Thời tiết nắng nóng bất thường khiến nhiều người có cảm giác mệt mỏi, uể oải khó chịu, không ít người chủ quan cho rằng cơ thể bị thiếu đạm, thiếu vitamin nên đã lựa chọn phương pháp truyền đạm và các loại vitamin vào cơ thể để nhanh chóng lấy lại sức khỏe. Dù nhanh chóng, tiện lợi, thế nhưng phương pháp truyền dịch, truyền đạm tại nhà hoặc tại phòng khám (PK) tư nhân lại ẩn chứa nhiều rủi ro, thậm chí có thể dẫn đến tử vong…
Người bệnh được truyền dịch tại BV Đa khoa Sài Gòn
Mới đây, bệnh nhân V.T.T (42 tuổi, Q.Tân Bình, TP.HCM) nhập viện cấp cứu tại BV Thống Nhất.
Bệnh nhân vốn có tiền sử hẹp van hai lá, rung nhĩ, đái tháo đường, tai biến mạch máu não, phải sinh hoạt tại chỗ nhiều năm liền. Trước đó 3 ngày, bệnh nhân bị đau bụng, tiêu chảy, nôn ói nên mời BS về truyền dịch tại nhà. Trong quá trình truyền dịch, bệnh nhân khó thở, lạnh run người, mệt nên được chuyển đến BV cấp cứu.
Tại BV, kết quả chẩn đoán cho thấy, bệnh nhân bị hẹp khít van hai lá, huyết khối buồng nhĩ trái, suy tim, di chứng tai biến mạch máu não. Mặc dù bệnh nhân được các BS điều trị tích cực nhưng tình trạng không cải thiện, vẫn hôn mê sâu. Sau đó, người nhà xin đưa bệnh nhân về nhà để lo hậu sự.
BS Hoàng Ngọc Ánh – Phó khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, BV Thống Nhất – cho biết, bệnh nhân T. được chẩn đoán diễn tiến nặng trong quá trình truyền dịch. Nguyên nhân do bệnh nhân có bệnh nền suy tim, tốc độ truyền dịch vào cơ thể khiến tim không co bóp được dẫn đến ứ nước trong phổi, làm phù phổi, suy tim, suy hô hấp. Ngoài ra, trong dịch truyền thường có pha vitamin nhóm B (B1, B6, B12) dễ gây tình trạng sốc phản vệ dẫn đến tử vong nhanh chóng. Đặc biệt, nguy hiểm hơn nếu bệnh nhân được truyền dịch tại nhà hoặc PK tư nhân, khi xảy ra sốc phản vệ hoặc biến chứng mà không cấp cứu kịp thời thì nguy cơ tử vong là không thể tránh khỏi…
Theo BS Nguyễn Khắc Vui – Phó Giám đốc BV Đa khoa Sài Gòn, lâu nay nhiều người dù lớn tuổi hay trẻ tuổi có tâm lý ham truyền dịch khi cơ thể có dấu hiệu mệt, uể oải. Họ thường mời BS, điều dưỡng về nhà hoặc đến PK tư nhân để thực hiện truyền dịch. Tuy nhiên việc lạm dụng phương pháp này rất nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng do rơi vào tình trạng bị sốc phản vệ nhưng không được cấp cứu kịp thời. Những nguy cơ trên dù đã được cảnh báo từ lâu thế nhưng nhiều người vẫn “ngó lơ”. BV Đa khoa Sài Gòn thường xuyên tiếp nhận những trường hợp bệnh nhân bị sốc phản vệ do dị ứng với một trong những thành phần của dịch truyền. Trong đó, có không ít trường hợp vào BV quá trễ nên đã bị tổn thương não nặng và tử vong.
BS Vui nhấn mạnh: “Việc người dân tự ý thực hiện truyền dịch tiềm ẩn nhiều rủi ro xuất phát từ những nguyên nhân: Bệnh nhân không qua thăm khám của BS mà chỉ được điều dưỡng truyền dịch và theo dõi, khi bị sốc dịch truyền, phản ứng thuốc xảy ra thì điều dưỡng không thể xử lý được dẫn đến hậu quả rất khó lường. Mặt khác, truyền dịch nơi không đảm bảo kỹ thuật, thủ thuật cũng dễ gây nhiều biến chứng như nhiễm trùng nặng thêm tình trạng bệnh đang có sẵn, chưa kể đến việc mắc thêm nhiều bệnh lây nhiễm như HIV, viêm gan B, C… Truyền dịch chỉ được áp dụng cho những bệnh nhân mất nước, yếu nước điện giải, tiêu chảy cấp, ăn uống kém, viêm tụy cấp, sau phẫu thuật. Những bệnh nhân mắc các bệnh lý như tim, nhiễm trùng, bệnh sốt xuất huyết… cần hạn chế dịch truyền, nếu không nguy cơ quá tải dịch sẽ gây sưng, phù phổi, suy hô hấp, suy tim làm ảnh hưởng không nhỏ đến tính mạng người bệnh. Do vậy, dù bệnh ở mức độ nặng, nhẹ hoặc ở bệnh cảnh nào thì người bệnh nên theo chỉ định của BS, không được tự ý mua thuốc về nhà để truyền hoặc nhờ BS, điều dưỡng truyền dịch tại nhà nhằm tránh những biến chứng, tử vong có thể xảy ra. Khi có chỉ định truyền dịch của BS, để đảm bảo an toàn, bệnh nhân nên đến BV hoặc nơi khám bệnh có uy tín, đủ điều kiện và được Sở Y tế cấp phép có đầy đủ con người và phương tiện để kịp thời cấp cứu trong tình trạng sốc dịch nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc”.
Hoài Thương
Bình luận (0)