Ông Nguyễn Chí Trường (Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề – Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH) cho biết kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 45 năm 2019 tổ chức tại Kazan (Nga) thu hút 1.521 thí sinh tham dự (tăng 21,5% so với kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 44 năm 2017) đến từ 67 quốc gia trên thế giới và tranh tài ở 56 nghề. Theo đó, kỳ thi lần này có một số điểm mới, cụ thể là 42/56 nghề sẽ được tổ chức thi theo cơ chế mới so với các kỳ thi trước; 30/56 nghề được thiết kế độc lập từ bên ngoài, trong đó bao gồm cả việc điều chỉnh 30% đề thi chính thức trước ngày thi. Bên cạnh 56 nghề thi chính thức, có 15 nghề về kỹ năng tương lai, trong đó có 9 nghề trình diễn. Đặc biệt, kỳ thi năm nay còn có cả sân chơi tranh tài dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên… Được biết, lần này Việt Nam tham gia 19 nghề, gồm: Thiết kế kỹ thuật cơ khí – CAD; Cơ điện tử; Phay CNC; Tiện CNC; Công nghệ nước; Giải pháp phần mềm CNTT; Xây gạch; Điện tử; Ốp lát tường và sàn; Lắp cáp mạng thông tin; Điện lạnh; Sơn ô tô; Kỹ thuật khuôn đúc nhựa; Khuôn mẫu; Gia công kim loại tấm; Kỹ thuật số 3D; Lắp đặt điện; Hàn; Thiết kế các kiểu tóc. T.Anh |
TS. Huỳnh Thanh Điền (Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) đánh giá: Ở nhiều trường ĐH hiện đã sử dụng công nghệ trong thu thập thông tin học sinh, phân tích những thông số cơ bản về hành vi lựa chọn nghề nghiệp để xác định thông điệp truyền thông, quảng báo chương trình đào tạo. Trong khi các trường nghề luôn “lép vế” trong các sự kiện truyền thông chung với các trường ĐH cũng như trên các phương tiện truyền thông hiện đại. “Để truyền thông tuyển sinh hiệu quả, các trường cần thiết kế chương trình đào tạo phong phú, cập nhật và ứng dụng công nghệ mới trong chương trình đào tạo. Muốn thiết kế được chương trình phù hợp, nhà trường cần thấu hiểu tính chất công việc nghề nghiệp trong thực tiễn hoạt động tại doanh nghiệp thông qua các hoạt động liên kết”, ông Điền nhấn mạnh.
Ông Trần Anh Tuấn (nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM) khẳng định ứng dụng “Chọn nghề – Chọn trường” trên thiết bị di động là kênh thông tin đầy đủ, chính xác về ngành nghề, phương thức tuyển sinh, nhu cầu việc làm… mà các trường có thể áp dụng để thay đổi hình thức quảng bá tuyển sinh.
T.Tri
Bình luận (0)