Vào sáng 27-4, thi thể một phượt thủ đã được phát hiện trên cung đường Tà Năng – Phan Dũng. Đây là trường hợp tử vong thứ 3 trong 3 năm qua trên cung đường được xem là điểm hấp dẫn các phượt thủ, nhưng cũng là nơi hoang vu và đầy hiểm trở.
Cung đường Tà Năng – Phan Dũng hấp dẫn phượt thủ bởi cảnh đẹp hùng vĩ và địa hình hiểm trở
Công an huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) xác nhận nạn nhân tử vong là anh Nguyễn Quốc Phong (42 tuổi, ngụ phường 7, thành phố Vũng Tàu). Thi thể nạn nhân được một người dân đi hái lan rừng phát hiện trên dốc đồi thông thuộc xã Đạ Quyn (huyện Đức Trọng). Bên cạnh nạn nhân là một chiếc xe máy và nhiều vật dụng cá nhân khác. Theo nhận định của công an địa phương, nhiều khả năng anh Phong đi một mình, khi bị tai nạn không được cứu giúp nên đã tử vong. Cũng trên cung đường này, vào tháng 5-2018 phượt thủ Thi Anh Kiện (24 tuổi, ngụ TP.HCM) đã tử vong tại một thác nước sâu trong rừng. Tương tự, vào ngày 7-10-2017, nữ phượt thủ Nguyễn Việt Tuyết Q. (32 tuổi, ngụ xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) đã cùng 15 người bạn khám phá cung đường rừng nguyên sơ này, lúc đến suối Phan Dũng (gần thác Yavly) thì trời mưa to, thác lũ đổ về ào ạt. Trong lúc vượt suối, Q. tách đoàn đi qua chỗ có đá trơn trượt nên bị cuốn trôi. Thi thể của nạn nhân đã được tìm thấy một ngày sau đó.
Nói về những vụ tai nạn xảy ra trên cung đường Tà Năng – Phan Dũng trong những năm qua, ông Hoàng Văn Duy (Chủ tịch xã Phan Dũng) cho biết, đây là địa bàn rừng núi có nhiều lối mòn nên rất dễ bị lạc nếu không thuộc địa hình. Bên cạnh đó, vùng này còn có địa hình hiểm trở, nhiều ghềnh thác. Tiêu biểu như thác Lao Phào có chiều cao tới 300m, cách đường mòn rừng rất xa nên ít người lui tới kể cả dân địa phương. Tuy nhiên, từ khi cung đường này trở nên nổi tiếng, rất nhiều bạn trẻ ở các tỉnh phía Nam đổ lên, tự phát tổ chức tour đi xuyên rừng. Do đó, để đảm bảo an toàn trong những chuyến du lịch khám phá, các phượt thủ cần có kinh nghiệm, kỹ năng sinh tồn và đặc biệt là rất cần có người địa phương dẫn đường.
Trong khi chờ những đề xuất của UBND xã Phan Dũng được chấp nhận và đi vào thực hiện, nhiều phượt thủ đã đóng góp nhiều kinh nghiệm du lịch khám phá cần thiết cho mọi phượt thủ. Với kinh nghiệm trong gần 10 năm đi phượt, với 20 chuyến xuyên Việt và một số chuyến qua các nước Đông Nam Á, phượt thủ Vũ Đình Đạt lưu ý hành trang chuyến phượt ngoài chuẩn bị đồ ăn, nước uống, thuốc men, áo ấm, áo mưa, lều trại, bật lửa, các phượt thủ còn nên trang bị điện thoại có offine maps/GPS để load các điểm đánh dấu trên bản đồ địa hình và lưu lại trong trường hợp trên núi không kết nối được mạng; hoặc sử dụng các gói cước di động đảm bảo có mạng mọi lúc mọi nơi, có tính năng nhắn tin nhóm và chức năng gọi điện sẽ rất cần thiết phòng trường hợp xảy ra bất trắc. Ngoài ra, phượt thủ cũng cần trang bị pin/sạc dự phòng và đặc biệt cần sử dụng loại giày có độ bám tốt trên mọi địa hình để việc di chuyển được an toàn trên địa hình đồi núi hiểm trở. Bên cạnh đó, phượt thủ cũng cần được trang bị những kỹ năng căn bản. Chẳng hạn như khi đi qua suối cần phải đi theo đoàn, cùng nắm vào một sợi dây thừng và dò đường đi từng chút một để biết độ sâu hoặc phòng ngừa đá suối trơn trượt. Điều quan trọng nữa là cách xử lý khi bị lạc đường. Trong trường hợp này phượt thủ nên đứng im, giữ bình tĩnh, không nên chạy tứ tung sẽ làm cho những người khác khó tìm hơn.
Theo bà Nguyễn Thị Nguyên (Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng), tỉnh Lâm Đồng đã đạt được thỏa thuận với cơ quan cùng cấp tỉnh Bình Thuận về việc lắp đặt các biển chỉ đường, cảnh báo nguy hiểm, thông tin hướng dẫn bằng song ngữ Việt – Anh tại cung đường phượt Tà Năng – Phan Dũng. Đặc biệt, ngành du lịch hai tỉnh đã thống nhất lập trạm khu vực đầu tuyến tại xã Tà Năng để kiểm soát các đoàn phượt thực hiện theo đúng nội quy. Theo đó, điều kiện để du khách được tham gia tour đi bộ vượt rừng Tà Năng – Phan Dũng là phải trang bị đầy đủ vật dụng cần thiết, dụng cụ hỗ trợ, bảo đảm an toàn và phải có hướng dẫn viên hoặc người địa phương có kinh nghiệm đi cùng.
Vũ Phương
Bình luận (0)