“Hai năm trở lại đây, hình thức dạy học ngoài trời đã được Tổ ngữ văn Trường THPT Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) áp dụng, đem lại những hiệu quả bước đầu. Qua đó góp phần cải tiến phương pháp dạy học, tăng cường khả năng tư duy của học sinh, tạo sự hứng thú trong giờ học; giúp học sinh rèn luyện các kỹ năng cần thiết, vận dụng kiến thức vào đời sống…”, cô Huỳnh Minh Nguyệt (Phó Hiệu trưởng nhà trường) cho biết.
Tiết học môn văn ngoài lớp học rất sôi nổi tại Trường THPT Ngũ Hành Sơn
Tiết học không phấn trắng, bảng đen
Tầm 3 giờ chiều, khi cái nắng đã bớt gay gắt, thay vào đó là những luồng gió mát rượi thổi xiên qua tán cây xanh giữa sân trường, trên bãi cỏ xanh mướt, tiết học môn văn của lớp 10A1 được bắt đầu bằng trò chơi “nhanh mắt, nhanh tay”. Cô Ngô Thị Nhụy (giáo viên bộ môn) lần lượt đưa ra từng hình ảnh logo biểu tượng của nhiều dịch vụ như: nhà mạng viễn thông, bảo hiểm, sữa… cùng với nền nhạc kèm theo để học sinh nhận biết. Hàng chục cánh tay đồng loạt đưa lên trả lời câu hỏi của cô giáo. Không khí tiết học trở nên sôi nổi, hấp dẫn ngay từ những phút đầu tiên. Đó là cách để cô Nhụy bắt đầu cho bài giảng về “Văn bản quảng cáo và nghệ thuật chiêu dụ”.
Tiếp đó, để đưa ra khái niệm và vai trò của chủ đề bài học, lớp được chia làm 4 nhóm, lần lượt trình bày những tư liệu về quảng cáo mà trước đó đã được các em chuẩn bị, thu thập ở nơi mình sinh sống, trước cổng trường… Những tấm hình mang tính chất quảng cáo và biển hiệu được cô Nhụy cùng học sinh phân tích để phân biệt. Để học sinh hiểu sâu hơn về bài học, 4 sản phẩm được cô Nhụy cho 4 nhóm bốc thăm ngẫu nhiên và các nhóm có 3 phút trao đổi, vẽ hình, viết lời quảng cáo giới thiệu. Tiết học trở nên sôi nổi hơn khi các nhóm lần lượt trình bày quảng cáo về sản phẩm của mình. Nhiều nhóm ngoài những thông tin cần thiết để giới thiệu về sản phẩm còn lồng ghép thêm thơ tự sáng tác để thu hút sự quan tâm đối với sản phẩm.
Em Nguyễn Anh Khoa cho biết với những tiết học ngoài trời như thế này, em cảm thấy hào hứng hơn, hiểu bài kỹ hơn, lâu hơn. Được học ngoài trời cũng không còn cảm giác buồn ngủ mà thay vào đó em thấy thoải mái, dễ tiếp thu bài. Đồng thời, trong không gian mở, cùng với tiết học mở đã tạo ra sự kết nối, rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm và giao lưu để hiểu nhau hơn. Còn em Mai Nguyễn Triều Châu chia sẻ: “Em học lớp chọn toán, trước đây em không hề thích môn văn, nhưng từ khi được tham gia tiết học môn văn ngoài trời em cảm thấy vui hơn, hấp dẫn hơn, tiếp thu bài dễ hơn. Hai tiết học ngoài trời trôi qua quá nhanh, cảm giác tiếc nuối, muốn thời gian kéo dài hơn nữa”.
Sự đổi mới thiết thực
Theo nhìn nhận của cô Nguyễn Thị Thu Thủy (Tổ trưởng Tổ ngữ văn Trường THPT Ngũ Hành Sơn) tại buổi chia sẻ kinh nghiệm tổ chức tiết dạy ngoài trời với giáo viên môn văn đến từ các trường THPT trên địa bàn thành phố, văn là môn học quan trọng, chiếm thời lượng lớn trong chương trình của học sinh. Tuy nhiên, hiện học sinh không thích học môn này ngày càng trở nên phổ biến. Có nhiều nguyên nhân, trong đó phương pháp dạy học với phương tiện chính là phấn trắng, bảng đen là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự nhàm chán của môn học. Những tiết học không phấn trắng, bảng đen, không bị bó buộc trong bốn bức tường đã được nhà trường áp dụng đối với những bài học phù hợp trong chương trình ngữ văn. Ví dụ như bài Phỏng vấn và trả lời phỏng vấn (lớp 11); Văn bản quảng cáo và nghệ thuật chiêu dụ, Văn thuyết minh (lớp 10); Phát biểu theo chủ đề; Phát biểu tự do (lớp 12)… Việc áp dụng hình thức dạy học ngoài trời tại trường thời gian qua đã tạo được sự hấp dẫn cho học sinh, các tiết học trở nên sinh động hơn và học sinh hiểu bài nhanh hơn, sâu hơn.
Cùng với các tiết học ngoài trời, Tổ ngữ văn còn phối hợp với tổ sử, địa cho học sinh tham quan danh thắng Ngũ Hành Sơn, di tích cách mạng K20, Bảo tàng Hoàng Sa. Sau các buổi tham quan ấy, học sinh có thêm tư liệu viết văn thuyết minh, văn nghị luận xã hội về truyền thống quê hương, hướng về biển đảo…
Cô Thủy cho rằng việc tổ chức tiết học ngoài trời và hoạt động tham quan ngoài trường dù vẫn còn gặp một số khó khăn như điều kiện thời tiết, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các tổ bộ môn, nhà trường, phụ huynh và chính quyền địa phương… nhưng hiệu quả mang lại đáng ghi nhận. Từ những trải nghiệm thực tế, học sinh tiếp thu, cảm nhận và nhìn nhận đúng hơn về môn văn để từ đó tìm lại sự yêu thích môn học. Để tổ chức tốt tiết học này, cô Thủy cho rằng cần phải nghiên cứu kỹ chương trình môn học, chuẩn bị kỹ năng kiến thức để lập ra kế hoạch dạy học ngoài trời phù hợp với tình hình của nhà trường và bộ môn. Giáo viên phải bám sát mục tiêu tiết học, xác định được mục tiêu của hoạt động trải nghiệm ngoài lớp học là gì để tránh tình trạng dạy học ngoài trời chỉ đơn giản là hoạt động tham quan ngoại khóa. Phải có phương pháp quản lý lớp tốt, chuẩn bị tiết học chu đáo…
“Dạy học ngoài không gian lớp học là hình thức dạy học có nhiều ưu điểm, không những góp phần phát huy được tính tích cực, khả năng tư duy, sáng tạo, các kỹ năng của người học mà còn góp phần giáo dục học sinh lòng yêu quê hương, đất nước, yêu thiên nhiên và biết bảo vệ môi trường sống”, cô Thủy nói.
Hàn Giang
Bình luận (0)