Trước thực trạng nhiều tuyến đường bị ngập lụt mỗi khi mùa mưa đến, triều cường dâng cao, cuối tháng 2-2019, UBND quận Thủ Đức đã cho ra mắt “App đô thị Thủ Đức”. Sau một thời gian đưa vào khai thác, vận hành trên địa bàn quận, nhiều người cho rằng đây là “bửu bối” phản ánh sự cố ngập nước nhanh, đơn giản, tiện lợi.
“App đô thị Thủ Đức” giúp người dân ngồi một chỗ cũng có thể phản ánh tình trạng ngập lụt trên địa bàn quận. Ảnh: T.Tri
Có thể phản ánh mọi lúc, mọi nơi
Lúc 8 giờ sáng 30-9-2019, một người dân trú tại địa chỉ 111/6/4 QL 1A phường Tam Bình phản ánh rằng nơi mình đang sinh sống đã xảy ra tình trạng tràn đê, dẫn đến nước ngập lênh láng, gây ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt cũng như việc đi lại của cư dân nơi đây, mong chính quyền địa phương đắp đê lại. Sau khi tiếp nhận thông tin, khoảng 16 giờ ngày 1-10, UBND phường đã khắc phục xong sự cố, đồng thời thông báo giải thích nguyên nhân cho người dân. Theo UBND phường này, tình trạng ngập trên do khu vực nhà trọ số 117/5 đã xuống cấp, nước tràn từ phía sau nhà tiếp giáp rạch và tràn từ nền nhà ra hẻm. Nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, UBND phường sẽ thường xuyên xuống kiểm tra, hỗ trợ người dân chống ngập khi mực nước cao hơn 30cm so với mặt hẻm.
Trước đó, khoảng 6 giờ sáng 27-9, một người dân khác cũng phản ánh: “Hai ngày nay tại hẻm 80/7 đường số 9, khu phố 5, Hiệp Bình Phước bị nước từ sông Sài Gòn tràn vào, rất mong các anh xuống kiểm tra và khắc phục”. Nhận được tin báo, vài tiếng sau, UBND phường đã phối hợp với Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình quận Thủ Đức và Công ty Thanh Tuấn (đơn vị thi công tuyến kè) xuống kiểm tra, đắp lại bờ chống nước tràn, làm hài lòng dân.
Ngoài phản ánh về tình trạng ngập nước, “App đô thị Thủ Đức” còn có thể giúp người dân giải tỏa bức xúc về tình trạng xây dựng không phép, sai phép; lấn chiếm lòng lề đường; rác thải, vệ sinh môi trường.
Cụ thể vào 17 giờ ngày 18-9 một người dân đã chụp hình và gửi thông tin phản ánh về việc một xưởng sản xuất cơ khí (phường Tam Phú) thải khí ra nồng nặc từ 15 đến 17 giờ hằng ngày, đáng nói là loại khí này chưa được qua hệ thống xử lý. Nhận thấy đây là vấn đề cấp bách, cần giải quyết ngay, cán bộ kinh tế phường cùng Ban điều hành khu phố 2 tiến hành trao đổi và làm việc với Công ty TNHH cơ khí Quang Sơn (bị phản ánh), yêu cầu công ty này không thực hiện đốt củi để phát tán khí ra môi trường gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như cuộc sống người dân xung quanh, sau đó công ty này đã chấp hành.
Những thông tin được người dân phản ánh vào “App đô thị Thủ Đức”. Ảnh: Hồ Trinh
Không chỉ vậy, khi sử dụng “App đô thị Thủ Đức”, người dân còn có thể phản ánh sự cố về đường, biển báo, đề tín hiệu giao thông, sự cố cây xanh, an ninh trật tự tại địa bàn quận. Chỉ cần chiếc điện thoại thông minh có kết nối với internet, sau đó vào CH Play hoặc App Store tìm kiếm từ khóa “Đô thị Thủ Đức” rồi tải về. Từ màn hình chính của ứng dụng, người dùng chạm vào “gửi phản ánh”, tiếp tục nhập thông tin phản ánh (tải lên ảnh vi phạm, chọn phường, lĩnh vực, đường, địa chỉ, mô tả sự cố) sau đó nhấn “gửi” để gửi phản ánh. Thông tin sau đó sẽ được chuyển đến UBND quận, quận nhanh chóng chỉ đạo phường (nơi có phản ánh) xuống tận nơi xử lý trong thời gian quy định, không cần xác minh chính xác thông tin người gửi. Tuy nhiên nếu cá nhân nào cố tình gửi thông tin ảo, UBND quận Thủ Đức sẽ có biện pháp xử lý nghiêm, tránh những trường hợp tương tự xảy ra làm mất thời gian, công sức của những người quản lý, cán bộ quản lý đô thị.
Phản ánh qua “App đô thị Thủ Đức” đều được xử lý
Theo ông Trần Văn Dũng (Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức) trong khoảng 6 tháng kể từ khi đưa vào khai thác, vận hành “App đô thị Thủ Đức”, đơn vị này đã tiếp nhận nhiều phản ánh trong đó có 860 phản ánh thật, 51 phản ánh ảo, xử lý xong 829 phản ánh, đạt 96,4%. “Để phần mềm được vận hành một cách hiệu quả, UBND quận Thủ Đức đã cùng với UBND các phường tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt phần mềm, vì vậy đa số người dân đều biết cách sử dụng. Mặc dù cũng có một số phản ánh có nội dung bị lỗi chính tả, thông tin địa chỉ không chính xác, sai lĩnh vực phản ánh nhưng vẫn được các đơn vị, phòng ban trực thuộc quận và 12 phường tiếp nhận và xử lý theo quy trình, lĩnh vực được phân công” – ông Dũng cho biết.
Với những người dân không có điện thoại hoặc không thành thạo khi sử dụng điện thoại thông minh, ông Dũng hướng dẫn: Khi xảy ra sự cố về trật tự xây dựng, hạ tầng kỹ thuật đô thị và vệ sinh môi trường trên địa bàn thì cũng có thể liên hệ trực tiếp đến các cơ quan chuyên môn để gửi thông tin phản ánh theo hệ thống 1022 của thành phố. Theo đó những nội dung phản ánh của người dân sẽ được thành phố chuyển theo hệ thống hoặc văn bản đến các cơ quan, đơn vị, phòng ban chuyên môn thuộc quận để xem xét, giải quyết đảm bảo theo quy định.
Hồ Trinh
Bình luận (0)