Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Tăng cường hệ miễn dịch trong mùa dịch

Tạp Chí Giáo Dục

Vào mùa hè, thời tiết nắng sớm và kéo dài, kèm theo mưa nhiều khiến không khí vừa nóng vừa ẩm. Theo Đông y, đây là mùa dương khí thịnh vượng, âm khí bất túc và thấp khí cũng lan tràn. Do đó, sức khỏe con người dễ bị tổn thương bởi các yếu tố gây bệnh là phong, thấp và nhiệt. Hơn nữa, đây cũng là thời điểm nhạy cảm, bởi dịch COVID-19 tấn công nhiều địa phương. Vì vậy, ngoài thực hiện biện pháp 5K, mỗi người nên nâng cao hệ miễn dịch của cơ thể.

Cần dậy sớm

Nên giữ cho cơ thể được mát mẻ bằng trang phục rộng rãi, thoáng, hút mồ hôi. Tránh để cơ thể bị nóng và đổ mồ hôi quá mức nhưng cũng không nên ngủ, nghỉ ở những nơi nhiều gió, gió lùa, hay trước máy lạnh.

Nên ngủ muộn nhưng lại cần dậy sớm
Vào mùa hè, nên ngủ muộn và dậy sớm

Ngày của mùa hè kéo dài, nắng đến sớm và tắt muộn, cần điều chỉnh theo cho phù hợp. Nên ngủ muộn nhưng lại cần dậy sớm. Như vậy, thời gian ngủ buổi tối có thể không đủ, buổi trưa cần có giấc ngủ ngắn bổ sung.

Trong mùa này, cần chú ý dưỡng tâm, giữ cho tinh thần thư thái để dương khí được thông suốt. Nóng giận, gấp gáp, phiền muộn sẽ sinh nghịch khí khiến tinh thần càng bị tổn thương mạnh mẽ hơn, gây các chứng đau đầu, tổn thương thần kinh.

Tập thể dục vào sáng sớm hoặc chiều tối

Để dưỡng tâm, dưỡng thần, nên dành thời gian tập thiền và tập hít thở sâu. Song song đó là các bài tập để rèn luyện cho hệ tim mạch như đi bộ, chạy bộ, nhảy dây, bơi lội, đạp xe… Bệnh do thấp tà gây triệu chứng đau khớp, nhức mỏi. Do đó, cần phối hợp thêm các bài tập giúp cơ xương khớp dẻo dai, như: yoga, bơi lội.

Luyện tập giúp mồ hôi thoát ra là tốt nhưng nếu quá nhiều hay vận động quá sức sẽ khiến khí lực bị thất thoát, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Vì vậy, nên tập vừa sức, chọn nơi thoáng mát. Thời gian tập thích hợp là sáng sớm và chiều tối.

Khi vận động, nếu mồ hôi thoát quá nhiều, cần bổ sung nước có pha chút muối; không nên uống nước quá lạnh. Sau khi tập luyện, cần nghỉ ngơi, không tắm ngay để phòng cảm mạo và ngừa các chứng tê.

Dùng thực phẩm có tính thanh nhiệt 

Nên sử dụng thực phẩm có tính thanh nhiệt, giải nắng như: dưa hấu, dưa chuột, bí đao… Các loại đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ… là thực phẩm tuyệt vời cho mùa này vì vừa giúp giải nhiệt vừa bổ dưỡng. Có thể rang chín đậu, hãm uống thay nước, nấu chè hoặc nấu cháo. 

Nên sử dụng thực phẩm có tính thanh nhiệt, giải nắng như: dưa hấu, dưa chuột, bí đao…
Nên sử dụng thực phẩm có tính thanh nhiệt, giải nắng như: dưa hấu, dưa chuột, bí đao…

Các loại trà: hoa cúc, actiso, khổ qua, lá sen cũng là lựa chọn tốt để giải nhiệt. Tuy nhiên, không nên lạm dụng vì sẽ ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa, cần kết hợp thêm các loại dưới đây.

Thời tiết mùa này không chỉ nắng nóng mà còn xen lẫn mưa ẩm khiến cơ thể dễ bị nhiễm phong thấp tà, gây các triệu chứng nặng đầu, nhức mỏi xương khớp. Thấp còn kết hợp với nhiệt gây đầy hơi, chướng bụng, tiêu chảy, ngộ độc… Nên phòng ngừa bằng các thực phẩm có tính trừ phong thấp nhiệt như: cháo ý dĩ, trà nhân trần, nước râu bắp, mã đề, trà nhân trần, trà nụ hoặc lá vối. Khi chế biến món ăn cần kết hợp thêm: nghệ, gừng, sả, quế, lá lốt, hành, tỏi, vỏ quýt… và các loại rau thơm như: húng, bạc hà, tía tô, kinh giới.

Bổ sung nguồn thực phẩm động vật có tính mát như: thịt vịt, các loài ngao, sò, ốc, hến, tôm, cua. Khi chế biến cần kết hợp gia vị gừng, sả, hành, tỏi để tránh làm tổn thương tỳ vị.

Các thực phẩm có tính dưỡng tâm, kiện tỳ nên sử dụng thường xuyên trong mùa này là: cà rốt, cà chua, đậu đỏ, dâu tây, quả vả, khổ qua, dưa hấu, hạt sen, củ sen, bí đỏ, khoai lang, bắp, đậu nành, chuối, táo…

Đặc biệt lưu ý về an toàn vệ sinh thực phẩm trong mùa này. Nên ăn thực phẩm tươi, mới, sạch; tránh thức ăn cũ, có mùi lạ. 

Theo Y sĩ Mộc Nguyên – Hội Đông y Q.Phú Nhuận/PNO

 

Bình luận (0)