Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Cần chế tài đồng bộ để giảm lao động cư trú bất hợp pháp

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa công bố danh sách các huyện, thành, thị bị Hàn Quốc tạm dừng tuyển chọn lao động làm việc tại nước này theo Chương trình EPS năm 2020. Trong đó, các tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có nhiều địa phương nằm trong diện bị “tuýt còi” do có nhiều lao động hết hạn không về nước.
Một góc xã Đông Khê, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) – địa phương bị tạm dừng xuất khẩu lao động vì có nhiều người lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc.
Chính quyền địa phương “bó tay”
Theo thông báo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), tỉnh Thanh Hoá có 3 địa phương bị tạm dừng tuyển chọn lao động (LĐ) đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS năm 2020 là: TP.Thanh Hoá, huyện Đông Sơn và huyện Hoằng Hoá. Theo đó, huyện Đông Sơn có 216 người hết hạn hợp đồng không về nước, huyện Hoằng Hoá có 121 người và TP.Thanh Hoá là 69 người.
Tại huyện Đông Sơn, địa phương có số LĐ hết hạn không về nước là xã Đông Khê với 59 người, Đông Minh 35 người, Đông Quang 37 người, Đông Ninh 23 người… Đa số hết hạn 3-4 năm, có nhiều trường cả chục năm. Theo bà Nguyễn Thị Thu Huyền – Trưởng phòng LĐTBXH huyện Đông Sơn, đây là vấn đề nhức nhối của huyện trong mấy năm qua.
Bà Huyền cho hay, huyện đã triển khai mọi biện pháp có thể, từ việc cán bộ đến tận nhà vận động người thân, phát thanh liên tục trên loa của xã, thôn, công bố danh sách đến tận thôn… nhưng không ăn thua. Bộ LĐTBXH cũng nhiều lần về huyện tổ chức hội nghị, mời các thân nhân của  người đang bỏ trốn tham dự, tuyên truyền nhưng tất cả đều không mấy hiệu quả.
Nhiều gia đình có người thân đang LĐ bất hợp pháp tại Hàn Quốc phản ánh, những người lao động (NLĐ) ở đây vẫn đi lại ngoài đường bình thường, LĐ chui thì lương cao hơn. Có người còn tổ chức thu gom LĐ hết hạn ở lại LĐ bất hợp pháp, vì vậy họ vẫn bám trụ lại Hàn Quốc cho dù gia đình, địa phương thuyết phục bằng mọi cách.
Chỉ mới tuyên truyền được “phần ngọn”
Thông báo của Bộ LĐTBXH ngày 5.6 cho thấy, tỉnh Hà Tĩnh có 2 huyện là Kỳ Anh và Nghi Xuân bị dừng tiếp nhận LĐ sang làm việc ở Hàn Quốc do có số LĐ hết hợp đồng không về nước đúng hạn từ 28% trở lên và có LĐ cư trú bất hợp pháp từ 53 người trở lên.
Ngày 9.6, ông Trần Bá Toàn – Trưởng phòng LĐTBXH huyện Kỳ Anh – cho hay, năm 2019, huyện này cũng là địa phương bị dừng tuyển LĐ sang Hàn Quốc diện EPS do có đến 62 LĐ hết hợp đồng không về nước.
Ông Toàn nói rằng, thời gian qua, Phòng LĐTBXH huyện đã có văn bản gửi về chính quyền các xã để tuyên truyền đến người dân khi đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) phải chấp hành theo đúng hợp đồng LĐ, hết hợp đồng phải về nước, không được ở lại bất hợp pháp. Tuy nhiên, việc tuyên truyền, vận động vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.
“Nguyên nhân chính vẫn là do làm việc ở Hàn Quốc cho thu nhập cao, 30-40 triệu đồng/tháng nên dù hết hợp đồng, NLĐ vẫn cố ở lại. Phần nữa, một số chủ sử dụng LĐ ở Hàn Quốc dù biết LĐ đã hết hợp đồng nhưng vẫn sử dụng vì họ đã có tay nghề” – ông Toàn nói.
Ông Đinh Văn Nam – Trưởng Phòng LĐTBXH huyện Nghi Xuân – thông tin, toàn huyện hiện có 13.758 người đi XKLĐ ở nước ngoài. Trong đó, riêng ở Hàn Quốc là 3.532 người. Những năm gần đây, huyện Nghi Xuân liên tục bị từ chối tiếp nhận LĐ làm việc ở Hàn Quốc theo Chương trình EPS vì có số LĐ hết hợp đồng, trốn ở lại LĐ bất hợp pháp cao. “Ngoài cho thu nhập cao, thì việc tuyên truyền của chúng ta chỉ làm phần ngọn vì tuyên truyền trong nước, trong khi cái gốc là NLĐ bất hợp pháp đang ở nước ngoài” – ông Nam nói. Ông Nam cho rằng, cần phải có chế tài mạnh để xử lý mới mang lại hiệu quả hơn.
Những người phụ trách lĩnh vực LĐTBXH ở Kỳ Anh, Nghi Xuân cũng bất bình khi chính những LĐ hết hợp đồng không về nước ở Hàn Quốc đã gây hệ lụy lớn, ảnh hưởng đến hoạt động XKLĐ của địa phương.Cchính họ đã tước đi cơ hội XKLĐ sang Hàn Quốc của nhiều người khác.
2 năm, vận động được hơn 1.000 lĐ về nước
Nhiều năm trước, Nghệ An là “điểm nóng” về hiện tượng NLĐ hết hạn không về nước nên địa phương đã triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp đồng bộ để vận động LĐ. Theo số liệu của Sở LĐTBXH Nghệ An, năm 2017, toàn tỉnh có 10 huyện, thị nằm trong danh sách bị phía Hàn Quốc tạm dừng tuyển LĐ xuất khẩu diện EPS. Năm 2018 – 2019, tỉnh có 9 huyện nằm trong “danh sách đen”. Đến giữa năm 2020, Nghệ An còn 3 huyện, thị nằm trong danh sách bị tạm dừng chương trình EPS. Cụ thể: Nghi Lộc: 299 người, TX.Cửa Lò 204 người, Nam Đàn 153 người. Tổng số LĐ bất hợp pháp tại thời điểm cuối 2019 là 2.300 người, đến nay giảm được 1.000 người, còn khoảng 1.300 người trên tổng số khoảng 10.000 người đang LĐ tại Hàn Quốc.
Ông Trần Phi Hùng – Trưởng phòng Việc làm – An toàn lao động, Sở LĐTBXH tỉnh Nghệ An – cho biết: Nghệ An đặt ra mục tiêu đến năm 2023 sẽ đưa toàn bộ LĐ bất hợp pháp tại Hàn Quốc về nước. “Chúng tôi tạo điều kiện cho NLĐ về nước đúng hạn và LĐ bất hợp pháp tự nguyện về nước được tham gia thi tuyển các chương trình EPS tiếp theo. Tuy nhiên, cần có giải pháp đồng bộ từ phía chính quyền, doanh nghiệp Hàn Quốc, thì vấn đề LĐ bất hợp pháp mới được giải quyết triệt để” – ông Hùng nói.
PV (theo laodong)

Bình luận (0)