Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Nhiều bài học về miền Trung vào đề thi giữa kỳ

Tạp Chí Giáo Dục

Thời điểm này, nhiều cơ sở giáo dục đang bắt tay vào thực hiện kiểm tra giữa HKI. Năm nay, với tinh thần Thông tư 26 về Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS, THPT, nhiều đơn vị đã mạnh dạn đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá.


Thầy Phạm Thanh Tuấn mong muống phát đi thông điệp tình yêu thương qua đề kiểm tra giữa HKI môn GDCD

Miền Trung, yêu thương, chia sẻ, chung tay… là những cụm từ, mệnh đề được nhiều giáo viên đưa vào trong đề kiểm tra giữa HKI, mang đến sự xúc động cho học sinh đồng thời truyền tải nhiều bài học giáo dục sâu sắc

Sống có lý tưởng với “Mệnh lệnh trái tim”

“Cứu giúp nhân dân là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình của bộ đội Cụ Hồ. Với cán bộ, chiến sĩ quân đội, cứu giúp nhân dân không chỉ là nhiệm vụ đơn thuần mà là mệnh lệnh từ trái tim…. Chính mệnh lệnh trái tim đã thôi thúc cán bộ, chiến sĩ đạp bằng mọi hiểm nguy, gian khó để có mặt cứu dân nhanh nhất…”, Anh chị hiểu như thế nào là “mệnh lệnh trái tim”; Trong những ngày miền Trung đang oằn mình chống bão lũ như hiện nay, “mệnh lệnh trái tim” của anh chị là gì (trả lời bằng một đoạn văn khoảng 8-10 câu).

Đây chỉ là hai trong 4 yêu cầu của đề kiểm tra giữa HKI môn ngữ văn dành cho học sinh khối 12, Trường THPT Trưng Vương (Q.1) khiến học sinh vô cùng xúc động. Chia sẻ về cách đổi mới đề thi này, cô Cô Nguyễn Trần Hạnh Nguyên (Tổ trưởng Tổ Ngữ văn nhà trường) cho hay, đề thi trước tiên thực hiện đúng theo tinh thần của Thông tư 26, hướng đến đánh giá học sinh một cách toàn diện nhất. Song song đó, đề tích hợp nội dung giáo dục nhận thức cho học sinh. “Thực tế có một bộ phận lớn học sinh các em sống thu mình vào một thế giới riêng. Thông qua việc chọn đưa nội dung “mệnh lệnh trái tim” vào đề thi ngữ văn mong muốn hướng học sinh vào “khúc ruột miền Trung”, giáo dục và khơi lên trong nhận thức của các em về tinh thần tương thân tương ái, tình yêu thương, nghĩa đồng bào”.

Đưa hình ảnh người lính trong thời bình vào đề thi, theo cô Nguyên đây là cách chân thực nhất để giáo dục học sinh về lý tưởng sống. “Hình ảnh người lính trong sách vở thường mang tính khô khan, ước lệ và thường chỉ xuất hiện trong thời chiến. Bằng việc đề cập đến hình ảnh người chiến sĩ bộ đội Cụ Hồ cụ thể trong thời bình sẵn sàng quên mình trước nhân dân vì mệnh lệnh trái tim sẽ giúp học sinh hiểu một cách đúng đắn nhất về hình ảnh người lính, giáo dục học sinh lòng yêu nước, hướng các em đến lý tưởng sống cao đẹp, sống có ích”, cô Nguyên bày tỏ.

Mặc dù được đổi mới về cách ra đề song đề thi vẫn tuân thủ theo đúng ma trận đề với các mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Ngoài mức độ kiến thức chung, qua 90 phút làm, có thể bằng nhiều cách thể hiện, sáng tạo nhưng đề sẽ đánh giá cao nhũng bài viết mang tính nhận thức bản thân của học sinh.

Giáo dục học sinh hướng về đồng bào miền Trung

Tương tự, đề kiểm tra giữa HKI môn giáo dục công dân (GDCD) khối 7, Trường THCS – THPT Diên Hồng (Q.10) lại đề cập đến tinh thần “chung tay hướng về đồng bào miền Trung”. Cụ thể, 2 trong 5 câu hỏi của đề thi với yêu cầu: “Sáng ngày 17-10-2020, đông đảo các tổ chức tôn giáo, văn nghệ sĩ, doanh nghiệp cá nhân đã đến tham dự chương trình “chung tay hướng về đồng bào miền Trung” để ủng hộ tiền, nhu yếu phẩm hỗ trợ đồng bào miền Trung bị lũ lụt. Theo em, việc làm trên thể hiện điều gì mà em đã được học?. Bản thân em đã làm gì để chung tay hướng về đồng bào miền Trung nhằm khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra?”.

Lựa chọn chủ đề “chung tay hướng về đồng bào miền Trung” vào đề thi giữa HKI, thầy Phạm Thanh Tuấn (Giáo viên GDCD nhà trường) cho biết, chủ đề này nằm trong chủ đề Quan tâm- cảm thông- chia sẻ có đề cập đến trong SGK. Song, bằng câu chuyện mang tính thời cuộc, đề cập đến tình hình thực tế sẽ mang đến sự gần gũi cho học sinh, đưa những bài học trong sách vở về tình yêu thương trở nên thân quen, hướng các em đến những việc làm cụ thể để thể hiện tình yêu thương, chia sẻ đó. “GDCD là môn học vô cùng gần gũi với học sinh. Qua việc đổi mới cách ra đề thi bằng nội dung, vấn đề đi từ đời sống mà cụ thể là vấn đề lũ lụt ở miền Trung hiện nay mong muốn lan tỏa trong các em tinh thần“tuổi nhỏ làm việc nhỏ”, thể hiện trách nhiệm của bản thân với cộng đồng, xã hội, phát đi thông điệp của tình yêu thương chia sẻ…”, thầy Tuấn bày tỏ.

Bài, ảnh: Yến Hoa

Bình luận (0)