Công nhận trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia hiện đang vướng những “rào cản” của điều lệ trường tiểu học, thông tư về cơ sở vật chất, trong đó khó đạt nhất là yêu cầu về trên chuẩn trình độ đào tạo giáo viên cũng như đòi hỏi cao về cơ sở vật chất trong nhà trường.
Trường tiểu học đang khó xây dựng chuẩn quốc gia với các thông tư, điều lệ mới. Trong hình: Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Thái Bình (Q.4) trong một giờ học
Trường tiểu học phải đạt ít nhất 55% thạc sĩ
Tại TP.HCM, trong bối cảnh sĩ số học sinh không ngừng gia tăng cơ học theo hàng năm, đặc biệt tại các quận ven như Q.Thủ Đức, Bình Tân, Tân Phú, Q.12, riêng việc đảm bảo 100% học sinh được đến trường đã là nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị. Vì vậy, việc xây dựng trường tiểu học chuẩn quốc gia tại các đơn vị quận huyện này đang chịu áp lực rất lớn về sĩ số học sinh/lớp (sĩ số học sinh thường dao động lên đến trên 50 học sinh/lớp), về diện tích sân chơi, bãi tập, diện tích nhà đa năng. Thậm chí, năm học 2020-2021, nhiều quận như Q.12, Q.Bình Tân đã phải “phá chuẩn” tại một số trường để đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh.
Ngoài rào cản về sĩ số học sinh/lớp, diện tích phòng ốc sử dụng, căn cứ theo Luật Giáo dục 2019 và Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT về điều lệ trường tiểu học mà Bộ GD-ĐT vừa ban hành, có hiệu lực từ ngày 20-10-2020, việc xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia tới đây sẽ còn gặp rào cản lớn về yêu cầu trình độ giáo viên. Cụ thể, Luật Giáo dục 2019, Thông tư 28 quy định trình độ chuẩn tiểu học của giáo viên tiểu học là có bằng cử nhân đào tạo giáo viên tiểu học hoặc bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm giáo dục tiểu học, tức là chuẩn đào tạo giáo viên tiểu học phải đạt trình độ đại học.
Soi lại Thông tư 17/2018/TT-BGDĐT quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường tiểu học mà Bộ GD-ĐT ban hành năm 2018, quy định trường tiểu học được công nhận đạt chuẩn quốc gia khi đạt kiểm định chất lượng giáo dục và có kết quả đánh giá ngoài đạt từ mức độ 2 trở lên. Đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 khi trường được đánh giá đạt mức độ 2. Được công nhận chuẩn quốc gia mức độ 2 khi trường được đánh giá đạt mức 3 trở lên. Như vậy, để trường tiểu học được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 thì yêu cầu đối với giáo viên phải đạt là: Tỷ lệ giáo viên đạt trên chuẩn trình độ đào tạo đạt ít nhất 55%, đối với các trường thuộc vùng khó khăn đạt ít nhất 40%; Mức độ 2: tỷ lệ giáo viên đạt trên chuẩn trình độ đào tạo đạt ít nhất 65%, đối với các trường thuộc vùng khó khăn đạt ít nhất 50%. Điều này có nghĩa là một trong những tiêu chí để trường tiểu học được công nhận chuẩn quốc gia thì phải có ít nhất 55% giáo viên đạt trình độ từ thạc sĩ trở lên.
Căn cứ vào tình hình thực tế khi hiện tại các cơ sở giáo dục tiểu học đang phải rà soát để nâng chuẩn trình độ đại học giáo viên theo Luật Giáo dục 2019 thì việc phát triển giáo viên đạt trên chuẩn đào tạo tương đương với trình độ từ thạc sĩ trở lên là điều rất khó khăn và cần phải có một lộ trình rất dài.
Tiêu chuẩn cao về cơ sở vật chất
Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 11-7-2020, quy định về tiêu chuẩn cơ sở vật chất cơ sở giáo dục (từ mầm non đến THPT) chỉ rõ, đối với trường tiểu học, diện tích trường học tại các khu vực trung tâm đô thị có quỹ đất hạn chế thì phải đạt tối thiểu 8m2/học sinh. Tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu của trường tiểu học ngoài phòng học phải đảm bảo có các phòng bộ môn, bao gồm: Âm nhạc, mỹ thuật, khoa học – công nghệ, tin học, ngoại ngữ, phòng đa chức năng. Bên cạnh đó phải có các khối phòng hỗ trợ học tập như thư viện, phòng thiết bị giáo dục, phòng tư vấn học đường và hỗ trợ học sinh khuyết tật học hòa nhập, phòng truyền thống, phòng Đội Thiếu niên, cùng với khối phụ trợ như phòng họp, phòng y tế trường học, nhà kho, nhà để xe… Ngoài ra, Thông tư 13 cũng ban hành cụ thể những tiêu chuẩn của trường tiểu học đạt cơ sở vật chất mức độ 1, mức độ 2.
Song song với Thông tư 13, Bộ GD-ĐT cũng ban hành Thông tư 14/2020/TT-BGDĐT quy định về phòng học bộ môn của các cơ sở giáo dục phổ thông, có hiệu lực từ ngày 11-7-2020. Theo thông tư, trường tiểu học có các phòng học bộ môn: khoa học – công nghệ, tin học, ngoại ngữ, âm nhạc, mỹ thuật, đa chức năng. Diện tích làm việc tối thiểu phòng bộ môn được tính trên cơ sở diện tích làm việc tối thiểu cho một học sinh. Cụ thể, đối với phòng học bộ môn tin học, ngoại ngữ, đa chức năng diện tích làm việc tối thiểu là 1,50m2/học sinh. Đối với phòng bộ môn khoa học – công nghệ, âm nhạc, mỹ thuật, diện tích tối thiểu là 1,85m2/học sinh. Mỗi phòng có diện tích không nhỏ hơn 50m2.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, các cơ sở giáo dục tiểu học khi tiến hành xây dựng chuẩn quốc gia, đánh giá lại chuẩn quốc gia phải căn cứ vào quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất theo hai Thông tư 13, 14.
Rất khó xây chuẩn
Tại Q.1, tính đến thời điểm hiện tại chỉ có duy nhất Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học được công nhận là trường đạt chuẩn quốc gia (công nhận trước thời điểm Luật Giáo dục 2019 và điều lệ trường tiểu học, Thông tư 13, 14 có hiệu lực). Theo lộ trình năm học 2020-2021, Q.1 sẽ tiếp tục xây dựng Trường Tiểu học Phan Văn Trị chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, căn cứ theo các thông tư, điều lệ mới, cô Nguyễn Thị Hồng Yến (Hiệu trưởng nhà trường) cho hay, trường đang “vướng” quy định về diện tích học sinh và quy định về trên chuẩn trình độ giáo viên. “Mọi tiêu chí về sĩ số học sinh/lớp (đạt dưới 30 học sinh/lớp), diện tích phòng học, sân chơi bãi tập cũng như cơ sở vật chất nhà trường đều đã nỗ lực để đạt được. Song, hiện nay với quy định tối thiểu 8m2/học sinh thì rất khó đạt. Đặc biệt, con số trên 55% giáo viên đạt trình độ thạc sĩ theo quy định của chuẩn là không thể thực hiện được ở thời điểm này”.
Năm học này, Trường Tiểu học Phan Văn Trị có tổng số 705 học sinh tương đương với 26 lớp. Tính toán theo yêu cầu diện tích tối thiểu/học sinh thì nhà trường phải đạt tổng diện tích tối thiểu là 5.640m2. “Với mức diện tích sàn này thì khó có một trường tiểu học nào đạt được mà duy trì sĩ số học sinh ở mức lý tưởng chứ đừng nói quận trung tâm. Bởi nếu trường đạt được diện tích đó thì sĩ số học sinh đã “đội” lên nhiều lần rồi”, cô Yến bày tỏ.
Về yêu cầu trình độ trên chuẩn, theo cô Yến, hiện nay toàn trường có 36 giáo viên, trong đó đạt chuẩn ĐH là 29 giáo viên, 7 giáo viên đang trong lộ trình nâng chuẩn. Trên chuẩn toàn trường chỉ có 2/36 giáo viên (đạt 5,55%). “55% thạc sĩ tương đương khoảng 20 giáo viên rất khó để đạt được ở thời điểm hiện nay…”.
Tương tự, theo lộ trình năm học 2021-2022, Trường Tiểu học Nguyễn Thái Bình (Q.4) sẽ xây chuẩn quốc gia. Thầy Lê Ngọc Phong (Hiệu trưởng nhà trường) thông tin, nhà trường có lợi thế về sĩ số học sinh/lớp, đầy đủ các phòng bộ môn, diện tích, song soi vào các tiêu chí khác thì vẫn còn hạn chế. “Trường còn thiếu phòng đa năng nhưng có thể tận dụng hội trường để sử dụng. Trình độ giáo viên nhà trường hiện đạt 70% đạt chuẩn ĐH, 30% đang trong quá trình nâng chuẩn. Trường đang thiếu giáo viên mỹ thuật và tin học. Còn trình độ trên chuẩn chỉ có 1 thạc sĩ – yêu cầu trên chuẩn cũng là tiêu chí khó nhất để trường xây dựng chuẩn quốc gia”.
Trong khi đó, Trường TH Võ Văn Tần (Q.6) là đơn vị đã xây dựng chuẩn quốc gia và đang trong quá trình đánh giá lại. Cô Nguyễn Thị Lệ Hằng (Hiệu trưởng nhà trường) băn khoăn, căn cứ theo Thông tư 13, 14 thì quá trình đánh giá chuẩn lại của trường sẽ gặp khó khăn đối với những đòi hỏi về phòng chức năng vì diện tích quỹ đất của trường có hạn chế. “Ngoài vướng về phòng chức năng thì yêu cầu trình độ trên chuẩn của giáo viên cũng là khó khăn mà quá trình xây dựng chuẩn lại của trường phải đối mặt. Toàn trường chỉ có 3 giáo viên đạt trình độ thạc sĩ”.
Từ những rào cản trên, nhiều cán bộ quản lý cho rằng, Bộ GD-ĐT cần phải điều chỉnh lại thông tư kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục tiểu học cho phù hợp với Luật Giáo dục 2019 cũng như nhiều thông tư, điều lệ mới.
Bài, ảnh: Đỗ Giang Quân
Bình luận (0)