Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Công bố quốc tế của các nhóm nghiên cứu khá khiêm tốn

Tạp Chí Giáo Dục

Hơn 37% thầy cô được khảo sát chưa có công bố quốc tế ISI/Scopus; chỉ khoảng 34% giảng viên có công bố quốc tế ISI/Scopus trên 5 bài.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại hội thảo

Đây là kết quả khảo sát trên 216 giảng viên thuộc 40 trường ĐH, viện nghiên cứu trên cả nước nằm trong công bố của GS.TSKH Nguyễn Đình Đức (ĐH Quốc gia Hà Nội) tại hội thảo “Xây dựng cơ chế chính sách phát triển khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục ĐH” do Bộ GD-ĐT tổ chức ở Trường ĐH Sư phạm TP.HCM ngày 22-4.

Nguồn lực đầu tư hạn chế

Khảo sát này còn chỉ ra việc thiếu cán bộ khoa học đầu ngành dẫn dắt nhóm nghiên cứu; nguồn lực đầu tư cho các nhóm nghiên cứu còn hạn chế, kinh phí cho các đề tài rất khiêm tốn và thường bị cấp chậm. Cơ sở vật chất, thiết bị đầu tư cho nghiên cứu không có, thiếu hoặc không đồng bộ. Chưa có những cơ chế, chính sách mạnh để hỗ trợ và thúc đẩy nhóm nghiên cứu hình thành, phát triển trong các trường ĐH. Nếu có hỗ trợ cũng là mức kinh phí rất nhỏ (Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội hỗ trợ 50 triệu đồng/nhóm nghiên cứu/năm; con số này ở Trường ĐH Khoa học Tự nhiên khoảng 20-30 triệu đồng…).

Theo GS. Đức, một số nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế này xuất phát từ việc cán bộ giảng viên chưa ý thức đầy đủ sự gắn kết đào tạo với nghiên cứu; chưa ý thức tầm quan trọng của rèn luyện, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn qua nhóm nghiên cứu. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ, khuyến khích của đơn vị đào tạo cho các nhóm nghiên cứu chưa có, chưa đáng kể hoặc chưa cụ thể.

Để khắc phục những hạn chế, tồn tại nêu trên và thu hút nhân tài đáp ứng xu thế phát triển, vận động khách quan của các nhóm nghiên cứu, GS. Đức cho rằng Nhà nước, Bộ GD-ĐT cần sớm xây dựng chính sách hỗ trợ việc phát triển các nhóm nghiên cứu trong trường ĐH. Các chính sách này cần ban hành phù hợp từng đối tượng để đảm bảo đầu tư không lãng phí, tránh cào bằng, đem lại hiệu quả cao nhất.

Cần khuôn khổ pháp lý

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, trong năm 2018, Luật Giáo dục ĐH sửa đổi, bổ sung đã được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực từ 1-7-2019. Khi sửa đổi, bổ sung luật này, các điều khoản liên quan đến hoạt động khoa học công nghệ trong các cơ sở giáo dục ĐH cũng đã có những điều chỉnh, bổ sung.

Thứ trưởng nhìn nhận, liên quan đến khoa học công nghệ, trong những năm qua các cơ sở giáo dục ĐH cả nước đã có những nỗ lực, đạt được những kết quả tích cực. So với 5 năm trước, công bố quốc tế của Việt Nam đã tăng gấp đôi. Tuy nhiên, so với những nhu cầu chung và so với mặt bằng các nước thì các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam trong hai nhiệm vụ trọng tâm là đào tạo và nghiên cứu khoa học đã chú trọng phần đào tạo hơn, phần nghiên cứu khoa học còn yếu. Mặc dù những năm vừa qua, có những cơ sở giáo dục ĐH đã ý thức đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, đặc biệt là những hội thảo quốc tế trong nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế đã có những biến chuyển, nhưng so với nhu cầu và tiềm năng, chúng ta có thể làm tốt hơn.

GS.TS Phạm Hùng Việt (Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ phân tích phục vụ kiểm định môi trường và an toàn thực phẩm ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, chúng ta cần định hướng xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh dựa vào năng lực hiện có và nhu cầu phát triển của các trường ĐH trong mối quan hệ với định hướng phát triển của đất nước; kết hợp phát triển các nhóm nghiên cứu xuất sắc nhất trong đơn vị với việc hình thành, phát triển những nhóm nghiên cứu mới. Chúng ta không thể chỉ mong muốn có các nhóm nghiên cứu mạnh bằng cách kêu gọi các nhà khoa học trong nước và quốc tế về xây dựng trong khi các nguyên tắc, cơ chế quản lý vẫn chưa thể đổi mới ngay lập tức.

Theo Thứ trưởng, nhiệm vụ đặt ra cho toàn bộ hệ thống giáo dục ĐH đặc biệt những cơ sở giáo dục ĐH định hướng nghiên cứu là phải có một bước chuyển mạnh mẽ để đạt định hướng nghiên cứu thật sự. Trong đó, nguồn thu từ khoa học công nghệ phải chiếm một tỷ trọng đáng kể trong tổng nguồn thu của nhà trường; các số lượng công bố quốc tế của chúng ta, danh tiếng khoa học của chúng ta được quốc tế thừa nhận, biết đến.

“Hiện nay ở các cơ sở giáo dục ĐH đã bắt đầu hình thành các nhóm nghiên cứu một cách tự nhiên. Theo số liệu các trường báo cáo về Bộ GD-ĐT, những nhóm nghiên cứu tại các trường hiện nay rất nhiều. Tuy nhiên, hành lang pháp lý cho các nhóm nghiên cứu này hoạt động, quy hoạch, động lực thúc đẩy các nhóm nghiên cứu này thì hiện nay chưa có. Các trường dù có quy định đồng bộ, tuy nhiên để đảm bảo quyền lợi, động lực thúc đẩy mạnh mẽ các nhóm nghiên cứu phát triển thì cần khuôn khổ pháp lý cho các nhóm nghiên cứu này hoạt động mạnh hơn nữa” – Thứ trưởng nói.

Mê Tâm

 

Bình luận (0)