Thời tiết nắng nóng, ô nhiễm khói bụi ở mức cảnh báo, người dân cần chủ động phòng tránh bệnh hô hấp. Ảnh: H.T
Trẻ em, người già “đua nhau” nhập viện
Tại Khoa Khám bệnh, BV Nhi đồng 1, bà Nguyễn Thị Em (54 tuổi, Q.Tân Phú) cho biết, cháu của bà hiện đang học lớp 3 tại một trường tiểu học gần nhà, mỗi ngày bà đều dắt cháu đi bộ đến trường. Khoảng hơn 1 tháng trở lại đây, đoạn đường từ nhà tới trường có nhiều xe chở vật liệu xây dựng qua lại nên rất bụi. Tuần trước, cháu bà bị ho khan, hắt xì, than mệt nhưng gia đình chủ quan không đưa đi khám. Gần đây, cháu ho nhiều và có đàm sẫm màu nên được đưa đi khám tại BV Nhi đồng 1. Các BS cho biết, cháu bà bị viêm đường hô hấp nặng do khói bụi…
Chị Hoàng Thị Quỳnh (32 tuổi, Q.10) cũng cho biết, con gái chị năm nay 11 tuổi, cách đây 3 năm bé bị hen suyễn, thường xuyên khó thở. Điều trị rất kiên trì đến nay tình trạng mới ổn định. BS cũng thường xuyên khuyến cáo con chị phải hạn chế tiếp xúc với môi trường khói bụi, tránh tình trạng bệnh trở nặng hơn. Do đó chị Quỳnh hạn chế cho con ra đường và thường xuyên bịt khẩu trang cho con. Tuy nhiên nhiều ngày trở lại đây con chị có biểu hiện khó khở, ngứa đường hô hấp nên chị cho con đi khám…
Theo thống kê của BV Nhi đồng 1, hiện nay mỗi ngày Khoa Khám bệnh tiếp nhận khoảng 6.000 bệnh nhi. Trong đó 20-30% mắc các bệnh lý về đường hô hấp, 10-20% mắc các bệnh về tiêu hóa, khoảng 5% mắc bệnh tay chân miệng…
BS Phạm Văn Hoàng – Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 1 – cho biết, số bệnh nhi đến khám tăng hơn 5% so với tháng trước.
Ngoài trẻ em, người già có sức đề kháng kém cũng dễ mắc các bệnh hô hấp, viêm mũi dị ứng, phổi tắc nghẽn mãn tính…
Tại BV Thống Nhất, ông Lê Văn Châu (56 tuổi, huyện Bình Chánh) cho hay ông bị phổi tắc nghẽn mãn tính đã 6 năm nay. Gần đây, thời tiết nắng nóng cộng với khói bụi nên ông luôn cảm thấy khó chịu, khó thở khi ra đường…
Mang khẩu trang có than hoạt tính
BS Hoàng chia sẻ, dưới tác động của nắng nóng và tia cực tím, môi trường ô nhiễm với khói bụi gia tăng sẽ khiến sức đề kháng của trẻ em giảm, dễ bị thiếu nước dẫn đến rối loạn điện giải do bài tiết mồ hôi nhiều hơn. Trẻ thường mắc các nhóm bệnh về hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản; bệnh tiêu hóa như tiêu chảy cấp, viêm ruột; các bệnh về da như nhiễm trùng da, viêm da, rôm sảy… Với những bệnh lý về đường hô hấp, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh dễ trở nặng và ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của trẻ về lâu về dài.
BS Hoàng Mạnh – Phó Trưởng khoa Khám bệnh, BV Thống Nhất – thông tin, thời tiết nắng nóng, người già ít có cảm giác khát nên không nhớ bổ sung nước đầy đủ cho cơ thể; không chủ động bảo vệ sức khỏe dẫn đến dễ mắc hoặc tái phát các bệnh hô hấp. Nhiều trường hợp đến BV khi bệnh đã nặng, khó khăn trong công tác điều trị.
Đà Nẵng: Trẻ nhập viện tăng Khoảng 2 tuần trở lại đây, với nền nhiệt luôn duy trì từ 35 độ C trở lên khiến nhiều người, đặc biệt là trẻ em ở Đà Nẵng phải nhập viện. Thống kê sơ bộ, bình quân mỗi ngày BV Phụ sản – Nhi Đà Nẵng tiếp nhận từ 1.200 đến 1.500 trẻ đến khám, trong đó có 1/3 bệnh nhi phải nhập viện điều trị (tăng từ 30 đến 50% so với trước). Nhu cầu khám chữa bệnh quá nhiều khiến không khí trước phòng khám của Khoa khám Đa khoa – Cấp cứu trở nên ngột ngạt. Phụ huynh liên tục phải dùng thêm quạt giấy quạt mát cho con để hạ bớt nhiệt trong khi chờ tới lượt khám. Đưa con đến từ sớm, chị Hồ Thị Thảo (Q.Sơn Trà) cho hay: “Thời tiết quá nắng nóng, mấy hôm nay cháu cứ sốt, sổ mũi liên tục và nổi rôm sảy, không chịu ăn nên người gầy rạc đi. Tôi đến đã khá lâu, mong là cháu chỉ bị nhẹ để mua thuốc về nhà cho tiện chăm sóc, chứ ở trong BV chật chội thế này thì bệnh thêm”. Bác sĩ Lê Văn Dũng – Khoa Khám đa khoa – Cấp cứu – cho biết, trẻ nhập viện phần lớn do bị viêm phổi, viêm hô hấp, tiêu hóa, tiêu chảy cấp và sốt siêu vi… Tình trạng nắng nóng kéo dài là nguyên nhân khiến trẻ mệt, giảm sức đề kháng, từ đó các vi khuẩn, virus dễ dàng xâm nhập gây bệnh. “Phụ huynh nên chú ý giữ vệ sinh sạch sẽ cho con, tránh cho con đến những nơi tập trung đông người. Cho trẻ dùng điều hòa ở mức độ vừa phải, không quá lạnh và tránh để trẻ chạy ra chạy vào liên tục giữa không gian có điều hòa và ngoài trời dễ gây sốc nhiệt. Bên cạnh đó, cần chú ý chế độ dinh dưỡng cho trẻ trong những ngày này. Khi trẻ có biểu hiện sốt, sổ mũi, lười ăn thì hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám, kịp thời điều trị, tránh để tình trạng bệnh nặng mới đến viện”, BS Dũng khuyến cáo. V.Yên
Trời nắng nóng, mỗi ngày BV Phụ sản – Nhi Đà Nẵng tiếp nhận khoảng 1.500 bệnh nhi khám, điều trị. Ảnh: V.Y |
BS Quách Minh Phong – Phó khoa Nội tổng hợp, Trưởng đơn vị hô hấp BV Q.2 – cho hay, nắng nóng khiến tình trạng khói bụi ô nhiễm càng trầm trọng là nguyên nhân khiến các bệnh lý hô hấp tăng. Cụ thể, tất cả loại xe cơ giới từ ô tô đến xe gắn máy đều xả thải khói bụi, sinh ra khí độc như oxit cacbon (1 trong những khí độc nhất), khi người lưu thông di chuyển phía sau những chiếc xe gắn máy hoặc ô tô đời cũ, lượng khí thải còn nhiều hơn. Ngoài ra, trong môi trường sống có rất nhiều bụi mịn (bụi sắt, bụi silicat siêu nhỏ…) sinh ra từ công trình xây dựng, nhà máy sản xuất. Nếu hít vào cơ thể trong thời gian dài, bụi sẽ tích tụ sâu tận tiểu phế quản gây bệnh hô hấp, tổn thương phổi, nhất là những bệnh nhân có bệnh nền về hô hấp như hen suyễn khi hít vào có thể khiến cơn hen nặng hơn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nặng hơn. Trong những năm gần đây TP.HCM và Hà Nội được cảnh báo là địa phương có lượng bụi mịn vượt ngưỡng cho phép.
Để chủ động phòng các bệnh về đường hô hấp trong mùa nắng nóng, BS Phong khuyến cáo, người dân khi ra đường cần mang khẩu trang có than hoạt tính để che chắn bụi. Hiện nay, người dân chủ yếu sử dụng khẩu trang bình thường chỉ có tác dụng che nắng. Khi có những dấu hiệu như hắt xì, ngứa đường hô hấp, khó thở, mệt mỏi, ho, ho hạt đàm, đàm đổi màu… người bệnh cần đến cơ sở y tế có chuyên khoa hô hấp để được khám và điều trị.
Hoài Thương
Bình luận (0)