Các trường thành viên Đại học Quốc gia TP.HCM đã đồng loạt công bố điểm chuẩn bằng xét kết quả thi đánh giá năng lực vào chiều qua 17.7. Trước đó, các trường cũng gọi thí sinh trúng tuyển bằng các phương thức khác, vậy còn bao nhiêu chỉ tiêu cho xét kết quả thi THPT quốc gia?
Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực đợt 2 vào ĐH Quốc gia TP.HCM tháng 7 vừa qua. ĐÀO NGỌC THẠCH
Điểm chuẩn tăng mạnh
Năm nay, ĐH Quốc gia TP.HCM lần thứ 2 tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển những thí sinh (TS) đỗ tốt nghiệp trực tiếp vào các trường. Với trên 46.000 TS dự thi, kết quả kỳ thi được sử dụng để xét tuyển vào hệ thống ĐH này. Nhìn chung, điểm chuẩn các ngành xét bằng kết quả thi năng lực năm nay tăng khá nhiều so với năm ngoái.
Trong hệ thống ĐH Quốc gia TP.HCM, Trường ĐH Công nghệ thông tin có mức điểm chuẩn các ngành (bằng phương thức thi đánh giá năng lực) dao động từ 750 – 980. Trong đó có 6 ngành điểm chuẩn từ 900 trở lên như: thương mại điện tử, khoa học máy tính, kỹ thuật phần mềm, an toàn thông tin, công nghệ thông tin, khoa học máy tính chất lượng cao.
Trường ĐH Bách khoa có trên 2.200 TS trúng tuyển vào trường bằng phương thức này (trong tổng số trên 6.700 TS nộp hồ sơ). Thống kê của trường này cho thấy 5 ngành có điểm trúng tuyển từ hơn 900 (thang điểm 1.200), 9 ngành có điểm chuẩn nằm trong ngưỡng trung bình khá đến khá, dưới 800. Đặc biệt là có gần 40% TS trúng tuyển từ 900 điểm trở lên, trong đó có 120 (chiếm 5,3%) TS trúng truyển có điểm thi từ 1.000 trở lên. TS cao nhất của kỳ thi năng lực do ĐH Quốc gia tổ chức năm nay đã trúng tuyển vào Trường ĐH Bách khoa.
Phương thức xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Kinh tế – Luật nhận được tổng cộng 5.888 hồ sơ với 9.345 nguyện vọng. Điểm trung bình trúng tuyển là 898 (tính theo TS trúng tuyển). Năm nay, TS có điểm thi cao nhất là 1.075/1.200 và ngành có điểm chuẩn cao nhất là kinh tế quốc tế (kinh tế đối ngoại) 980 điểm. Trong 38 chương trình đào tạo có 11 chương trình điểm trúng tuyển trên 900.
Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn điểm chuẩn các ngành từ 630 – 910 (trong đó ngành cao nhất là ngôn ngữ Anh). Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết điểm chuẩn xét kết quả thi này của năm nay cao hơn nhiều năm trước do số TS đăng ký dự thi nhiều hơn.
Còn lại bao nhiêu chỉ tiêu ?
Xét tuyển bằng kỳ thi đánh giá năng lực cũng chỉ là một trong số các phương thức xét tuyển trong năm nay. Vậy sau khi xét TS bằng các phương thức (xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, điểm thi năng lực) thì các trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM còn bao nhiêu chỉ tiêu cho xét kết quả thi?
Thạc sĩ Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin – Truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho biết tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường năm nay là 3.450. Trong đó, trường đã gọi 20% chỉ tiêu theo phương thức xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển, thêm 30% chỉ tiêu cho xét kỳ thi năng lực. Như vậy, chỉ tiêu còn lại của trường dành cho xét kết quả thi khoảng 50% (tương đương khoảng trên 1.700 TS).
Tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, có 271 (chiếm 12%) TS đồng thời trúng tuyển theo diện điểm thi đánh giá năng lực và các diện khác (tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển). PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, cho hay trường còn lại khoảng 50% chỉ tiêu như dự kiến ban đầu (tương đương khoảng 2.540 TS) cho xét kết quả thi THPT quốc gia. “Đây là tỷ lệ còn lại sau khi trường đã tính trừ hao trường hợp TS trúng tuyển nhưng không nhập học”, ông Thắng nói.
Tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, theo tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, TS trúng tuyển bằng các phương thức xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển và thi năng lực chỉ chiếm từ 25 – 30% tổng chỉ tiêu. Chỉ tiêu cho xét kết quả thi THPT quốc gia vẫn 70 – 75% (tương đương 2.600 TS). Ông Hạ cho biết kinh nghiệm năm trước cho thấy chỉ khoảng 60% TS trúng tuyển nhập học bằng các phương thức này do có những TS trúng tuyển đồng thời bằng nhiều phương thức.
Thạc sĩ Nguyễn Hải Trường An, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế – Luật, cũng cho biết chỉ tiêu còn lại của trường dành cho xét kết quả thi khoảng 50% (tương đương trên 1.000 TS). Con số này trường cũng đã trừ hao tỷ lệ TS trúng tuyển nhưng không nhập học.
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ lưu ý TS có thể trúng tuyển đồng thời nhiều phương thức nhưng chỉ được lựa chọn một phương thức để nhập học. Sau thời gian quy định, TS có tên trong danh sách trúng tuyển nhưng không xác nhận nhập học sẽ bị hủy kết quả. Còn TS đã xác nhận nhập học sẽ không được tham gia xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia.
Có trường chỉ lấy 400/1.200 điểm
Cùng một kết quả thi với tổng điểm bài thi tối đa 1.200 điểm nhưng các trường có mức xác định điểm chuẩn khác nhau. Nhiều trường ngoài hệ thống cũng công bố mức điểm chuẩn ở mức thấp hơn.
Trường ĐH Thủ Dầu Một (Bình Dương) công bố điểm chuẩn thi năng lực ở mức 500 cho tất cả các ngành. Trường ĐH Công nghệ TP.HCM điểm trúng tuyển đợt 1 các ngành dao động từ 650 – 725. Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM từ 600 – 700. Trường ĐH Nha Trang xác định điểm trúng tuyển với kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM từ 580 – 650. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành là 600 (riêng y khoa 850). Đáng chú ý, Trường ĐH Văn Hiến công bố điểm trúng tuyển xét theo kết quả kỳ thi này mức 400/1.200 cho tất cả các ngành.
Theo Hà Ánh/TNO
Bình luận (0)