Các thiên thể đặc biệt đã được phát hiện nhờ Camera Năng Lượng Tối, một thiết bị tối tân được gắn trên Kính viễn vọng Victor Blanco tại Cerro Tololo Inter-American của Mỹ đặt tại Chile.
Chúng được gọi là những "vật thể xuyên Sao Hải Vương" (TNO), cách mặt trời khoảng 30-90 đơn vị thiên văn (1 đơn vị thiên văn là khoảng cách từ mặt trời đến trái đất) thuộc đạng hành tinh nhỏ. Hành tinh nhỏ hay hành tinh vi hình là thuật ngữ thiên văn dùng dể chỉ những vật thể nhỏ hơn các hành tinh và hành tinh lùn, nhưng lớn hơn các tiểu hành tinh và không phải là sao chổi.
Hệ thống Kính viễn vọng Victor Blanco
Theo nghiên cứu vừa công bố trên The Astrophysical Journal Supplement Series này, tổng cộng đã có 316 TNO được ghi nhận trong dữ liệu của Camera Năng Lượng Tối, nhưng chỉ có 139 hành tinh nhỏ nói trên là chưa từng được biết đến. Việc phát hiện chúng là vô cùng khỏ khăn, bởi chúng quá xa và thường lẩn khuất trong vùng tối phía sau sao Hải Vương
Theo nhà vật lý thiên văn Gary Bernstein (Đại học Pennsylvania, Mỹ), thành viên nhóm nghiên cứu, họ đang xem xét kỹ càng hơn 139 hành tinh nhỏ này với hy vọng lần ra manh mối về một thứ hấp dẫn hơn: hành tinh thứ 9 của Hệ Mặt trời.
Trước đó, nhiều nghiên cứu đã đưa ra các manh mối cho thấy ngoài 8 hành tinh đã biết, Hệ Mặt trời còn sở hữu một hành tinh thứ 9 vô cùng to lớn, cách mặt trời đến 200 đơn vị thiên văn. Chưa ai có thể quan sát được nó, nhưng nhiều nhóm khoa học gia trên thế giới đã "nhìn" nó một cách gián tiếp thông qua những tác động bí ẩn mà họ ghi nhận được trên các vật thể khác ở rìa Hệ Mặt trời, cho thấy phải có một cái gì đó to lớn – như một hành tinh khổng lồ – đang dùng lực hấp dẫn của mình khuấy đảo vùng không gian xa xôi đó.
Tác giả Bernstein và các cộng sự cũng hy vọng tìm được dạng manh mối tương tự nhưng rõ ràng hơn, dựa trên những gì 139 hành tinh nhỏ này chịu tác động ở vùng tối bí mật chúng đang cư ngụ.
HT (theo khoahoc.tv)
Bình luận (0)