Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Vượt qua nỗi sợ hãi… mùa thi

Tạp Chí Giáo Dục

Dù đã xác đnh rõ hưng đi sau THCS, nhưng nhiu hc sinh vn còn nng tâm lý lo lng khi mùa thi đã ti gn. Ảnh: H.T

Từ nỗi lo lắng, áp lực học tập, mỗi học sinh nên bình tâm và chủ động chuẩn bị tốt hành trang, kiến thức để tự tin bước vào kỳ thi. Đó là lời khuyên được chuyên gia tâm lý Đỗ Văn Sự dành cho hàng trăm học sinh lớp 9 đến từ các trường THCS Bình Thọ, THCS Lê Quý Đôn, THCS Lê Văn Việt và THCS Trường Thọ trong chương trình “Tuyển sinh, hướng nghiệp học sinh sau THCS” năm 2019. Chương trình do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT TP.HCM cùng các đơn vị khác tổ chức tại Trường THCS Bình Thọ (Q.Thủ Đức) ngày 26-4.

Tại chương trình, rất nhiều học sinh cho biết dù đã hoàn thành việc làm hồ sơ, đăng ký nguyện vọng cho các hướng đi của mình, thế nhưng chỉ còn một thời gian ngắn sẽ chính thức bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 nên vẫn không tránh khỏi những áp lực, lo lắng. Tuy nhiên, vì không biết cách tự giải tỏa tâm lý, kết quả ôn tập của nhiều học sinh vẫn “giậm chân tại chỗ”. Trước những lo lắng trên, ông Sự chia sẻ: Trong cuộc sống, mỗi người đều có rất nhiều nỗi sợ hãi. Đối với học sinh, nỗi sợ diễn ra gần như thường trực với những bài kiểm tra 15 phút, kiểm tra 1 tiết, kiểm tra bài cũ… Thế nhưng, tất cả các em đều sẽ vượt qua, và kết quả tốt hay chưa tốt phụ thuộc vào mỗi người. Nếu biết xác định đúng mục tiêu và vượt qua bằng nỗ lực thì học sinh sẽ đạt kết quả tốt và ngược lại. “Nỗi sợ hãi vừa có lợi vừa có hại, nếu xác định đúng hướng và nỗ lực thì nỗi sợ sẽ trở thành động lực, ngược lại sẽ bị nỗi sợ kìm hãm. Thực tế đó đúng với câu nói: “Nếu bạn không có sự chuẩn bị tức bạn đang chuẩn bị cho sự thất bại”. Do đó, mỗi học sinh dù lo lắng nhưng cần bình tâm và có những sự chuẩn bị hợp lý cho mình”, ông Sự nói.

Theo ông Sự, sự chuẩn bị hợp lý để vượt qua nỗi sợ hãi trong mùa thi chính là phải có sức khỏe về thể chất và tinh thần vững vàng. Ông Sự đưa ra lời khuyên: “Đối với thể chất, học sinh cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng đủ chất, đủ lượng, nên bổ sung bằng các loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng như nấm, cá, trứng, đậu hũ, ăn nhiều rau, nhiều trái cây, uống nhiều nước, sữa chua… Kế hoạch học tập cần phân bố khoa học, chú trọng vào những môn còn yếu. Học sinh nên ngủ đủ giấc ở khung giờ vàng từ 11 giờ tối đến 4 giờ sáng. Quá trình ôn tập căng thẳng có thể kết hợp vận động nhẹ… Bên cạnh đó, tinh thần cần tư duy tích cực thay vì những suy nghĩ tiêu cực. Mỗi học sinh nên xác định rằng “mình đang chiến đấu với chính mình”, để vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân, không nên quá quan tâm đến cách học hay kết quả học tập của bạn khác để tránh mất tập trung. Ngoài ra, yếu tố không kém phần quan trọng là phụ huynh cần tạo điều kiện tốt cho con ôn tập, khích lệ để tạo tâm lý thoải mái, tránh không gây áp lực quá lớn cho con, bởi sẽ khiến con học đối phó, học trước quên sau…”.

Hoài Thương

 

Bình luận (0)